Quan tâm hơn nữa việc thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các hoạt động quản lý Nhà nước và xã hội

20/04/2006
Tham luận của đồng chí Hà Thị Khiết, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Đảng đoàn Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (phiên họp ngày 20/4/2006).

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa các đồng chí đại biểu Đại hội!

 

Thay mặt Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam và phụ nữ cả nước, tôi xin bày tỏ sự vui mừng phấn khởi, sự biết ơn sâu sắc và niềm tin tuyệt đối của phụ nữ Việt Nam đối với Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh, đối với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Chúng tôi bằng tất cả tình cảm tin yêu son sắt với Đảng, xin gửi tới Đại hội lời chào mừng nồng nhiệt nhất. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

 

Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam khẳng định sự nhất trí cao với báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về các văn kiện Đại hội X của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trình bày trước Đại hội. Được Đoàn chủ tịch Đại hội cho phép, chúng tôi xin trình bày nhằm làm rõ thêm những thành tựu về Bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

 

Kính thưa Đại hội!


Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, sau 20 năm đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp phụ nữ đã phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Được hưởng thụ thành quả của công cuộc đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ không ngừng được cải thiện, vị thế của phụ nữ được nâng lên; bình đẳng giới có tiến bộ đáng kể. Chị em được tạo cơ hội tốt hơn để nâng cao trình độ năng lực, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập, chăm sóc sức khoẻ, ổn định đời sống, xây dựng gia đình no ấm.

 

Thành tựu về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ đánh dấu sự thành công của Đảng trong công tác vận động quần chúng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu đó không tách rời thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đồng thời là kết quả trực tiếp, tất yếu từ sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ; từ hệ thống luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện; từ tinh thần vượt khó, phát huy nội lực phấn đấu vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; từ sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cao trong hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới của Hội LHPN Việt Nam và Uỷ ban quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam; trong đó, điều quan trọng hơn phải thừa nhận đó là nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và xã hội về bình đẳng giới ngày càng được nâng lên rõ rệt. Tuy kết quả đạt được còn khiêm tốn nhưng rất đáng tự hào được thể hiện qua kiểm điểm thực hiện 8 mục tiêu thiên niên kỷ tại Liên hiệp Quốc năm 2005 đã đánh giá: “Việt Nam là điểm sáng về 3 mục tiêu: Xoá mù chữ, xoá đói giảm nghèo, bình đẳng giới”. Việt Nam thuộc nhóm nước có thành tựu khá trong khu vực về chỉ số phát triển giới, xếp thứ 87/144 Quốc gia trên thế giới (Trung Quốc 83, Thái lan 61, Phi-li-ppin 66, Singapor 28, Campuchia 105, Lào 109).

 

Với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XI chiếm tỷ lệ 27,31%, Việt Nam đã dẫn đầu các nước Châu Á về tỷ lệ nữ trong Quốc hội. Nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp cũng tăng hơn so với khoá trước.

- Cấp tỉnh/thành (từ 22,33% - 23,83%), tăng 0,5%

- Cấp quận/ huyện (từ 20,12% - 22,94%), tăng 2,82%

- Cấp xã/phường (từ 16,56% - 20,10%), tăng 3,54%

Cán bộ nữ tham gia cấp uỷ nhiệm kỳ hiện nay cũng tăng so với nhiệm kỳ trước:

- Cấp tỉnh/thành (từ 11,32% - 11,75%), tăng 0,43%, có 4 nữ Bí thư Tỉnh uỷ, 5 Phó Bí thư Tỉnh uỷ.

- Cấp quận huyện (từ 12,89% - 14,74%) tăng 1,85%

- Cấp xã/phường (từ 11,88% - 15,08%) tăng 3,2%

 

Ban Chấp hành Trung ương khoá IX có 13 đồng chí nữ,1 đồng chí Bí thư Trung ương Đảng.

 

Trong các cơ quan quản lý nhà nước cao nhất có Phó Chủ tịch nước là nữ; nữ Bộ trưởng và tương đương là 11,29%; Thứ trưởng và tương đương là 12,85%; nữ giữ chức Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh là 3,12%, Phó chủ tịch là 16,08%. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận/huyện là 3,62%, Phó chủ tịch là 14,48%. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã/phường là 3,42%, Phó chủ tịch là 8,84% ...

 

Trong sản xuất, kinh doanh ngày càng xuất hiện nhiều phụ nữ giỏi đã đảm nhận các chức danh Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, chủ doanh nghiệp; có nhiều doanh nhân nữ thành công trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

 

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, bình đẳng giới cũng có những tiến bộ đáng kể, đội ngũ trí thức được tăng lên cả về số lượng, chất lượng, chiếm 37% trong tổng số có trình độ đại học, cao đẳng; nữ tiến sỹ chiếm 19,9%, nữ giáo sư, phó giáo sư chiếm 6,7%.

 

Về phát triển đảng viên nữ: Nhiều cấp uỷ Đảng đã quan tâm chỉ đạo phát triển đảng viên nữ, coi đây là biện pháp quan trọng trong việc tạo nguồn cán bộ nữ. Tỷ lệ đảng viên nữ năm 1994 đạt 16,4%; năm 1999 đạt 19,3%; năm 2002đảng viên nữ đạt 21,7% và chiếm 35,7% trong tổng số đảng viên mới được kết nạp; năm 2005 đảng viên nữ mới được kết nạp tăng so với năm 2004 là 11,35% và chiếm 37,24% trong tổng số đảng viên mới kết nạp.

 

Sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ Việt Nam được thể hiện thông qua sự tham gia của cán bộ nữ vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp đã đánh dấu một bước tiến mới về công tác cán bộ nữ của Đảng trong 20 năm đổi mới. Được Đảng quan tâm bồi dưỡng, đại bộ phận cán bộ nữ đã trải nghiệm trong thử thách của kinh tế thị trường và quá trình đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước vẫn giữ được lối sống lành mạnh, có phẩm chất tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, tôn trọng kỷ luật, tuân thủ pháp luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ nữ là tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam về phát huy truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trước đây, quyết tâm cao để “Năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang” trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

 

Có được như vậy là kết quả của quá trình đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ của các cấp uỷ Đảng, sự phấn đấu không mệt mỏi của chính mỗi cán bộ nữ, thể hiện sự chuyển biến sâu sắc hơn trong nhận thức về vai trò, vị trí đội ngũ cán bộ nữ. Qua đó càng khẳng định công tác cán bộ nữ đã được đặt vào trong chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ được nhiều cấp, nhiều ngành, quan tâm hơn. Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho cán bộ nữ học tập, rèn luyện phấn đấu và trưởng thành. Nhân dịp này, thay mặt cho phụ nữ Việt Nam và đội ngũ cán bộ nữ, chúng tôi trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các đồng chí nam giới đã dành cho phụ nữ sự quan tâm động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho chúng tôi có được môi trường thuận lợi để phấn đấu và tham gia ngày càng nhiều hơn vào công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu “Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ Việt Nam.

 

Những thành tựu, kết quả trên về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt là sự tham gia vào các hoạt động lãnh đạo, quản lý Nhà nước, quản lý xã hội đã tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, những cố gắng và kết quả đạt được còn chưa tương xứng với lực lượng phụ nữ Việt Nam, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới.

 

Trong thực tế còn có một số cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ, về cán bộ nữ chưa sâu sắc và toàn diện; thậm chí ở một vài nơi còn có hiện tượng nhìn nhận đánh giá phụ nữ một cách cầu toàn, mang tính cào bằng, không tính đến yếu tố về giới; cũng không ít trường hợp còn khắt khe, hẹp hòi, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ vươn lên; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ nữ chưa tốt dẫn đến tình trạng đội ngũ cán bộ nữ phát triển không vững chắc.

 

Kính thưa Đại hội!


Ở nước ta, tỷ lệ nữ tham gia lao động cao nhất ở khu vực, tới 83%, gần ngang bằng với nam giới (85%), và chiếm trên 48% lực lượng lao động toàn xã hội, là nguồn nhân lực rất dồi dào. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề chỉ đạt 20,45%, bằng 30% so với nam giới. Trong sản xuất nông nghiệp, phụ nữ cũng ít được tham gia tập huấn kỹ thuật, vẫn còn tình trạng "nữ làm, nam học". Do ít được đào tạo, trình độ tay nghề thấp, cơ hội việc làm hạn chế, nên phụ nữchiếm số đông trong các công việc lao động giản đơn, thiếu ổn định, thu nhập thấp, bấp bênh, đời sống khó khăn.

 

Nhu cầu được hỗ trợ tạo việc làm tăng thu nhập đối với lao động nữ nông thôn, đặc biệt đối với nhóm phụ nữ nghèo là rất lớn, nhưng việc đáp ứng còn hạn chế. Một bộ phận lao động nữ trẻ ở vùng sâu, khó khăn, nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, học vấn thấp, không được đào tạo nghề, khó tìm kiếm việc làm; có những em bị rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người, sa vào tệ nạn xã hội hoặc tìm đến con đường lấy chồng nước ngoài…

 

Ở những nơi phụ nữ làm nghề dịch vụ, lao động nữ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong các doanh nghiệp tư nhân, một bộ phận phụ nữ ít tham gia hoạt động xã hội. Trong nội bộ cán bộ nữ vẫn còn hiện tượng chưa thật sự cổ vũ động viên, ủng hộ nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

 

Những tồn tại nêu trên có nguyên nhân khách quan của sự phân công lao động xã hội; do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và toàn cầu hoá. Nguyên nhân sâu xa và chủ yếu vẫn là do nhận thức về vị trí, vai trò của phụ nữ, sự bình đẳng nam nữ cũng hạn chế, trong đó có cán bộ, đảng viên và bản thân phụ nữ. Quan niệm truyền thống coi việc chăm lo công việc gia đình là của người phụ nữ, chia sẻ công việc gia đình chưa trở thành trách nhiệm thường xuyên của nam giới, đã dồn gánh nặng gia đình chủ yếu lên vai người phụ nữ, làm cho họ ít có điều kiện, cơ hội học tập, tiến bộ. Dù Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ lao động nữ và tạo điều kiện cho phụ nữ được bình đẳng, nhưng còn thiếu giải pháp cụ thể nên có những quy định hầu như không được quan tâm thực hiện; mặt khác, có quy định không còn phù hợp với sự phát triển xã hội, trở thành yếu tố cản trở bình đẳng giới, nhưng chậm được sửa đổi.

 

Về phần trách nhiệm của Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam, chưa thật sự chủ động trong việc tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về công tác vận động phụ nữ; hoạt động của các cấp Hội chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, chưa thực sự mạnh mẽ trong việc thực hiện chức năng đại diện quyền dân chủ, bình đẳng của phụ nữ.

 

Để tăng cường bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thày đầu tiên của con người, Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam kiến nghị một số vấn đề sau đây:

 

- Thứ nhất: Tăng c­ường sự lãnh đạo của Đảng làm chuyển biến sâu sắc nhận thức xã hội về bình đẳng giới. Trước hết tập trung nâng cao nhận thức cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền, trong cán bộ, đảng viên về vấn đề giới. Sớm nghiên cứu, ban hành nghị quyết về công tác vận động phụ nữ, cán bộ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, đáp ứng nguyện vọng, sự mong đợi của các tầng lớp phụ nữ trong cả nước.

 

- Thứ hai: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách theo hướng bảo đảm bình đẳng giới. Rà soát, sửa đổi những quy định tạo ra sự bất lợi đối với lao động nữ của pháp luật lao động, trong đó có sự phân biệt về tuổi tuyển dụng, đào tạo, đề bạt trên cơ sở tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Chính phủ và các bộ, ngành cần cụ thể hoá để thực hiện các chính sách ưu đãi cho lao động nữ và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Quán triệt quan điểm giới trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, chương trình mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Chiến lược quốc gia về sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010.

 

- Thứ ba: Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; coi đó là một nội dung trong kế hoạch công tác giám sát định kỳ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; trong công tác kiểm tra, đánh giá của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và đoàn thể các cấp. Đảng, Nhà nước cần có quy định cụ thể trong xử lý các hành vi vi phạm luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, nhất là những vấn đề thuộc về quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.

 

Về phần trách nhiệm của Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam, Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của PNVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước về thực hiện bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ. Chăm lo xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ Hội, đặc biệt là cán bộ cơ sở.

 

Kính thưa Đại hội!


Phụ nữ là lực lượng cách mạng rất to lớn; tổ chức tiền thân của Hội LHPN Việt Nam ngày nay được Đảng quyết định thành lập từ tháng 10 năm 1930. Từ khi có Đảng, phụ nữ Việt Nam luôn luôn gắn bó theo Đảng và được Đảng quan tâm, dìu dắt. Sự thành công của Đảng trong mỗi giai đoạn cách mạng có tính chất quyết định về sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng nếu không có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, phụ nữ không thể có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ như ngày hôm nay. Vì vậy trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào của đất nước, phụ nữ Việt Nam nguyện một lòng, một dạ, nguyện cả đời theo Đảng cộng sản Việt Nam. Chúng tôi xin kính dâng lên Đảng, lên Đại hội cả tâm huyết, niềm tin trọn vẹn của phụ nữ Việt Nam đối với Đảng kính yêu và mong muốn Đảng quyết tâm chính trị cao hơn nữa trong việc thực hiện phòng, chống tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phí; không ngừng xây dựng chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đưa đất ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển để nhân dân ta, trong đó có phụ nữ Việt Nam mãi mãi được sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

 

Kính thưa Đại hội!


Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhất định thành công; mục tiêu “Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” nhất định sẽ trở thành hiện thực.

 

Một lần nữa xin kính chúc các đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc, chúc Đại hội thành công rực rỡ.

Xin trân trọng cảm ơn Đại hội.

 

 

 

 

 

 

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video