Quan tâm tới công tác phụ nữ chính là quan tâm tới nền tảng phát triển của xã hội

28/01/2019
Chiều 28/01/2019, tại Hà Nội, Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận TW Trương Thị Mai cùng trên 100 đại biểu đại diện Hội đồng Lý luận TW, các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể TW, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã tham gia hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, UV BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, công tác vận động phụ nữ, vai trò của phụ nữ và của tổ chức Hội LHPN Việt Nam luôn được Đảng ta coi trọng; xác định Hội LHPN Việt Nam là bộ phận quan trọng cấu thành hệ thống chính trị, là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân nói chung, phụ nữ nói riêng.

Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam đã được xác định từ rất sớm và tương đối cơ bản, khá rõ ràng thông qua việc hoạch định đường lối, chủ trương, nghị quyết; thông qua xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ cả hệ thống chính trị làm công tác vận động phụ nữ mà nòng cốt là Hội LHPN Việt Nam và cán bộ Hội; thông qua kiểm tra, giám sát, giáo dục, thuyết phục, nêu gương.

 Ảnh minh họa
 UV BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu đề dẫn hội thảo

Chính vì vậy, công tác vận động phụ nữ đã đạt được nhiều kết quả tích cực: nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về phụ nữ và công tác phụ nữ được nâng lên rõ rệt; trình độ, năng lực, vai trò, vị thế của phụ nữ được cải thiện đáng kể; Hội LHPN các cấp ngày càng mở rộng tính liên hiệp, nâng cao chất lượng hoạt động, thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thu Hà cũng nêu ra những vấn đề đang đặt ra hiện nay, đòi hỏi phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Hội và công tác vận động phụ nữ như: sự thay đổi về nhu cầu, nguyện vọng, tình cảm của phụ nữ và yêu cầu đối với công tác phụ nữ, hoạt động Hội LHPN các cấp trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, làm thế nào để hoạt động của Hội đảm bảo tính chính trị nhưng phát huy được tính xã hội, tính tự chủ, tự nguyện trong các hoạt động của Hội.

 Ảnh minh họa

 Toàn cảnh hội thảo


Hội thảo đã nhận được trên 20 báo cáo khoa học, bài tham luận và ý kiến đóng góp, đề cập đến một số yếu tố tác động đến công tác vận động phụ nữ trong giai đoạn hiện nay như: sự thay đổi về cơ cấu dân số - lao động; khoa học kỹ thuật trở thành nhân tố quyết định trong việc thúc đẩy tiến bộ thời đại; kinh tế tri thức phát triển mạnh, sức sản xuất được nâng cao rõ rệt; hợp tác văn hóa quốc tế ngày càng được mở rộng đồng thời sự giao tranh về tư tưởng văn hóa trên phạm vị thế giới ngày càng sâu sắc... Các thách thức, khó khăn đối với phụ nữ hiện nay cũng được các diễn giả đề cập, trong đó mối quan tâm, lợi ích, nhu cầu của các nhóm phụ nữ rất khác nhau và rất khác so với trước; Lao động nữ chưa tận dụng được các cơ hội việc làm từ hội nhập quốc tế do hạn chế về trình độ tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ, tin học…

Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị một số phương hướng và giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam, đặc biệt là trước yêu cầu mới đặt ra từ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong chính sách cán bộ của Đảng, phát huy dân chủ, tăng cường sự tham gia của hội viên, phụ nữ trong công tác xây dựng Đảng; đồng thời tạo điều kiện để hoạt động của Hội LHPN Việt Nam vừa bảo đảm tính chính trị nhưng vẫn phát huy được tính xã hội, dân chủ tự nguyện.

 Ảnh minh họa

 PGS.TS Nguyễn Văn Giang, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại hội thảo


Nhiều ý kiến khẳng định, công tác phụ nữ phải bắt nguồn từ chính người phụ nữ, chính cuộc sống của họ, lấy phụ nữ làm trung tâm của toàn xã hội, vì sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ. Quan tâm tới công tác phụ nữ chính là quan tâm tới nền tảng phát triển của xã hội. Giải phóng phụ nữ chính là thước đo của văn minh, của sự phát triển mọi thời đại. Công tác phụ nữ phải mang tầm chiến lược.

Phát biểu tại Hội thảo, UV Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai nhấn mạnh, Nghị quyết TW 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ là một Nghị quyết có những đổi mới, những bước đi mạnh mẽ, cụ thể về thể chế với những chỉ tiêu rất cụ thể và vẫn giữ nguyên giá trị, tuy nhiên còn nhiều chỉ tiêu chúng ta chưa đạt được.

Từ đó, Trưởng Ban Dân vận đề nghị hội thảo cần tập trung giải quyết các vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau. Trong đó cần làm rõ, kinh tế thị trường định hướng XHCN là gì, có tác động như thế nào đối với mọi mặt của đời sống của phụ nữ và công tác phụ nữ; đánh giá đầy đủ về các quy luật của nền kinh tế thị trường để chỉ rõ những cơ hội và thách thức đối với phụ nữ nói chung, nhóm phụ nữ yếu thế nói riêng; từ đó xác định sự cần thiết và nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác phụ nữ.

 Ảnh minh họa

 UV Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo Hội thảo


Trưởng Ban Dân vận yêu cầu Hội LHPN Việt Nam tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội thảo, nghiên cứu vào quá trình chỉ đạo phong trào phụ nữ cũng như tham mưu cho Đảng về công tác phụ nữ. Đồng thời, Trưởng Ban Dan vận cũng chỉ rõ, công tác phụ nữ không phải là của riêng Hội Phụ nữ mà là của cả hệ thống chính trị. Sự phối hợp chặt chẽ của hệ thống chính trị trong công tác phụ nữ nhằm để phụ nữ có được sự ủng hộ nhiều hơn từ gia đình, xã hội, có cơ hội phát triển bình đẳng trong sự phát triển chung của đất nước, tham gia vào mọi công việc của Đảng, Nhà nước.

Phải có cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đi cùng với vấn đề về nêu gương để bảo đảm các Nghị quyết, chính sách đi vào cuộc sống thực chất, hiệu quả. Làm sao để nâng cao nhận thức đã là quan trọng nhưng để từ nhận thức đi đến tổ chức thực hiện, đi vào trong cuộc sống lại càng quan trọng hơn. Phải làm sao để tạo cơ hội bình đẳng, mọi cơ hội phải được thể chế hóa thành chính sách, quy định thì mới thành thực tiễn được.... Có phương thức lãnh đạo đúng rồi thì phải thông qua các tổ chức, trong đó có Hội Phụ nữ làm yếu tố nòng cốt để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video