Quảng Trị: Những tấm gương nỗ lực với công tác Hội

07/12/2020
Mặc dù khác nhau về hoàn cảnh sống, điều kiện vùng miền và quá trình khởi nghiệp nhưng các chị đều có một điểm chung đó là cống hiến nhiệt thành, đầy trách nhiệm với công tác hội phụ nữ ở địa phương; có nhiều đóng góp cho cộng đồng và xứng đáng là những tấm gương sáng để chị em phụ nữ noi theo....
Chị Nguyễn Thị Quý chăm sóc vườn rau màu - Ảnh: PHÚ HẢI

Tận tâm với công tác hội phụ nữ

 Sinh ra và lớn lên tại thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong nên từ nhỏ chị Nguyễn Thị Quý (47 tuổi) đã quen thuộc với công việc đồng áng. Và cũng chính nhờ gắn bó với ruộng vườn mà gia đình chị Quý đã vươn lên tích lũy làm giàu, nuôi các con ăn học thành tài. Hiện nay, vợ chồng chị Quý làm 2 mẫu ruộng, chăn nuôi 3 lợn nái sinh sản, gà nhốt chuồng và gần 1 sào hoa màu làm gối đầu quanh năm. Ngoài ra, chị Quý còn có thêm nghề buôn bán lúa gạo, lợn giống, chồng chị - anh Nguyễn Văn Hoành làm nghề thợ xây. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí sản xuất, gia đình chị Quý lãi ròng 50 - 60 triệu đồng từ các mô hình kinh tế.

Kinh tế khấm khá nên vợ chồng chị Quý càng có điều kiện chăm lo cho việc học của con. Nhờ đó, các con của chị đã lần lượt tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Hiện nay hai cậu con trai đang công tác trong các khu công nghiệp thuộc tỉnh Đồng Nai với mức lương khá cao. “Các con đã lớn khôn và tự lo được cho bản thân nên vợ chồng tôi cũng vơi bớt đi nỗi nhọc nhằn. Kinh tế gia đình không còn khó khăn như trước nên tôi càng có thời gian, động lực để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ công tác hội phụ nữ thôn”, chị Nguyễn Thị Quý tâm sự.

 Cách đây 16 năm, chị Quý được bầu làm chi hội phó rồi đến Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Mỹ Lộc. Với vai trò người đứng đầu chi hội, chị Quý đã nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và dần đưa các phong trào, hoạt động của chi hội đi vào nền nếp, có chiều sâu. Hiện nay, Chi hội Phụ nữ thôn Mỹ Lộc có gần 200 hội viên, bình quân mỗi năm phát triển thêm 2 - 3 hội viên. Nhiều năm qua, Chi hội Phụ nữ thôn Mỹ Lộc luôn được xem là chi hội hoạt động nổi bật trong công tác hội trên địa bàn xã Triệu Hòa với những phong trào thi đua, việc làm mang lại hiệu quả cao như: “5 không, 3 sạch”, xây dựng tuyến đường hoa, chung tay xây dựng nông thôn mới, gây quỹ hỗ trợ hội viên, chung tay chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài. Bên cạnh đó, Chi hội Phụ nữ thôn Mỹ Lộc đã phát huy tốt các mô hình, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý giúp các hội viên hiểu rõ hơn về pháp luật và góp phần ngăn chặn bạo lực gia đình, xâm hại tình dục.

Hiện nay, trong chi hội vẫn còn 1 hội viên thuộc hộ nghèo, 3 hội viên cận nghèo nên chị Quý cùng các hội viên luôn dành sự quan tâm đặc biệt và hỗ trợ vốn để họ sản xuất, kinh doanh. “Chi hội Phụ nữ thôn Mỹ Lộc luôn có nguồn quỹ khá dồi dào, bên cạnh đó chi hội còn có 2.000 cây tràm 3 năm tuổi để dành cho việc gây quỹ nên trong thời gian tới việc hỗ trợ hội viên vay vốn sản xuất sẽ được thuận lợi hơn. Hy vọng một vài năm nữa sẽ không còn hội viên thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo”, chị Quý chia sẻ.

Những năm qua, chị Quý luôn phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong mọi việc nên luôn được các hội viên quý mến, tin tưởng. Chính vì thế mà mỗi lần chị Quý triển khai nhiệm vụ, ý tưởng mới phù hợp với thực tế để góp phần xây dựng hội, phát triển quê hương đều được hội viên nhiệt tình hưởng ứng, chung tay thực hiện.

 Nỗ lực thoát nghèo của chị Nuốt

Ghé thăm ngôi nhà xây kiên cố của chị Hồ Thị Nuốt (33 tuổi), ở thôn A Xóc - Chaly, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa và nghe câu chuyện những ngày đói khổ, thiếu thốn trăm bề khi chị mới lập gia đình khiến chúng tôi càng nể phục hơn nỗ lực thoát nghèo của người phụ nữ này.

Nhờ đa dạng trong sản xuất nông nghiệp nên chị Hồ Thị Nuốt đã sớm thoát nghèo - Ảnh: PHÚ HẢI

Lập gia đình khi tuổi vừa đôi mươi, chị Nuốt cùng chồng mình là Hồ Văn Núi (31 tuổi) ra ở riêng trong một căn nhà sàn nhỏ sát bên triền sông Sê Băng Hiêng. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn hơn khi 2 đứa con trai liên tiếp chào đời. Những chuỗi ngày sống thiếu thốn vật chất, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc khiến vợ chồng Nuốt rất buồn. Không cam chịu phận nghèo, nhiều lần chị Nuốt bàn bạc cùng chồng xây dựng chuồng trại nuôi lợn thay cho chăn thả rông và được chồng ủng hộ. Với số tiền tích cóp ít ỏi từ việc làm thuê nhiều năm, chị Nuốt đã cùng chồng bắt tay vào xây dựng chuồng trại nuôi lợn. Việc chăn nuôi thuận lợi, chị Nuốt dần mở rộng quy mô chuồng trại và có lứa nuôi lên đến 11 con lợn thịt. Bên cạnh đó, chị Nuốt còn cải tạo vườn quanh nhà để trồng chuối bản địa, trồng cỏ voi nuôi bò; phát quang nương rẫy gần 1 ha trồng sắn KM 94 xen kẽ ngô lai. Năm 2014, gia đình chị Hồ Thị Nuốt tham gia Dự án BCC (Dự án Hành lang Bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2) hỗ trợ trồng phục hồi rừng bằng cây bản địa như: lát hoa, sao đen, bời lời đỏ… và trồng được 3 ha bời lời đỏ cho gia đình. “Hiện nay, kinh tế gia đình mình đã khấm khá hơn trước rất nhiều, nói giàu thì chưa đúng nhưng thoát nghèo thì đã được 4 năm rồi. Ngày trước mình nhờ cộng đồng mới thoát ra khỏi cái nghèo thì nay mình mong muốn được góp một phần công sức để cùng địa phương chung tay xây dựng quê hương, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu”, chị Hồ Thị Nuốt chia sẻ.

Nỗ lực thoát nghèo và quá trình vươn lên trong cuộc sống của chị Hồ Thị Nuốt khiến nhiều người dân nơi đây nể phục. Năm 2011, chị Hồ Thị Nuốt được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn A Xóc (nay sáp nhập cùng với thôn Chaly gọi là thôn A Xóc - Chaly) cho đến nay. Trên cương vị mới, chị Nuốt càng cố gắng cống hiến nhiều hơn để làm gương cho hội viên noi theo. Nhận thấy việc xây dựng một số hạng mục của Trạm y tế xã Hướng Lập đang gặp khó khăn vì thiếu đất, chị Nuốt bàn bạc với chồng và quyết định hiến tặng 170 m2 đất. Mấy tháng sau, trạm y tế xây xong, vợ chồng chị rất vui mừng vì đã đóng góp được một phần nhỏ cho quê hương.

Nhiều năm nay, chị Hồ Thị Nuốt luôn năng nổ trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các hội viên. Đặc biệt chị đã cùng các hội viên tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, chị Nuốt đã cùng với các hội viên duy trì tốt hoạt động của 2 nhóm tiết kiệm (mỗi nhóm 20 người) nhằm hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế.

 Chi hội trưởng phụ nữ năng động

 Đến thôn Thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh hỏi về chị Tạ Thị Ái Vân (38 tuổi), người dân nơi đây ai cũng biết và hết lời khen ngợi. Chị Vân vừa là đảng viên trẻ, vừa là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn năng động trong phát triển kinh tế gia đình; luôn tham gia và cống hiến hết sức mình trong các phong trào thi đua do xã, thôn, xóm phát động.

Chị Tạ Thị Ái Vân luôn quan tâm, chăm lo việc học cho các con - Ảnh: PHÚ HẢI

 Năm 2003, chị Vân lập gia đình cùng anh Trần Anh Đức (41 tuổi) rồi ra ở riêng trong cảnh thiếu thốn. Chắt chiu gần chục năm trời anh chị mới xây dựng được cơ ngơi khấm khá như hôm nay. Mới đây, để phát triển kinh tế theo hướng quy mô, chị Vân đã bàn bạc với chồng vay vốn xây dựng trang trại chăn nuôi gà ta khép kín trên diện tích 1.000 m2. Mỗi năm chị nuôi 4 lứa gà (mỗi lứa khoảng 3 tháng) với quy mô 10.000 con/lứa. Bên cạnh đó, chị còn làm 5 sào ruộng và cải tạo khu vườn gần 500 m2 để trồng cây ăn quả như bưởi da xanh, cam, ổi. Từ khi phát triển đa dạng các mô hình làm ăn, kinh tế gia đình chị Vân đã trở nên khấm khá hơn trước.

Từ năm 2010 đến nay, chị Vân được bầu làm Chi hội phó rồi Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thủy Ba Đông. Nhờ có kỹ năng giao tiếp, thật thà, chất phác trong cuộc sống và năng nổ, nhiệt tình trong công việc nên chị Vân luôn được chị em phụ nữ trong thôn yêu mến. Chính vì thế, chị luôn gặp thuận lợi trong công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của chị em. Thông qua các hoạt động tuyên truyền lồng ghép, sinh hoạt chuyên đề, chị Vân còn giúp chị em hiểu rõ ý nghĩa của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới.

Hằng năm, chị Vân luôn xây dựng kế hoạch để củng cố tổ chức hội và phát triển hội viên. Đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những ý kiến đóng góp của chị em để từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động của chi hội sát với thực tế, đem lại hiệu quả cao nhất. Hiện nay, chi hội có 152 hội viên, trong đó chỉ có 1 hội viên thuộc diện hộ nghèo (là người tàn tật). Trường hợp này luôn được chị Vân và các hội viên quan tâm, giúp đỡ đặc biệt. Ngoài ra, chị còn cùng các hội viên thành lập các tổ tiết kiệm để giúp nhau phát triển kinh tế; nuôi heo đất để giúp đỡ những trường hợp hội viên đau ốm, gặp khó khăn trong cuộc sống.

Gia đình chị Tạ Thị Ái Vân còn được đánh giá là “Gia đình học tập” tiêu biểu khi nuôi dạy 2 người con ngoan, lễ phép và học khá, giỏi. Trong những năm qua, việc làm, sự đóng góp cho xã hội của chị Tạ Thị Ái Vân luôn được các cấp đánh giá cao và khen ngợi.

http://www.baoquangtri.vn/QT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video