Quốc hội cần tăng tính phản biện

01/04/2016
Về thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp, qua tổng kết đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, số lượng các dự luật đã được ban hành rất lớn so với từ trước đến nay. Song, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn thay đổi thường xuyên.

Đây là tồn tại nhiều năm và nhiều nhiệm kỳ mà tôi biết, thay đổi một cách tùy tiện, lý do đưa ra chưa chính đáng. Trong một số luật khi ban hành không thực hiện được vì không cân đối được nguồn lực Nhà nước và đáp ứng yêu cầu chính sách, pháp luật đặt ra. Nguyên nhân vì sao cần phải được làm rõ. Đó là vai trò của cơ quan trình dự án luật chưa làm tròn trách nhiệm, chưa chuẩn bị tổng hợp đầy đủ ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là đối tượng được điều chỉnh, chưa lường trước giữa khả năng và sự cân đối của ngân sách Nhà nước. Vấn đề thực hiện nội quy kỳ họp, thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa nghiêm, gửi văn bản chậm, thiếu đồng bộ, thay đổi thường xuyên, việc phối hợp giữa cơ quan trình dự án luật và cơ quan thẩm tra chưa chặt chẽ, kém hiệu quả, tiếp thu tổng hợp thiếu đầy đủ, có lúc bảo thủ, thiếu lắng nghe.

Về vai trò của Quốc hội đối với cử tri, mỗi vị đại biểu Quốc hội đều nắm chắc vai trò, chức năng cơ bản của Quốc hội đối với cử tri, từ đó đã phát huy và thể hiện khá đầy đủ trách nhiệm của mình một cách có thể. Song, bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa thẳng thắn đánh giá một cách sát thực hơn, đó là vẫn con cơ chế xin – cho, từ đó dẫn đến tình trạng một số đại biểu ở địa phương, đặc biệt là địa phương nghèo, thường không dám phát biểu, ngại va chạm. Một số đại biểu thì thờ ơ, được chăng hay chớ, thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh, ít đi cơ sở, không thường xuyên gặp gỡ cử tri lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, Một số đại biểu nặng việc chuyên môn vắng mặt thường xuyên trong kỳ họp, ít phát biểu nhưng cũng chẳng ai đánh giá phê phán, từ đó dẫn đến chất lượng đại biểu không đồng đều. Quốc hội hoạt động nghiêng về một số đại biểu chuyên trách nhiều hơn.

Tôi đề nghị nên tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu đại diện các cơ quan chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp để tăng tính phản biện, hạn chế thấp nhất đại biểu ở cơ quan hành pháp để hạn chế tình trạng ngại va chạm, thiếu quyết tâm, thiếu năng lực, không thể hiện được vai trò của người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nên có cơ chế khen thưởng để động viên đại biểu tích cực.

Theo Báo PNVN (KK)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video