Quyền bình đẳng cho trẻ ngoài giá thú

14/11/2016
Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế Cologne (Đức) chỉ ra rằng, 35% trẻ sinh ra trong năm 2015 ở nước này có bố mẹ chưa đăng ký kết hôn. Dù muốn hay không, ngay khi có mặt trên đời, các em đã thuộc về nhóm những đứa con ngoài giá thú.

Bang Brandenburg của Đức là nơi có tỷ lệ trẻ sinh ra ngoài giá thú cao nhất, lên đến 70%. Không chỉ ở Đức, tỷ lệ trẻ là “trái ngọt” của những mối quan hệ không có bất cứ ràng buộc pháp lý nào ngày càng tăng mạnh.

Điều đáng nói, lựa chọn có con nhưng không kết hôn thời gian gần đây xuất hiện nhiều ở các nước phát triển. Ở Mỹ Latin, tỷ lệ trẻ ngoài giá thú hơn 65%, ở khu vực châu Âu và Mỹ là 40%, ở Đông Á là 5%. Con số này có chiều hướng gia tăng. Theo nhà tâm lý học Joshua Coleman, Chủ tịch Hội đồng Gia đình ở Mỹ, người trẻ ngày nay ngại kết hôn, lý do có thể vì họ không muốn đi lại “vết xe đổ” của bố mẹ, hoặc bản thân họ không sẵn sàng hòa hợp, chia sẻ cuộc sống với người khác trong khi họ cảm thấy không có thời gian chăm chút mối quan hệ ấy. Theo nhà tâm lý trên, phụ nữ ngày nay vẫn nghĩ đến gia đình, con cái sự nghiệp nhưng với họ, những thứ ấy không nhất thiết phải theo thứ tự cụ thể. Ông Joshua Coleman nhìn nhận đây là hiện tượng của thời đại, xảy ra ở nhiều đối tượng, từ người nổi tiếng đến người bình thường.

“Gia đình dễ đổ vỡ”, đó là khái niệm dùng chỉ gia đình có bố mẹ không đăng ký kết hôn. Nhiều nghiên cứu của Trung tâm Khảo sát Pew, Đại học Columbia hay Princeton đều đưa ra những kết quả không mấy khả quan với những đứa trẻ ngoài giá thú. Theo đó, trẻ chỉ sống với bố có khả năng bỏ học giữa chừng cao gấp hai lần những đứa trẻ bình thường, hoặc dễ trở thành bố, mẹ trẻ khi chúng trưởng thành. Tuy nhiên, những đứa bé ngoài giá thú không chỉ là những đứa bé sống với bố hay mẹ đơn thân mà có khi sống cùng với cả bố và mẹ nhưng họ không chịu đăng ký kết hôn. Trong khi những “người ngoài cuộc” còn tranh cãi thì những đứa bé ngoài giá thú vẫn được sinh ra.

Vậy nên có thái độ như thế nào đối với hiện tượng xã hội này? Bà Claude Martin, giáo sư Học viện Khoa học chính trị Rennes (Pháp), nói: “Điều quan trọng nhất là chất lượng mối quan hệ giữa người bố và người mẹ, bất kể họ có cưới nhau hay không”. Thực tế, không có lời giải cuối cùng liệu có phải 100% trẻ em sống với bố mẹ có giấy hôn thú rõ ràng thì hạnh phúc hơn trẻ ngoài giá thú.

Chính quyền các nước vẫn không thể làm ngơ trước nhu cầu trẻ ngoài giá thú cần được hưởng thụ mọi quyền một cách bình đẳng. Ủng hộ hay không ủng hộ quyết định có con ngoài giá thú của nhiều cặp đôi thì vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách quan tâm nhất là chất lượng cuộc sống và sự công bằng đối với mọi đứa trẻ. Bà Kathleen Kiernan, giáo sư khoa Chính sách xã hội và dân số Trường Đại học Kinh tế London (Anh) cho biết: “Mọi trẻ em phải được đối xử như nhau, không phân biệt chúng sinh trong hay ngoài giá thú. Chúng đều là những cá thể cùng sinh sống trong cộng đồng”.

Ở Hàn Quốc - quốc gia châu Á vẫn còn tư duy truyền thống rằng phụ nữ phải lấy chồng mới được sinh con, sự ra đời của những đứa trẻ ngoài giá thú là cả sự dằn vặt của người mẹ. Theo Bộ Y tế nước này, 96% trường hợp phụ nữ mang thai trước khi cưới, chọn cách phá thai. Còn lại, 70% trẻ sinh ra bị đem cho vào cô nhi viện.

Chị Mok Kyong-wha là một trong số ít bà mẹ Hàn Quốc quyết giữ con, chấp nhận con mình là đứa trẻ ngoài giá thú. Trước thực tế có nhiều sự lựa chọn như chị Mok Kyong-wha mà chính quyền Hàn Quốc phải thay đổi nhiều chính sách. Năm 2007, nước này ban hành Luật Hỗ trợ gia đình khuyết một thành viên, trong đó có những gia đình mà đứa trẻ ngoài hôn thú chỉ sống với mẹ, bố hoặc một người thân. Chính phủ hỗ trợ chỗ ở cho những gia đình này, miễn giảm học phí cho những đứa trẻ ngoài giá thú, đảm bảo cho các em có đầy đủ quyền lợi như bất cứ đứa trẻ nào. Chị Mok Kyong-wha chia sẻ: “Nỗ lực của chính phủ khiến những người mẹ như tôi mạnh dạn kết nối với nhau. Điều chúng tôi mong đợi là đến một lúc nào đó, không có sự phân biệt giữa đứa trẻ lớn lên có hay không có tờ giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ chúng”.

Ở một số nước, trẻ là con ngoài giá thú có thể không được công nhận quốc tịch ở nơi mình được sinh ra. Nhật Bản từng là quốc gia như thế. Chính áp lực của các nhà hoạt động xã hội buộc những nhà lập pháp phải thay đổi. Năm 2008, Nhật Bản công nhận quốc tịch cho những đứa trẻ có bố là người Nhật, mẹ là người nước ngoài. Sự thay đổi này khẳng định rằng, một đứa trẻ đã được sinh ra là phải được xã hội công nhận, đứa trẻ ấy cần hưởng đầy đủ quyền lợi như bao đứa trẻ khác.

Tại Pháp, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi trẻ sinh ra trước hôn nhân, chính quyền liên tục có những điều chỉnh kịp thời. Cụm từ “con ngoài giá thú” sẽ không được đề cập đến trong giấy khai sinh. Tòa án Nhân quyền châu Âu cũng đã can thiệp, yêu cầu Pháp gỡ bỏ tất cả giới hạn đối với những đứa trẻ này trong việc tiếp cận phúc lợi xã hội. Ngày nay, ở quốc gia này, hầu như không có sự khác biệt gì giữa những đứa trẻ có bố mẹ chỉ là cặp đôi góp gạo thổi cơm chung, bố mẹ có đăng ký kết hôn hay sống với bố hoặc mẹ.

Bà Kathleen Kiernan cho rằng: “Gia tăng trẻ ngoài giá thú phản ánh điều kiện xã hội, là vấn đề thời đại. Tuy nhiên, chúng ta không cần mổ xẻ vấn đề đúng, sai mà mục tiêu cuối cùng là hướng đến một thế hệ trẻ lành mạnh. Đó là những đứa trẻ có quyền bình đẳng, có quyền hưởng thụ, bất kể có hay không cuộc hôn nhân của bố mẹ chúng”.

Theo: Thiên Như (Theo Slate, Korea Herald, LA Times, Huffington Post, Reuters) - Báo PN HCM (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video