Quyền bình đẳng của phụ nữ - một vấn đề quan trọng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

28/08/2009
Thạc sĩ, Phó chủ tịch Hội LHPN Hoàng Thị Ái Nhiên

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới là người sớm quan tâm đến vai trò, vị thế của phụ nữ, là một trong những người đi đầu, giương cao tư tưởng chống áp bức và nô dịch phụ nữ.

Trong một bài phát biểu của mình, nhà sử học người Mỹ, bà Giô-xơ-phin Sten-sen đã khẳng định: Trong số những lãnh tụ là nam giới như Tô-mát Giéc-phéc-sơn, Mahatma Găng-đi, Các Mác, Lê-nin, Mao Trạch Đông, Lu-thơ-kinh và Nen-sơn Men-đê-la... Tất cả những lãnh tụ nói trên đều quan tâm sâu sắc đến công lý cho toàn thể xã hội. Song, chỉ có Hồ Chí Minh là đã luôn luôn nói về quyền bình đẳng của phụ nữ...

 Còn với chúng ta – những người dân Việt Nam, những người phụ nữ Việt Nam - hơn ai hết, chúng ta hiểu sâu sắc rằng trong suốt quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh cho độc lập tự do, xây dựng chế độ mới, có một tư tưởng xuyên suốt, có một điều luôn thường trực trong tâm khảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là làm thế nào, làm gì để giải phóng phụ nữ nước ta, để thực hiện nam nữ bình quyền, để quyền lợi của phụ nữ thật sự được tôn trọng, thật sự được bảo đảm.

Vì lẽ đó, cho đến trước lúc đi xa, Người vẫn luôn tâm niệm, dành một phần trong bản Di chúc thiêng liêng để nói về một vấn đề quan trọng là quyền bình đẳng của phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ có vai trò rất to lớn trong sự nghiệp cách mạng; giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ là một nội dung quan trọng của quyền con người, một nhiệm vụ của cách mạng. Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong Bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng

Với lực lượng một nửa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao những đóng góp to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp Cách mạng, Người khẳng định: “Trong lịch sử phát triển của đất nước, ở bất cứ thời kỳ nào, phụ nữ Việt Nam cũng giữ một vai trò rất quan trọng”; “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ!”.

Như vậy, cả về hai mặt pháp lý và đạo đức, quyền bình đẳng của phụ nữ là một nội dung quan trọng của quyền con người. Trong suốt cuộc đời làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn canh cánh một nỗi niềm, một nhiệm vụ: Giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ. Người ý thức sâu sắc rằng giải phóng phụ nữ thuộc địa phải gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Là một vị lãnh tụ nói và làm luôn đi đôi với nhau, tư tưởng thống nhất với hành động, Chủ tịch Hồ chí Minh thấu hiểu nổi thống khổ và sự ràng buộc xã hội đối với người phụ nữ; qua đó thức tỉnh họ đứng lên tranh đấu để giành lấy sự bình đẳng; trong công tác phụ nữ Người luôn đòi hỏi ở cả hai phía: Tổ chức Đảng và bản thân người phụ nữ.

Thấu hiểu và thông cảm với phụ nữ, Người luôn quan tâm thức tỉnh, xây dựng cho họ lòng tự tin, niềm tự hào. Người chỉ rõ: “Dưới CNXH, CNCS, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ đó đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực”. Là một lãnh tụ nói đi đôi với làm, Người đã biến sức mạnh tiềm tàng to lớn của phụ nữ thành động lực mạnh mẽ, thành mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Theo Người, một vấn đề cực kỳ quan trọng là phụ nữ phải được tham gia bình đẳng vào quá trình xây nền kinh tế mới của xã hội; sự tiến bộ của nền kinh tế, văn hóa, xã hội là tiền đề để đi tới giải phóng phụ nữ triệt để.

Không chỉ quan tâm đến quyền bình đẳng của nữ giới trong mọi quan hệ xã hội mà Bác Hồ còn lo cho hạnh phúc của nữ giới trong quan hệ vợ chồng,Bác khuyên chị em ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình để tự đấu tranh giải phóng mình khỏi những ràng buộc phi lý kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Bác phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như trong cuộc sống đời thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm động viên phụ nữ.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, suốt 40 năm qua, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng và phát triển một cách toàn diện tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các tầng lớp phụ nữ đã có nhiều cố gắng nỗ lực để hướng tới sự bình đẳng thực chất cho phụ nữ.

Xuyên suốt từ Cương lĩnh chính trị năm 1930 đến Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ tiếp tục được thể chế hoá trong nhiều văn bản Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt Đảng và Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản quan trọng về bình đẳng nam nữ và công tác phụ nữ.

Năm 1981, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Ngày 12/7/1993, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ – TW về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”. Tiếp tục phát triển các quan điểm của Đảng và Bác Hồ, Nghị quyết xác định phụ nữ là “người thầy đầu tiên” của mỗi đời người; phụ nữ có “những đặc điểm riêng...”; để phát huy vai trò của phụ nữ, Đảng ta đã xác định những nhiệm vụ cơ bản: “phát huy trí tuệ phụ nữ”, “tránh khắt khe, hẹp hòi”, cần “thông cảm, giúp đỡ phụ nữ”, “nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ là thật sự thực hiện quyền bình đẳng và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ”... Về phần mình: “phụ nữ cần kết hợp hài hoà công việc gia đình với công tác xã hội”…

Quan điểmấy tiếp tục được thể hiện trong Chỉ thị 37/CT-TW của Ban Bí thư ngày 16/5/1994 về công tác cán bộ nữ; được cụ thể hoá trong “ Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010” do Chính phủ công bố ngày 4/10/1997.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cụ thể: “Đối với phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳnggiới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X, tiếp tục cụ thể hóa quan điểm của Đảng đối với việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong thời kỳ mới, Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 11/NQ-TW “Về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Ngày 29/11/2006 Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Bình đẳng giới; ngày 21 tháng 11 năm 2007 Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Đây là những văn bản pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, là công cụ pháp lý thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phấn đấu thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở nước ta.

Bên cạnh những thành tựu về chủ trương, đường lối và luật pháp; về tổ chức bộ máy, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có một cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, có văn bản chính thức giao cho Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội phụ trách về Bình đẳng giới; hằng năm Chính phủ có báo cáo với Quốc Hội về thực hiện các mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới. Những thành tựu đó đã ngày càng tạo điều kiện cho phụ nữ bình đẳng về quyền và cơ hội phát triển; phát huy vai trò, khả năng của lực lượng phụ nữ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật của đất nước, sự nghiệp “giải phóng phụ nữ”, “nam, nữ bình quyền”, vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam ngày càng thu được nhiều thành tựu.

Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thực hiện lời giáo huấn trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, với lòng biết ơn vô hạn, các tầng lớp phụ nữ trên khắp mọi miền của đất nước đã đoàn kết phấn đấu, năng động, sáng tạo phát huy sức mạnh nội lực, giá trị truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, chủ động, tự tin, đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phầnthực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong vai trò người vợ, người mẹ, với tấm lòng thuỷ chung, nhân hậu, phụ nữ đã cùng nam giới xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Phụ nữ Việt Nam ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng được thực hiện đầy đủ hơn. Đời sống vật chất, tinh thần và sức khoẻ của đại bộ phận chị em được cải thiện.

Là tổ chức đại diện, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam đã giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ. Bám sát chức năng của Hội, nhiệm vụ chính trị của đất nước, các cấp Hội đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt hơn vai trò đại diện quyền làm chủ của phụ nữ; chủ động tham m­ưu với Đảng, Nhà nước ban hành một số chính sách, luật pháp có ý nghĩa chiến lược về công tác phụ nữ, cán bộ nữ và bình đẳng giới. Các cấp Hội đã tích cực vận động phụ nữ và các tầng lớp phụ nữ sôi nổi hưởng ứng thực hiệnphong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc’’. Đặc biệt, đối vớiCuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”, hơn 2 năm qua cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước đã nỗ lực thực hiện không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng cả tấm lòng yêu thương và biết ơn vô hạn đối với Bác. Cuộc vận động đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa, bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức trong cán bộ, hội viên, xây dựng được phong trào “làm theo” tấm gương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí củaBác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, quan niệm bất bình đẳng, tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn tồn tại trong xã hội ta dưới nhiều hình thức, ở nhiều nhóm xã hội khác nhau, kể cả đội ngũ cán bộ, công chức, thậm chí cả trong nữ giới. Giữa chủ trương, chính sách và pháp luật với thực tiễn còn khoảng cách lớn, để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong thực tế, phụ nữ đang phải đối mặt với đói nghèo, lạc hậu, thiếu việc làm, sự bất cập về trình độ học vấn, chuyên môn chính là những bước cản trở đến sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ. Ngay tại các bộ, ngành và những đơn vị hành chính, kinh tế lớn, vấn đề bình đẳng giới vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Việc bồi dưỡng, phát triển cán bộ nữ còn hạn chế. Tỷ lệ thất nghiệp trong nữ giới có xu hướng cao dần lên trong cả khu vực công và tư; tình trạng bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ vẫn còn cao; tình trạng thất học, bỏ học của các cháu gái ở vùng sâu, vùng xa còn khá phổ biến; khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị với nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn khá lớn…

Để tiếp tục thực hiện nội dung quan trọng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của phụ nữ, đồng thời thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, trong thời gian tới, cần tiếp tục có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động trên lĩnh vực xã hội và bình đẳng giới; sự nỗ lực của toàn dân và của phụ nữ.

Từ diễn đàn hội thảo này, chúng tôi mong muốn Đảng và Nhà nước, tiếp tục lãnh đạo, thể chế hoá những quan điểm về bình đẳng giới thông qua các chính sách, pháp luật; tiếp tục hoàn thiện các chính sách có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới. Đề ra các giải pháp hữu hiệu để đưa Nghị quyết, chính sách, pháp luật vào cuộc sống; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới; tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ vào bộ máy các cơ quan lãnh đạo các cấp; định kỳ hàng năm kiểm tra việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Về phần mình, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tổ chức các hoạt động thiết thực phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ và nhiệm vụ chính trị được giao. Chú trọng nâng cao năng lực của đội ngữ cán bộ các cấp để thực hiện tốt hơn vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ. Tăng cường tham mưu cho Đảng có những chính sách cụ thể, kịp thời động viên khuyến khích chị em vươn lên đảm nhận trách nhiệm trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người trong cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh” trong cán bộ, hội viên phụ nữ bằng những việc làm cụ thể thiết thực.

Với tất cả lòng thương yêu và biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu, tưởng nhớ Bác, cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước quyết tâm đoàn kết, phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đóng góp tài năng, sức lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu bình đẳng, phát triển của phụ nữ, xứng đáng với niềm tin yêu và lòng mong muốn của Bác Hồ.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video