TÀI LIỆU SINH HOẠT HỘI VIÊN QUÍ II.2008

09/05/2008
Đề nghị các tỉnh, thành Hội chỉ đạo các cấp Hội cơ sở tổ chức cho hội viên sinh hoạt nghiêm túc, có chất lượng.

Thiết thực kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890-19/5/2008) và đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước, Trung ương Hội LHPN Việt Nam xây dựng tài liệu sinh hoạt hội viên quý II/2008 về chủ đề Cuộc vận động dưới dạng trả lời các câu hỏi và đọc, thảo luận mẩu chuyện về Bác Hồ. Đề nghị các tỉnh, thành Hội chỉ đạo các cấp Hội cơ sở tổ chức cho hội viên sinh hoạt nghiêm túc, có chất lượng.

 

Câu hỏi 1: Vì sao Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”?

Trả lời:

- Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người dân noi theo.

- Ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về việc toàn Đảng, toàn dân tổ chức đợt học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đợt học tập đã thu được nhiều kết quả tốt.

- Trước yêu cầu tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương khóa IX đã quyết định triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đúc rút kinh nghiệm để tiến hành cuộc vận động lớn trong toàn Đảng về vấn đề này sau Đại Hội X của Đảng. Đây là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

- Trên cơ sở những kinh nghiệm thu được qua đợt làm điểm ở một số cơ quan Trung ương và địa phương, cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại Hội X của Đảng, Bộ Chính trị quyết định tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân từ ngày kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng (03-02-2007) tới hết nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng.

 

Câu hỏi 2: Hãy cho biết mục đích của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”?

Trả lời:Ngày 7 tháng 11 năm 2006 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm:

Làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

 

Câu hỏi 3: Những nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”?

Trả lời:

+ Cần là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm. Phải thấy rõ "lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta".

+ Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; "không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức...".

Cần, kiệm là phẩm chất của mọi người lao động trong đời sống, trong công tác.

+Liêm là trong sạch, là "luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân", "không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân", "không tham địa vị, không tham tiền tài..., không tham tâng bốc mình...".

+ Chính là ngay thẳng, không tà, là đúng đắn, chính trực. Đối với mình không tự cao, tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Được giao nhiệm vụ gì quyết làm cho kỳ được, "việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm; việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh".

Liêm, chính là phẩm chất của người cán bộ khi thi hành công vụ.

- Chí công là rất mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị "tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán", đem lòng chí công, vô tư đối với người, với việc. "Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau". "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". Muốn "chí công, vô tư" phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.

- Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công, vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công, vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.

 

Câu hỏi 4: Hội LHPN Việt Nam đã triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” như thế nào?

Trả lời:

Hội LHPN Việt Nam đã có một số hoạt động cụ thể tích cực triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”:

- Trung ương Hội và tất cả các tỉnh, thành Hội trong cả nước đều đã thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động.

- Phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn hệ thống Hội từ trung ương đến địa phương. Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức phát động Cuộc vận động vào ngày 3 tháng 2 năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Ban chỉ đạo Trung ương Hội đã ban hành kế hoạch số 36/KH-ĐCT ngày 19 tháng 4 năm 2007 về việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các tỉnh, thành Hội cũng đã có Kế hoạch triển khai Cuộc vận động trong toàn hệ thống Hội.

- Trung ương Hội đã có Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, hội viên, các tỉnh, thành Hội đã cụ thể hoá Hướng dẫn này thành những tiêu chuẩn đạo đức, lối sống phù hợp với cán bộ, hội viên của từng địa phương để thực hiện Cuộc vận động.

- Các cấp Hội và cán bộ, hội viên đã tích cực tham gia học tập và thi Tìm hiểu về những giá trị đạo đức và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, tổ chức các lớp tập huấn, học tập, nghiên cứu các chuyên đề về giá trị tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ, hội viên về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Một số địa phương đã sáng kiến tuyên truyền, kể các câu chuyện chân thực về Bác Hồ bằng tiếng dân tộc cho chị em hội viên, phụ nữ vùng dân tộc (như Hội LHPN tỉnh Hà Giang).

- Mỗi cán bộ, hội viên đều viết bản thu hoạch cá nhân sau khi nghiên cứu học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- Các tài liệu tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được biên soạn và phát hành làm tài liệu sinh hoạt gửi tới các cấp hội cơ sở. Trung ương Hội đã đưa nội dung Cuộc vận động trên tờ thông tin Phụ nữ phát hành 3 vạn cuốn trong cả nước, tờ rơi phát hành trong các cấp Hội. Hầu hết các tỉnh, thành Hội đều đưa nội dung Cuộc vận động vào cuốn Thông tin phụ nữ của địa phương.

Câu hỏi 5:Năm 2008, hội viên phụ nữ cần làm gì để thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”?

Trả lời:

Năm 2008, Chủ đề của Cuộc vận động là “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” và “Sửa đổi lối làm việc”. Riêng hội viên phụ nữ cả nước tập trung học tập và làm theo tấm gương đạo đức cần, kiệm của Bác Hồ.

- Toàn thể hội viên, phụ nữ tập trung thực hiện tốt những việc làm cụ thể, thiết thực sau:

+ Học tập thấm nhuần nội dung cần, kiệm theo gương đạo đức Hồ ChíMinh.

+ Tích cực lao động sản xuất, sử dụng vốn vay có hiệu quả, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng; giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh để giữ gìn sức khoẻ, phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống của gia đình.

+ Phân công lao động hợp lý cho các thành viên trong gia đình, dành thời gian cho việc quản lý, giáo dục chăm sóc con em.

+ Triệt để thực hành tiết kiệm trong việc chi tiêu hàng ngày, trong việc cưới, việc tang, lễ hội…, tăng mức tiết kiệm để đầu tư sản xuất, kinh doanh và phòng khi rủi ro, khó khăn.

+ Phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

- Các chi hội/tổ phụ nữ tổ chức cho chị em học tập, thảo luận đưa ra giải pháp thực hiện cần và kiệm theo tấm gương đạo đức của Bác. Sau đợt học tập, mỗi chị em có kế hoạch thực hành tiết kiệm của bản thân, gia đình, 6 tháng, hàng năm có báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm cho tổ chức Hội.

 

Câu hỏi 6: Hãy đọc và thảo luận theo câu hỏi cuối câu chuyện dưới đây:

 

TÔI ĐẾN XIN LỖI VÀ CẢM ƠN MẾ

 

Mùa luyện quân năm 1949, ở chân đèo Khế, có lần, một bà mế người Cao Lan bắt gặp một anh bộ đội vô ý để tuột nửa bao ruột tượng gạo trắng xuống đường. Mế liền hót hết số gạo lẫn với đất sỏi, lá mục ấy vào chiếc khăn đội đầu và mang đến nhà chủ tịch xã, Mế yêu cầu phải mang bọc gạo ấy đến tay Cụ Hồ. Mế nói: Bộ đội mà không biết quý hạt gạo thì còn đói, mình nói sao xuể, phải để “chỉ huy” nó biết mới nói được nhiều người nghe.

Chủ tịch xã đã vào khu Chính phủ, nhờ cảnh vệ chuyển đến tay Bác, ít lâu sau, Bác nhờ người dẫn mình tới nhà chủ tịch xã. Ông hết sức cảm động và luống cuống, Bác nói vui:

- Chủ tịch gặp chủ tịch, có gì lạ đâu.

Khi tìm hiểu cặn kẽ Bác nói:

- Chú đã làm được một việc tốt: kịp thời phản ánh nguyện vọng của nhân dân lên Chính phủ. Làm đầy tớ nhân dân là phải chu đáo như vậy. Rồi Bác cùng chủ tịch xã đến thăm bà Mế. Sau khi hỏi chuyện sức khỏe, chuyện làm ăn, Bác trân trọng gửi lại chiếc khăn chàm và nói:

- Cảm ơn mế đã cho tôi biết việc làm sai của bộ đội. Bộ đội, cán bộ có lỗi thì Đảng cũng có lỗi, tôi cũng có lỗi. Tôi đến đây là để xin lỗi và cám ơn Mế.

(Câu chuyện được trích trong cuốn sách “Chuyện ngày thường về Bác Hồ” của Nhà Xuất bản Văn hoá Dân tộc - Bảo tàng Tân Trào 2001 và được đăng trên báo Nhân dân ngày 16 tháng 2 năm 2008).

Câu hỏi:

Câu 1: Chị suy nghĩ gì về việc anh bộ đội vô ý để tuột nửa bao ruột tượng gạo trắng xuống đường mà không hót lên để dùng?

Câu 2: Chị nghĩ gì về việc bà Mế mang số gạo ấy đến nhà chủ tịch xã yêu cầu chuyển đến tay Cụ Hồ?

Câu 3: Chị có suy nghĩ gì về việc Bác Hồ đến thăm và xin lỗi bà Mế?

Câu 4: Hãy nêu một số ví dụ về tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí và ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà chị đã làm hoặc đã biết.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video