Tài liệu sinh hoạt hội viên số 2 năm 2013: Hội viên, phụ nữ tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững hưởng ứng “Năm Gia đình Việt Nam”

07/05/2013
Theo đề xuất của Hội LHPN Việt Nam, năm 2013 được lấy là “Năm Gia đình Việt Nam”. Đây là sự kiện quan trọng thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

TW Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu Tài liệu sinh hoạt Hội viên “Hội viên, phụ nữ tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam” nhằm cung cấp thêm thông tin cho cán bộ, hội viên và phụ nữ cả nước về nội dung, ý nghĩa và các hoạt động hưởng ứng Năm gia đình Việt Nam.

Câu 1: Vì sao cần có “Năm Gia đình Việt Nam”?

Trả lời:

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bên cạnh những giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn được bảo tồn và phát huy, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là: mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo (các thành viên trong gia đình thiếu trách nhiệm với nhau; bạo lực gia đình, ngoại tình, ly hôn,,,); tệ nạn xã hội thâm nhập vào các gia đình và tội phạm trẻ em có nguyên nhân từ gia đình đang tăng mạnh. Một trong những nguyên nhân là nhận thức chưa đầy đủ và đúng đắn của các cơ quan chức năng, của xã hội và mỗi gia đình về vị trí, vai trò của gia đình. Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về gia đình chưa theo kịp với sự phát triển của đất nước, nhiều vấn đề bức xúc về gia đình chưa được xử lý kịp thời.

Năm 2013 được chọn là “Năm Gia đình Việt Nam” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành, của toàn xã hội và huy động các tầng lớp nhân dân, phụ nữ tích cực hưởng ứng, cùng chung tay, góp sức xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Thông qua các hoạt động thiết thực trong Năm Gia đình Việt Nam, các cấp, các ngành cụ thể hoá và tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính Phủ về công tác xây dựng gia đình, đồng thời tập trung nguồn lực để từng bước giải quyết các vấn đề về gia đình hiện nay; củng cố, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Đối với các cấp Hội và hội viên, phụ nữ, “Năm Gia đình Việt Nam” là năm tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng gia đình, thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành TW Hội về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Chương trình phối hợp giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Câu 2: Chủ đề của Năm Gia đình Việt Nam là gì? Chủ đề đó có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Chủ đề của “Năm Gia đình Việt Nam” là: “Kết nối yêu thương”.

Chủ đề này thể hiện trách nhiệm, tình cảm của mỗi thành viên trong gia đình là cùng quan tâm, chia sẻ, chăm lo xây đắp tổ ấm gia đình. Chính tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc, mỗi quan hệ gắn bó, hòa thuận, đoàn kết của các thành viên trong gia đình là yếu tố cần thiết và quan trọng để gia đình hạnh phúc, không có mâu thuẫn, không có bạo lực, không phân biệt đối xử giữa con gái với con trai, các thành viên không mắc vào tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật. Mối quan hệ gắn kết, có trách nhiệm ngay từ trong gia đình cũng là nền tảng để các thành viên trong gia đình có các mối quan hệ lành mạnh ngoài xã hội, góp phần xây dựng xã hội ổn định, văn minh.

Câu hỏi 3: Trong “Năm gia đình Việt Nam”, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tập trung tổ chức những hoạt động trọng tâm gì?

Trả lời:

Trong “Năm Gia đình Việt Nam”, các cấp Hội tập trung vào các việc:

- Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, luật pháp của Đảng, Nhà nước liên quan đến gia đình để giúp hội viên, phụ nữ hiểu và thực hiện đúng theo quy định.

- Cung cấp, trang bị kiến thức về gia đình: tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con tốt, xây dựng mối quan hệ gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông…

- Tổ chức “Ngày Hội gia đình hạnh phúc” vào dịp Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình nhân Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) dưới các hình thức: hội thảo, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ, tọa đàm, giao lưu, gặp mặt biểu dương gia đình tiêu biểu, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.

- Tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”.

- Triển khai thực hiện đợt thi đua thực hành tiết kiệm với chủ đề “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, tổ chức các hình thức tiết kiệm, giúp các hộ gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

- Duy trì, nhân rộng, tổ chức các mô hình tại cộng đồng đảm bảo hiệu quả: nâng cao chất lượng các câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc hiện có; lựa chọn tổ chức thực hiện mô hình dịch vụ gia đình phù hợp nhu cầu của người dân; mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; mô hình gia đình với bảo vệ môi trường.

- Tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến gia đình để có cơ sở đề xuất giải pháp, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Câu hỏi 4: Hội viên, phụ nữ cần làm gì để thiết thực hưởng ứng “Năm Gia đình Việt Nam”?

Trả lời:

Hưởng ứng các hoạt động trong “Năm Gia đình Việt Nam”, mỗi hội viên, phụ nữ cần:

- Phát huy các phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam: cần cù, sáng tạo trong lao động, vị tha, thủy chung trong cuộc sống gia đình, tích cực rèn luyện các phẩm chất đạo đức mới của phụ nữ: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.

- Tham gia đẩy đủ và tích cực vào các buổi sinh hoạt hội viên để chia sẻ học hỏi kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết pháp luật, kiến thức về gia đình để áp dụng thực hiện trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

- Bản thân làm gương cho con và những người thân trong gia đình để cùng nhau củng cố các mối quan hệ tốt đẹp của gia đình: yêu thương, tôn trọng, đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm, “kính trên, nhường dưới”. Tích cực hưởng ứng phong trào “Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”.

- Học hỏi các kiến thức và kỹ năng để nuôi, dạy con tốt, không để con bị suy dinh dưỡng và bỏ học. Công bằng trong đối xử với con trai và con gái.

- Vận động người thân trong gia đình và hàng xóm láng giềng thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; đăng ký thực hiện các tiêu chí và phấn đấu đạt “Gia đình 5 không, 3 sạch”.

- Thực hành tiết kiệm trong gia đình và tham gia tiết kiệm tại chi/tổ phụ nữ để có vốn hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình. Tích cực thực hiện Cuộc vận động xây dựng ủng hộ “Mái ấm tình thương”.

- Thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ với những chị em còn gặp khó khăn trong cuộc sống; thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, giúp đỡ, hỗ trợ gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững; quan tâm giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ em lao động sớm, trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam để các em có điều kiện sống tốt hơn.

- Tích cực tham gia các cuộc họp đóng góp ý kiến vào các nội dung liên quan đến gia đình trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, Luật đất đai sửa đổi.

- Ngoài các việc nêu trên, cán bộ Hội các cấp cần tham gia tích cực vào việc giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách tại địa phương; Giám sát thực hiện các Luật liên quan đến gia đình (Luật hôn nhân và gia đình; Luật chăm sóc bảo vệ trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;Luật phòng chống mua bán người; Luật Bình đẳng giới) để kịp thời phát hiện những việc làm sai trái và có những đề xuất, kiến nghị phù hợp.

 

Ban Tuyên giáo TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video