Tăng cường an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

19/10/2018
Tăng cường an toàn thực phẩm (ATTP) vì sức khỏe cộng đồng; ATTP phải là ưu tiên của Chính phủ; tăng cường vai trò của nhà khoa học nữ với ATTP và dinh dưỡng… là những khuyến cáo đượcđưa ra tại Hội thảo dinh dưỡng an toàn toàn thực phẩm sáng 19/10/2018.

Trong khuôn khổ Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á Thái Bình Dương APNN, Hội thảo Dinh dưỡng và ATTP đã được tổ chức với sự tham gia của gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, trí thức nữ đến từ các tổ chức thành viên APNN và thành viên Hội nữ Trí thức Việt Nam.

Hội thảo nhấn mạnh sự quan trọng của ATTP trong cải thiện dinh dưỡng, bảo đảm sức khoẻ cộng đồng thông qua chế độ dinh dưỡng lành mạnh; đề xuất các giải pháp, can thiệp hiệu quả nhằm giải quyết gánh nặng kép suy dinh dưỡng.Đồng thời nhận định, cải thiện ATTP là chìa khóa quan trọng để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững.

ATTP, dinh dưỡng và an ninh thực phẩm có mối liên quan mật thiết với nhau. Thực phẩm không an toàn gây ra mối đe dọa đối với y tế thế giới, gây nguy hiểm cho tất cả mọi người, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi và người bệnh. Ước tính khoảng 600 triệu người- khoảng 1/10 dân số trên thế giới bị bệnh sau do ăn phải thực phẩm ô nhiễm và 420 ngàn người chết hàng năm.

Gánh nặng kép về suy dinh dưỡng, thiếu – thừa dinh dưỡng gây ra béo phì và các bệnh mạn tính là vấn đề được các diễn giả từ các quốc gia đề cập.Thừa cân, béo phì đang gia tăng ở các nước có mức kinh tế thấp và trung bình, tăng nhanh ở các nước giầu.Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2014, trên thế giới có khoảng khoảng 1.9 tỷ người trên 18 tuổi, 42 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì; 462 triệu người trưởng thành bị thiếu dinh dưỡng, 156 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi. Dinh dưỡng kém làm nhiều trẻ em dưới 5 tuổi tử vong.

Ở Mông Cổ, tình trạng béo phì ở mọi lứa tuổi đều gia tăng do người dân có thói quen ăn thịt, đồ ngọt, đặc biệt là tình trạng ăn vặt và đồ ngọt của trẻ em.Mông Cổ đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng tăng của các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống, mặc dù Chính phủMông Cổ đã đưa ra nhiều sáng kiến để giảm tình trạng suy dinh dưỡng, kể cảquy định chế độ dinh dưỡng (RDA), nhằm hướng dẫn người dân về chế độ ăn uống, khẩu phần ăn nhằm phòng ngừa bệnh tật và tăng cường sức khoẻ cộng đồng.TS. Mejeenov Purevjav, Đại học Khoa học và Kỹ thuật Mông Cổ đề xuất: cần có chiến lược y tế công cộng về ăn uống lành mạnh và cân bằng khẩu phần ăn nhằm thúc đẩy tình trạng sức khỏe chung; cải thiện công tác quản lý dịch cung cấp thực phẩm tại các trường học và trường mẫu giáo.

 Ảnh minh họa

 Đại biểu tha gia hội thảo


Ở Nhật Bản, công tác ATTP được Chính phủ hết sức quan tâm với 3 vấn đề: đảm bảo thực phẩm an toàn; xây dựng hệ thống luật pháp về ATTP; và củng cố tổ chức đảm bảo ATTP. Luật về ATTPcủa Nhật Bản tập trung vào việc thiết lập hệ thống bảo đảm ATTP, bảo vệ người tiêu dùng. Cùng với các Bộ Nông -Lâm - Ngư nghiệp và Bộ Y tế - Lao động và Thịnh vượng quản lý về ATTP, Chính phủ Nhật thành lập Uỷ ban ATTP– cơ quan đánh giá rủi ro độc lập với cơ quan quản lý, đảm bảo sự phối hợp giữa các Bộ thực hiện chức năng quản lý về ATTP. Hệ thống quản lý rủi ro khi sản xuất của Nhật Bản như HACCP, ISO22000, GAP… được coi là hệ thống tiêu chuẩn được công nhận toàn cầu.

Theo bà Yukiko Kunugi, Đại học Aichi Nhật Bản, người tiêu dùng chính là những nhà quản lý rủi ro giai đoạn cuối từ trang trại lên bàn ăn. Nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với ATTP sẽ trở thành chìa khóa quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách liên quan hệ thống xã hội bảo đảm ATTP trong tương lai.

Ở Đài Loan, việc quản lý phẩm thực phẩm chế biến được quy định trong Đạo luật về quản lý và kiểm soát thực phẩm (TFDA).Các sản phẩm nhập khẩu vào Đài Loan phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt và đảm bảo các điều kiện của TFDA.

Ở Việt Nam, công tác quản lý ATTP luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Hệ thống quản lý ATTP của Việt Nam dựa vào 3 yếu tố chính: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Hệ thống thanh tra chuyên ngành; và Hệ thống kiểm nghiệm ATTP. Việt Nam có khoảng 200 phòng kiểm nghiệm thực phẩm đã được công nhận.

Bên cạnh đó, các sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam cũng đang được quan tâm. Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC) bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.Việt Nam đã có Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ; hệ thống tiêu chuẩn về sản xuất Nông nghiệp Hữu cơ và chế biến.Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm NNHC. Diện tích canh tác sản nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng, năm 2014, cả nước có 43.010 ha nông nghiệp hữu cơ, tăng 2,05 lần so với năm 2010. Một số mô hình NNHC Việt Nam tiêu biểu như: Dự án ADDA – VNFU canh tác hữu cơ (rau, lúa, cam, vải, nho, chè và cá nước ngọt) theo phương pháp quản lý chất lượng chuỗi giá trị hữu cơ theo Hệ thống bảo đảm cùng tham gia; Ecolink-Ecomart với sản phẩm chè và rau hữu cơ xuất khẩu sang thị trường Âu và Mỹ; Organik Đà Lạt đang sản xuất khoảng 150 chủng loại rau các loại, cung cấp cho nhiều khách sạn cao cấp tại các thành phố: Đà Lạt, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Công ty cổ phần suất ăn hàng không của hãng Pacific và khoảng 1000 khách hàng ngoại quốc đang làm việc tại Việt Nam, xuất khẩu sản phẩm rau hữu cơ sang thị trường Đài Bắc; Viễn Phú Green Farm với sản phẩm gạo hữu cơ…

Các đại biểu cũng thống nhất khuyến cáo các Chính phủ cần coi “an toàn thực phẩm” là một vấn đề ưu tiên cho sức khỏe cộng đồng. Đồng thời đề nghị các thành viên Mạng lưới các nhà khoa học nữ châu Á và Thái Bình dương cần tham gia và có trách nhiệm hơn nữa trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm và gánh nặng kép về suy dinh dưỡng.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video