Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp

25/02/2016
Ngày 25/2, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội phối hợp tổ chức tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp”.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, dù Việt Nam được đánh giá là nước có chỉ số phát triển giới tốt trong khu vực, song với văn hóa còn đậm nét truyền thống Á Đông, các thách thức trong thu hẹp khoảng cách giới vẫn tồn tại, nhất là trong lĩnh vực chính trị.

“Các yếu tố văn hóa truyền thống và định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến, không chỉ xuất phát từ gia đình, xã hội, của nam giới với phụ nữ mà còn của chính bản thân phụ nữ. Vẫn còn những nữ ứng cử viên có tâm lý lo lắng, thiếu tự tin, cho rằng mình không có năng lực thuyết phục cử tri”, bà Chuyền nói.

Thống kê của Liên minh nghị viện thế giới cho thấy, với tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIII đạt 24,2%, Việt Nam xếp thứ 54 trong tổng số 190 quốc gia. Còn tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp cũng cao hơn. Nhiệm kỳ 2011 - 2016, số nữ ĐB HĐND cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện đạt 24,62% và cấp xã đạt 21,71%.

Nhưng tỷ lệ nữ tham gia ĐBQH và ĐB HĐND các cấp theo mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn khoảng cách khá xa. Đáng nói, tỷ lệ nữ tham gia ĐBQH không bền vững. Nếu số nữ ĐBQH khóa X đạt 26,2%, khóa XIII lại giảm còn 24,4%, thậm chí tỷ lệ nữ tham gia QH khóa XII còn thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ gần đây và trong vòng 20 năm qua, tỷ lệ nữ ĐBQH chỉ tăng được gần 4%.

Đến thời điểm này đã xác định số ứng cử viên là nữ ít nhất đạt 35%, từ đó phấn đấu trúng cử 30% tham gia ĐBQH.  Nhưng trong qui trình bầu cử chưa có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Nữ ứng cử viên thường phải gánh nhiều cơ cấu, xếp cùng danh sách ứng cử cùng với nam giới giữ chức vụ lãnh đạo cao hơn… khiến cơ hội trúng cử thấp hơn nam giới.

Cho rằng, cần có những bước đi vững chắc, giải pháp đột phá mới thực hiện được mục tiêu của nhiệm kỳ tới, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, truyền thông sẽ góp phần thay đổi nhận thức, hành vi và ủng hộ sự tham gia của phụ nữ bằng những tuyên truyền tích cực về các qui định của Đảng, Nhà nước, nhất là qui định về bầu cử, về vai trò, đóng góp của phụ nữ, và giảm thiểu định kiến giới.

Bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng lưu ý, trong quá trình giới thiệu người ứng cử là nữ, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cấp ủy, công đoàn rất quan trọng. Khi được giới thiệu thì MTTQ mới có điều kiện để hiệp thương, lựa chọn đưa vào danh sách ứng cử.

Theo: Thảo Nguyên, http://thanhtra.com.vn/(MH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video