Tăng quyền năng cho phụ nữ: Điều khôn ngoan cần làm

11/03/2011
Những phụ nữ đang giữ trọng trách ở cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ và Anh tại VN chia sẻ suy nghĩ về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ VN, những điều họ cảm nhận được qua công việc và cuộc sống ở đây.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại VN Virginia Palmer: Khi phụ nữ tiến bộ, các nước cũng tiến bộ


Bà Virginia Palmer
Quốc hội Việt Nam có tỉ lệ đại biểu nữ lớn nhất Đông Nam Á.

Từ Hai Bà Trưng cho đến những lãnh đạo đương thời như Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ VN Nguyễn Thị Thanh Hòa hay bà Trương Thị Mai, những người mà hoạt động tiên phong trong lĩnh vực lập pháp sẽ mang lại ích lợi cho các nữ doanh nhân và đưa nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, phụ nữ vẫn luôn ở tuyến đầu trong việc định hình xã hội Việt Nam. Trên thực tế, chính những nữ doanh nhân cần cù đã là một động lực then chốt đằng sau sự bùng nổ về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Mặc dù có sự tiến bộ như vậy, song những bất bình đẳng vẫn tồn tại ở khắp nơi trên thế giới. Tiềm năng của phụ nữ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng, tiến bộ xã hội, hòa bình và quản trị tốt vẫn chưa được khai thác ở rất nhiều nơi.

Bạo lực giới không chỉ hủy hoại đời sống của các em gái và phụ nữ, các gia đình, các cộng đồng, mà còn cướp đi những tài năng mà thế giới đang rất cần. Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), với tài trợ từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, đang triển khai chương trình về chống bạo lực giới tại Việt Nam. Dự án tập trung nâng cao năng lực của khu vực tư pháp và hành pháp nhằm phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình.

 

Chính phủ Mỹ đã cấp hơn 15.000 USD hỗ trợ dự án “Bình đẳng giới và nữ quyền cho phụ nữ tại khu vực nông thôn” của Trung tâm Phát triển cộng đồng Ánh Dương (Hậu Giang).

Dự án này giúp nâng cao kiến thức của phụ nữ tỉnh Hậu Giang, thông qua giáo dục cộng đồng và các hình thức đào tạo khác tại 15 xã.

Nếu chúng ta muốn xây dựng được một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn, chúng ta không thể để một nửa dân số lại phía sau. Chúng ta không thể giải quyết thành công các thách thức về môi trường, an ninh, kinh tế, phát triển và hơn thế nữa, nếu phụ nữ không được tham gia ở mọi cấp độ trong xã hội.

Khi phụ nữ tiến bộ, các nước cũng tiến bộ. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đầu tư vào phụ nữ có tương quan tích cực với xóa đói giảm nghèo và gia tăng thịnh vượng. Giáo dục trẻ em gái là sự đầu tư phát triển hiệu quả nhất có thể thực hiện được với những hệ quả tích cực to lớn đối với tương lai của em và gia đình em.

Giới hạn sự tham gia của phụ nữ, không khai thác tiềm năng của họ là sai trái với phụ nữ và sai trái với thế giới. Chúng ta rất cần tài năng, kinh nghiệm và sự lãnh đạo của phụ nữ. Chúng ta cam kết thúc đẩy việc tăng quyền năng cho phụ nữ không chỉ vì đó là điều đúng đắn phải làm, mà còn vì đó là điều khôn ngoan cần làm.

Trưởng Bộ Phát triển quốc tế Anh tại VN Fiona Lappin:

Chưa có vị trí xứng đáng trên vũ đài chính trị

Bà Fiona Lappin

Một thế kỷ trước, khi lần đầu tiên thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ, ý tưởng phụ nữ có một sự nghiệp xứng đáng cho bản thân hay sự độc lập về tài chính đối với phụ nữ trên toàn thế giới không còn là giấc mơ mong manh.

Kể từ năm 1911 đến nay, nhiều thứ đã thay đổi. Chính phủ Anh tại Việt Nam được đại diện thông qua Đại sứ quán Anh, Hội đồng Anh và Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID). Những vị trí cấp cao ở cả ba cơ quan này hiện nay đều do phái nữ đảm trách.

Trước khi đến Việt Nam, bà Fiona Lappin đã làm việc tại Ấn Độ và đã có những kinh nghiệm thực tế về vấn đề giới tại các vùng khác nhau của khu vực châu Á.

“Chúng tôi rất thích cách mọi người kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ tại Việt Nam. Các chị em ăn mặc đẹp, nhiều người diện áo dài truyền thống, được gia đình, bạn bè và đồng nghiệp tặng những bông hoa tươi thắm”, bà nói, “nhưng ngày này cũng là để thay đổi những quan niệm truyền thống".

“Trong gia đình, phụ nữ vẫn phải chịu trách nhiệm chính về công việc nội trợ, bao gồm chăm sóc con cái và người già. Còn khi đi làm, họ thường chỉ được tuyển dụng vào các vị trí trả lương thấp. Thực trạng này thậm chí còn tệ hơn đối với phụ nữ ở các vùng nghèo và vùng sâu vùng xa. Trên vũ đài chính trị, phụ nữ vẫn chưa có vị trí xứng đáng".

“DFID rất năng động trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới. Các khía cạnh trong vấn đề giới đều được đưa vào mọi chương trình của chúng tôi và tiến độ thực hiện được giám sát rất kỹ. Những năm tới, chúng tôi sẽ nỗ lực tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị và tạo nhiều việc làm hơn cho phụ nữ. Chúng tôi cũng giúp nâng cao đời sống của họ bằng cách tăng cường sức khỏe và sự lựa chọn của phụ nữ trong vấn đề sinh sản, chống bạo lực gia đình, giúp phụ nữ nghèo được tiếp cận với các dịch vụ vệ sinh và đưa họ vào tâm điểm của các chương trình bảo vệ xã hội của chúng tôi".

“Tôi rất vui vì ngày 8/3 năm nay, London công bố Tầm nhìn chiến lược về giới để một lần nữa khẳng định cam kết trong các hoạt động đấu tranh cho quyền phụ nữ và bình đẳng giới”.

Bạo lực gia đình là một vấn đề

Bà Alison Ball, Giám đốc Hội đồng Anh tại TP.HCM: Tính linh hoạt tại nơi làm việc là thiết yếu. Việc cho phép nhân viên đăng ký giờ làm việc linh hoạt dựa trên khung giờ cố định của cơ quan để đảm bảo các vị trí trở nên phù hợp và cởi mở cho nhiều người hơn. Nhiều nhân viên đã làm việc tại cơ quan tôi nhiều năm và có nhiều cơ hội và sự hỗ trợ để thăng tiến với các vị trí cao hơn. Ở giai đoạn ban đầu, vấn đề giới và xuất thân có thể đã khiến họ không có được nhiều cơ hội nghề nghiệp nhưng chúng tôi đã giúp họ thu hẹp khoảng cách đó.

Đồng thời, trong các lớp đào tạo tiếng Anh, chúng tôi luôn đảm bảo rằng các bạn trẻ cả nam và nữ đều được thể hiện  tham vọng của mình một cách bình đẳng chứ không bị giới hạn bởi những vai trò rập khuôn. Với sự tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam cần đầu tư vào lực lượng lao động tương lai và nhìn nhận cả nam và nữ giới đều là những nhà lãnh đạo của đất nước trong nay mai.

Phó Đại sứ Anh Kate Harrisson: So với nhiều nước châu Á khác, Việt Nam đã và đang làm rất tốt trong công tác đảm bảo bình đẳng giới. Phụ nữ Việt Nam hiện đang tham gia mạnh mẽ và tích cực trong mọi mặt đời sống xã hội. Các bạn sẽ không mấy ngạc nhiên khi hầu hết nhân viên Việt Nam của Đại sứ quán là nữ - nhiều người đang nắm giữ những vị trí cố vấn quan trọng. Nhưng khắp cả nước, chỉ có 27% số phụ nữ có thu nhập thông qua việc làm có trả lương, vẫn còn sự chênh lệch giữa phụ nữ ở thành thị và nông thôn.

Đáng buồn là vẫn còn những vấn đề đáng quan ngại, ví dụ như nạn buôn bán người - chủ yếu là phụ nữ ngày càng gia tăng. Đại sứ quán Anh sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này. Bạo lực gia đình cũng là một vấn đề. Thật đáng lo ngại khi số liệu gần đây cho thấy gần 2/3 phụ nữ Việt Nam cho rằng việc đàn ông đánh vợ là có thể chấp nhận được - điều không thể được chấp nhận ở Anh.

H.Anh ghi

(Theo VietnamNet)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video