Tạo cơ chế, chính sách, cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp nữ phát huy vai trò, tiềm năng trong phát triển kinh tế và hội nhập

26/10/2020
Hội thảo góp ý văn kiện ĐH Đảng XIII chủ đề “Kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại quốc tế- vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội LHPN Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội, sáng 26/10 có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các nữ doanh nhân đến từ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, mạng lưới các nữ doanh nhân một số tỉnh, thành phía Bắc.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 6 phải ảnh qua) cùng các nữ doanh nhân tham gia hội thảo

Khai mạc hội thảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nêu rõ, vai trò, đóng góp to lớn của lao động nữ trong phát triển kinh tế đất nước là rất to lớn với tỷ lệ khoảng 71,24% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, số doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng, từ 4% (năm 2009), đến nay đạt tỷ lệ 25%, cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân.

Chủ tịch Hội LHPN Hà Thị Nga phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh đó, theo Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2017, nếu khoảng cách giới trong thị trường lao động thu hẹp 25% vào năm 2025, GDP toàn cầu sẽ tăng thêm 5.3 ngàn tỷ đô la Mỹ. Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cũng đưa ra thông tin từ kết quả nghiên cứu, đó là, các công ty trong Top 25% doanh nghiệp đa dạng về giới đạt lợi nhuận cao hơn 15% so với chỉ số bình quân ngành. Đây là minh chứng về tiềm năng của phụ nữ tham gia vào lĩnh vực kinh tế.

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII đã định hướng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường; Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế...

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các nữ doanh nhân đến từ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, từ mạng lưới nữ doanh nhân đã có những tham luận, ý kiến để cùng nhau có một cái nhìn tổng thể, toàn diện về vấn đề kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay; vai trò, thực trạng, tiềm năng của nữ doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, các ý kiến đã đóng góp tiếng nói trách nhiệm, tâm huyết nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Trong đó, đa số các ý kiến đều khẳng định, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của phụ nữ nói chung và doanh nghiệp nữ nói riêng còn nhiều tiềm năng. Tạo cơ hội nhiều hơn để phụ nữ tham gia và các hoạt động kinh tế và phát triển kinh doanh thì lợi ích mang lại rất lớn (đóng góp vào GDP, cải thiện thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho xã hội, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới)...

Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam điều hành hội thảo

Điểm lại quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian vừa qua, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, việc thiết lập môi trường xã hội, kinh doanh, xây dựng các công cụ chính sách phù hợp, lồng ghép BĐG, tạo thuận lợi, cơ hội công bằng cho doanh nhân, nữ doanh nhân trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhằm triển khai hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế gắn với bình đẳng giới là rất quan trọng trong hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp do nữ làm chủ của Việt Nam hiện nay đa số vẫn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ còn lạc hậu, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp, mức độ sẵn sàng và liên kết  khu vực đầu tư nước ngoài hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu.

Theo bà Minh, dự thảo dự thảo văn kiện lần này đã đề cao vai trò, vị trí của cộng đồng doanh nghiệp (DN): cụ thể, trong toàn văn bản có 83 lần nhắc đến DN. Tuy nhiên, vấn đề bình đẳng giới chỉ được đề cập đến 4 lần trong công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, phần II về hạn chế yếu kém chưa nêu tồn tại là không đạt chỉ tiêu phát triển DN do nữ làm chủ 30% vào năm 2015 và 35% vào năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh Minh góp ý: Các chỉ tiêu chủ yếu trong dự thảo Báo cáo nên cân nhắc bổ sung thêm một số chỉ tiêu, trong đó có tỷ trọng doanh nghiệp do nữ làm chủ đến năm 2025; Chỉ số liên quan đến giới (GDI), chỉ số vai trò của phụ nữ (GEM), chỉ tiêu giảm chỉ số bất bình đẳng giới (GII); Điều chỉnh các chính sách và quy định pháp luật có liên quan để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho phụ nữ và thúc đẩy các doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ, đánh giá kỹ lưỡng tác động giới và việc lồng ghép giới trong chính sách; Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng khung chiến lược quốc gia về thúc đẩy các doanh nghiệp do nữ làm chủ; Khuyến khích thị trường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ, tích cực hỗ trợ doanh nhân nữ...

Bà Phạm Thị Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho rằng, cần có chiến lược phát triển doanh nghiệp xã hội quốc gia, có cơ chế thúc đẩy và hỗ trợ hệ sinh thái doanh nghiệp xã hội (chính sách, tài chính, thị trường, văn hóa, dịch vụ hỗ trợ, nhân lực...).

Các đại biểu tham dự hội thảo

Đánh giá cao các ý kiến đóng góp trách nhiệm, tâm huyết của các nữ doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp do nữ làm chủ tại Hội thảo có hàm lượng chất xám cao, mang hơi thở thực tiễn sâu sắc, Chủ tịch Hà Thị Nga khẳng định đây là chất liệu quý báu để Hội LHPN tiếp thu, hoàn thiện văn bản của Hội góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, phát huy vai trò của tổ chức Hội và các tầng lớp phụ nữ trong tham gia, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý, hệ sinh thái tốt nhất để phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy bình đẳng giới trong phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video