Thái Bình: Tổ hợp tác kèn đồng Hương Lúa - niềm đam mê của những phụ nữ thôn quê

31/10/2019
Ở xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình có một đội kèn đồng của những người phụ nữ với tên gọi Tổ hợp tác kèn đồng Hương Lúa.

Đến xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vào những ngày tháng 10 trong tiết trời đang chuyển mùa, nắng hanh vàng hòa quyện trên cánh đồng lúa chín đang vào vụ, cảnh quê yên bình, thoang thoảng mùi rơm mới quyện trong mơ màng có tiếng kèn đồng vang vọng.

Chị Bùi Thị Mến, tổ trưởng Tổ hợp tác kèn đồng Hương Lúa cho biết: Thụy Liên là một xã có đông đồng bào công giáo, tiếng kèn đồng của người công giáo cất lên vào các ngày lễ đã trở nên thân thuộc, mang lại sự trang trọng, mạnh mẽ, tình yêu quê hương cho những người con nơi đây.

Chị Mến và nhiều chị em trong thôn có chung đam mê tiếng kèn đồng quê hương, đã tìm tới nhau, quy tụ lạithành tổ kèn đồng, vừa chị em có cơ hội thể hiện tài năng của mình, thỏa mãn đam mê, vừa có thêm thu nhập. Cùng thời điểm đó, phong trào phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh Thái Bình phát động đã có sức lan tỏa mạnh mẽ càng tiếp thêm ý chí cho các chị. Được sự hỗ trợ, động viên khuyến khích của Hội HPN xã, chị Mến và chị em đã mạnh dạn thành lập tổ hợp tác kèn đồng Hương Lúa với tinh thần đoàn kết và đồng thuận rất cao.

Tháng 9 năm 2018, tổ hợp tác kèn đồng ra đời, là tổ hợp tác đầu tiên trên địa bàn huyện Thái Thụy do Hội LHPN xã Thụy Liên hỗ trợ thành lập. Ban đầu lấy tên là Tổ hợp tác kèn đồng Cam Đoài. Tuy nhiên, trong quá trình lưu diễn, các chị muốn người xem luôn nhớ đến mảnh đất đã ươm mầm và chắp cánh cho những ước mơ của chị em nên đã thống nhất đổi thành Tổ hợp tác kèn đồng Hương Lúa. Tổ hợp tác gồm 21 thành viên, do chị Bùi Thị Mến là tổ trưởng. Tổ hợp tác chuyên cung cấp dịch vụ kèn đồng, phục vụ hiếu, hỷ, lễ hội… cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

Chị em trong tổ hợp tác đa phần ở độ tuổi 35-40, trình độ không đồng đều, có chị đã học xong cấp 3, có chị mới chỉ học xong cấp 1, cấp 2, tất cả chị em đều làm nông nghiệp chân lấm, tay bùn, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, không có nhiều cơ hội được tiếp xúc, giao lưu. Bên cạnh đó, kèn đồng là một loại nhạc cụ khá nặng và đồ sộ, đối với những người phụ nữ chân yếu tay mềm, để có thể mang kèn và thổi dài theo suốt một bản nhạc không phải là chuyện đơn giản. Nhưng chính niềm đam mê với những thanh âm mạnh mẽ, cao vút của loại nhạc cụ này đã trở thành sợi dây gắn kết, giúp chị em có thêm quyết tâm vượt qua khó khăn ban đầu.

Chị Lê Thị Nguyệt, một thành viên tổ hợp tác chia sẻ: gần một năm trời, chúng tôi thuê nhạc sỹ kèn đồng về dạy từ những nốt nhạc đầu tiên. Có khi ban ngày vừa nấu cơm, vừa để bài nhạc bên cạnh học, đang đêm ngủ thì bật dậy để nhẩm nốt nhạc. Thậm chí, từng cánh tay của chị em ngồi cạnh cũng được coi là nhạc cụ để tập luyện. Nhờ sự hăng say, nỗ lực và đam mê, từ chỗ không biết gì về nhạc lý, đến nay, các chị đều có thể đọc được các nốt nhạc, khả năng thẩm thấu thanh âm mỗi ngày một nâng lên. Tổ hợp tác còn may những bộ đồng phục để có thể biểu diễn trên nhiều sân khấu, trong nhiều hoàn cảnh vừa phù hợp, nhưng vẫn trang trọng và tôn lên được vẻ đẹp thanh cao, mạnh mẽ mà vẫn rất dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.

Chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình lưu diễn, chị Nguyệt xúc động: Trong lần ra mắt đầu tiên, sau khi biểu diễn xong một bản nhạc, có một cụ ông đứng dậy vỗ tay không ngớt và nói rằng: “Các cháu biểu diễn hay lắm, hãy cố gắng, ông chẳng có gì đâu, đây ông tặng các cháu số tiền ít ỏi này để động viên các cháu hãy cố gắng hơn nữa trên con đường tiếp theo”. Số tiền chỉ có 17.000 đồng, tuy giá trị vật chất ít ỏi nhưng có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn với chị em.

Từ khi thành lập đến nay mới chỉ tròn 01 năm, nhưng với sự nỗ lực, kiên trì rèn luyện, tiếng kèn của chị em ngày một hay hơn, tinh tế hơn và được nhiều người biết đến. Các ca khúc mà tổ hợp tác biểu diễn ngày một phong phú, từ những bản nhạc nghi lễ, đến những bài hành khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Hát mãi khúc quân hành”, “Vì nhân dân quên mình”, “Bài ca thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”, đến những ca khúc ca ngợi quê hương đất nước “Việt Nam quê hương tôi”, “Làng tôi”… Các chị đã tham gia biểu diễn tại các ngày hội của làng, xã, trong huyện, trong tỉnh và cả tỉnh ngoài như Hà Tĩnh, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nội…Thậm chí có những chuyến lưu diễn kéo dài 9 ngày liên tục. Bình quân, mỗi tháng các chị tham gia biểu diễn khoảng 15 ngày, thu nhập từ 3-5 triệu đồng/chị. Nhìn chị em biểu diễn say sưa, nghe những âm thanh điêu luyện trầm hùng, hay rộn rã reo vui…như những người nghệ sĩ thực thụ mới thấy hết được niềm đam mê bất tận của những người phụ nữ nơi đây.

Tổ hợp tác kèn đồng Hương Lúa ra đời đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời thu hút phụ nữ tham gia vào các chuỗi liên kết dịch vụ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho chị em.Với sự nỗ lực, đam mê của các thành viên, sự hỗ trợ từ phía cấp ủy, chính quyền và sự đồng hành của các cấp Hội LHPN, hy vọng tổ hợp tác kèn đồng Hương Lúa ngày càng phát triển, tiếng kèn đồng của tổ hợp tác mãi bay cao, bay xa và thành công hơn nữa.

Chị Bùi Thị Mến thủ thỉ: Đây là thành công bước đầu của tổ hợp tác, đích đến của chị em còn muốn vươn xa hơn, phát triển quy mô hơn, được tham gia ở những sân chơi lớn hơn với mong muốn mang đến cho đông đảo người nghe những cảm xúc tươi mới, chân thật của Đất và Người Thái Bình “Nơi nào em đến đều thơm, hương mùi lúa mới Thái Bình quê em”.

Hội LHPN tỉnh Thái Bình

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video