Thành cổ Hà Nội - Đến và Tự hào

28/10/2004
Sau lễ đón nhận danh hiệu Di tích quốc gia cho khu phố cổ Hà Nội và khai trương tuyến phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân, người dân Thủ đô lại nô nức đón chào một sự kiện quan trọng: Thành cổ Hà Nội chính thức mở cửa đón nhân dân vào tham quan. Tới nay, đã có hàng vạn lượt du khách đến với địa chỉ du lịch văn hóa này mang theo niềm tự hào sâu sắc về truyền thống và vẻ đẹp của kinh thành Thăng Long xưa.

Trải qua những thăng trầm thời gian và bao biến cố lịch sử, khu di tích Thành cổ Hà Nội hiện còn lại 5 điểm di tích chính nổi trên bề mặt và hệ thống các di tích khảo cổ còn ẩn sâu trong lòng đất. Nếu đi dọc từ phố Điện Biên Phủ, rẽ vào đường Hoàng Diệu tới phố Phan Đình Phùng, cũng chính là đi theo trục Nam-Bắc-trục chính tâm của thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội thời Nguyễn- du khách sẽ lần lượt đến thăm từng địa điểm trong số 5 di tích giá trị còn tồn tại đến ngày nay. Trước tiên là Kỳ Đài cao hơn 40m gồm thân trụ hình bát giác và lầu nóc để dựng cột cờ được xây dựng khoảng năm 1805-1812. Tiếp đó sẽ tới Đoan Môn -công trình có niên đại thời Lê (thế kỷ 15) thật hoành tráng; (Đoan Môn có nghĩa là cửa đầu mối, cửa chính chỉ dành riêng cho nhà vua ra vào Cấm thành). Tại di tích điện Kính Thiên -nơi được chọn dựng các tòa chính điện qua các triều đại- dấu ấn giờ đây chỉ còn 2 đôi rồng đá lớn ở mặt trước được tạo tác từ giữa thế kỷ 15 và đôi rồng đá nhỏ ở mặt sau phía Tây có niên đại cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Khu Hậu Lâu, còn gọi là ‘Lầu Công chúa” có kiến trúc gốc thời Nguyễn, tương truyền xưa dùng làm nơi nghỉ ngơi của cung tần mỹ nữ hộ giá nhà vua khi tuần du Bắc Hà. Điểm cuối cùng của di tích Thành cổ chính là Cửa Bắc được xây dựng từ năm 1805. Đây là cổng thành duy nhất còn lại và hiện nay trên tường thành vẫn lưu 2 vết đạn đại bác của quân Pháp bắn vào thành năm 1882. Trên tầng lầu của cổng giờ là nơi thờ 2 vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã anh dũng tuẫn tiết khi thành Hà Nội thất thủ.

 

Dễ dàng nhận thấy trong số các di tích ấy, khu vực di tích điện Kính Thiên luôn thu hút rất đông du khách. Mọi sự tò mò, thích thú, mọi trầm trồ khen ngợi đều tập trung vào đôi rồng đá được tạo tác tinh xảo, cầu kỳ và những bậc thềm dẫn lối lên điện Kính Thiên xưa. Và đáng quý biết bao khi trong ngày khai mạc, khách tham quan có dịp được nghe 2 nhà sử học uy tín là GS Trần Quốc Vượng và GS Lê Văn Lan giảng giải thật tỉ mỉ, kỹ lưỡng về mọi chi tiết có liên quan đến Thành cổ Hà Nội. Sự tận tình ấy đã phần nào giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích và bớt đi nỗi bận lòng bởi sự thờ ơ, thiếu nhiệt tình của đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn viên tại đây (đáng tiếc là những ngày sau buổi khai mạc, Ban quản lí di tích Thành cổ Hà Nội đã hầu như không bố trí lực lượng hướng dẫn viên, để mọi người mạnh ai nấy xem, khiến nhiều du khách không khỏi băn khoăn và hụt hẫng, chẳng biết phải bắt đầu thăm quan từ đâu và hiểu về vai trò, ý nghĩa của từng di tích như thế nào).

 

Dẫu vậy, con số hàng vạn lượt người đến tham quan, bao gồm cả người dân Hà Nội, các tỉnh lân cận và khách quốc tế trong vòng chưa đầy 1 tháng mở cửa Thành cổ đã cho thấy sự quan tâm mà nhân dân dành cho địa danh này sâu sắc biết nhường nào. Tuy số di tích còn tồn tại đến ngày hôm nay không nhiều nhưng cùng với Hoàng thành Thăng Long mới phát lộ, Thành cổ Hà Nội sẽ mãi là niềm tự hào của người dân Thủ đô nói riêng và đồng bào cả nước về một quá khứ vẻ vang, tươi đẹp của kinh đô “rồng bay”.

 

Mách bạn: "Thành cổ - Mùa hoa sữa" đang là tour du lịch hấp dẫn của Hà Nội trong tiết trời cuối thu, đầu đông chớm lạnh này. Những du khách ở tỉnh xa có thể đăng ký theo tour Hà Nội-Hạ Long-Quảng Ninh vì chương trình thăm quan Thành cổ Hà Nội sẽ là một phần không thể thiếu trong chuyến du lịch này.

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video