Thành phố Lai Châu đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình

14/09/2019
Nhiều năm qua, thành phố Lai Châu tích cực vào cuộc triển khai các giải pháp phòng chống, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Bạo lực gia đình không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của mỗi người dân, mà còn phá vỡ nền tảng giáo dục đạo đức gia đình, đe dọa các chuẩn mực xã hội, thời gian qua, thành phố Lai Châu tích cực vào cuộc triển khai các giải pháp phòng chống, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Chị Phạm Thị Hải – Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố cho biết: “Từ năm 2014 trở về trước, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố còn xảy ra nhiều. Trong đó, một số vụ mang tính chất nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống của các thành viên gia đình”. Điển hình là vụ bạo lực gia đình xảy ra ở tổ 5, phường Quyết Tiến. Chỉ vì mâu thuẫn gia đình, trong lúc nóng giận, người chồng không làm chủ được bản thân đang tâm sát hại vợ và 2 con ruột của mình. Hậu quả, 2 đứa trẻ tử vong, người vợ bị thương nặng nhưng được cấp cứu kịp thời nhưng tinh thần thì bị tổn thương nặng nề. Người chồng sau đó cũng đã tự vẫn.

Ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực gia đình, UBND thành phố đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình, Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững đến năm 2020, chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn định hướng đến năm 2030. UBND thành phố thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình thành phố. Bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành để tổ chức triển khai thực hiện tới Ban Chỉ đạo các xã phường, cơ quan đơn vị liên quan. Đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục hàng năm. Thành lập, duy trì hoạt động các Câu lạc bộ: “Gia đình phát triển bền vững”, “Địa chỉ tin cậy”. Hiện nay, toàn thành phố đã thành lập được 18 “Địa chỉ tin cậy”, 11 Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”.

Qua nắm bắt tình hình thực tế, nhận thấy nguyên nhân chính của tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn là do sự bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Người dân thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết không phù hợp khi trong gia đình có mâu thuẫn, xung đột. Bản thân người chồng, người cha mắc vào cờ bạc, rượu chè. Chị em khi bị bạo hành còn e ngại, nặng tâm lý “xấu chàng hổ ai”, giữ thể diện cho gia đình, người thân không báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, lý do tảo hôn, vợ chồng thiếu thủy chung, cuộc sống nghèo đói, thiếu việc làm, cộng đồng còn thờ ơ với hành vi bạo lực gia đình cũng phần nào dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình. 

Theo số liệu thống kê từ năm 2008 đến nay, Đài Truyền thanh thành phố tuyên truyền 7 tin, bài có nội dung lồng ghép về công tác gia đình. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tổ chức trên 740 buổi sinh hoạt tại các chi hội, thu hút 47.528 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố tuyên truyền thông tin lưu động trên 50 buổi, tuyên truyền cổ động trực quan trên 300 panô, áp phích và trên 100 băng zôn, khẩu hiệu. Cấp phát nhiều các cuốn tài liệu, tờ rơi có nội dung về: “Sổ tay công tác gia đình”, “Kiến thức gia đình”, “Công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay”…

“Công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì thường xuyên, song tuyên truyền đậm nét nhất là trong Tháng hành động phòng chống bạo lực gia đình hàng năm. Chỉ tính riêng trong Tháng hành động năm 2019, thành phố đã treo 11 băng zôn khẩu hiệu tại trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học, phát thanh các tin, bài trên Đài truyền thanh không dây của 7 xã, phường. 11 Câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững" tổ chức 11 buổi tọa đàm, sinh hoạt, thu hút hơn 450 lượt người tham dự” – chị Hải cho biết thêm.

Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì thường xuyên. Khi phát hiện xảy ra bạo lực gia đình, cấp ủy, chính quyền cơ sở, các thành viên tổ hòa giải nhanh chóng can thiệp, giải quyết kịp thời bằng cách đưa nạn nhân tạm lánh đảm bảo an toàn, đồng thời khuyên ngăn, góp ý, răn đe người bạo lực nhận lỗi, sửa lỗi. Nhờ đó, nhận thức của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, mỗi người dân về công tác phòng, chống bạo lực gia đình dần được nâng cao, đa số các vụ bạo lực gia đình đều được hòa giải và ổn định sau khi góp ý. Trách nhiệm của người dân trong phát hiện, tố cáo các hành vi bạo lực gia đình với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết chuyển biến rõ nét, nhanh chóng, kịp thời. Số vụ bạo lực gia đình giảm nhanh từ 23 vụ (năm 2014) xuống còn 1 vụ (năm 2018). Trong 6 tháng đầu năm 2019, thành phố chưa ghi nhận vụ bạo lực gia đình. Không những vậy, tính chất và mức độ nghiêm trọng của các vụ bạo lực gia đình giảm nhiều qua các năm, số vụ bạo lực gia đình có mức độ nghiêm trọng hầu như không có.

Phường Đông Phong là một trong số những địa phương làm tốt công tác phòng chống bạo lực gia đình. Thời gian gần đây, trên địa bàn phường không xảy ra bạo lực gia đình. Chị Phạm Thị Hồng Liên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường khẳng định: “Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác phụ nữ, chúng tôi hỗ trợ chị em tìm hiểu và tiếp cận các thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội… của đất nước, của tỉnh, về bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của phụ nữ. Vận động chị em tích cực học tập, nâng cao kiến thức, đảm nhận tốt vai trò trong gia đình, cùng chồng xây dựng gia đình hạnh phúc. Chúng tôi còn hướng dẫn chị em khi xảy ra bạo lực gia đình phải báo với cán bộ Hội hoặc thành viên Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” để có sự can thiệp, tư vấn, giải quyết kịp thời”.

Bạo lực gia đình đẩy lùi đồng nghĩa với các gia đình có thêm điều kiện yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, chung tay xây dựng tổ ấm, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay đâu đó trong một số gia đình đôi lúc nóng giận giữa bố mẹ với con cái, giữa vợ với chồng và ngược lại có thể xảy ra cãi vã, có lời nói lăng mạ, xúc phạm làm tổn thương đến đối phương. Đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình. Do vậy thời gian tới, thành phố tiếp tục lồng ghép công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình với phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các cuộc vận động khác. Duy trì và phát huy có hiệu quả Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” nhằm phòng, chống bạo lực gia đình từ cơ sở cũng như thu hút người dân tham gia can thiệp, hỗ trợ đối với các vụ bạo lực gia đình.

baolaichau

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video