Thích ứng với tình trạng “bình thường mới” trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, Hội LHPN Việt Nam tập trung hỗ trợ phụ nữ khôi phục, phát triển sinh kế

21/05/2020
Ngày 20/5/2020, Đoàn chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã ra Kế hoạch số 835/H-ĐCT về việc triển khai các hoạt động thích ứng với tình trạng “bình thường mới” trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Hội LHPN tỉnh Hà Giang trao tặng sinh kế cho phụ nữ nghèo vùng biên cương

Kế hoạch nhằm thực hiện các chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng và Chính phủ về việc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội đồng thời bảo đảm chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả.

Theo đó, các hoạt động của Hội LHPN Việt Nam chuyển trạng thái thích ứng với tình trạng bình thường mới trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tham gia khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau giai đoạn tập trung chống dịch kịp thời, thiết thực, hiệu quả.

Các hoạt động bám sát chỉ đạo của Đảng, chính phủ, chính quyền địa phương; gắn với chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”; các trọng tâm hoạt động, các sự kiện quan trọng của Hội trong năm 2020; hướng mạnh về cơ sở; chú trọng các đối tượng phụ nữ dễ bị tổn thương.

Thay đổi lề lối, phương thức chỉ đạo, điều hành, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin nhanh, mạnh, hiệu quả.

Các nội dung cụ thể của Kế hoạch:

1. Thay đổi phương thức chỉ đạo, tổ chức hoạt động Hội thích ứng với bối cảnh dịch bệnh

- Các hoạt động của Hội cần dựa trên nhu cầu của từng nhóm phụ nữ khác nhau, ưu tiên hơn đối với nhóm phụ nữ đặc thù, yếu thế và nhóm phụ nữ bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19.

- Đẩy mạnh và triệt để áp dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội; số hoá hoạt động Hội để phụ nữ dễ dàng tiếp cận. Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet (cổng thông tin điện tử, các trang web, mạng xã hội…) bằng hình thức hấp dẫn, phù hợp (dạng infographic, clip,…); Chú trọng xây dựng các sản phẩm truyền thông cho phụ nữ dân tộc thiểu số phù hợp ngôn ngữ, văn hóa, trình độ và cách tiếp cận của phụ nữ DTTS, tôn giáo.

- Hình thành các nhóm phụ nữ/cộng đồng phụ nữ trên mạng xã hội để nắm bắt tình hình, tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của hội viên, phụ nữ kịp thời.

- Đối với các hoạt động/sự kiện đông người cần có cách thức chỉ đạo, thực hiện phù hợp theo hình thức trực tuyến hoặc sử dụng các công cụ truyền thông hiện đại, đảm bảo hiệu quả trong phòng chống dịch và các kế hoạch sau dịch; Cải tiến cách thức sinh hoạt hội viên định kỳ theo hướng hấp dẫn về nội dung, linh hoạt về hình thức, phù hợp với điều kiện thực tế.

- Đẩy mạnh và triệt để sử dụng bộ nhận diện Hội LHPN Việt Nam trong tất cả các hoạt động Hội, nhất là hoạt động triển khai ở cộng đồng, hoạt động hướng tới hội viên, phụ nữ.

- Chủ động phối hợp và sẵn sàng ứng phó khi có các trường hợp dương tính tại cộng đồng.

2. Tập trung hỗ trợ hội viên, phụ nữ khôi phục, phát triển sinh kế

- Tiếp tục hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân hàng CSXH, ngân hàng NN&PTNT, các ngân hàng thương mại và các tổ chức, chương trình/dự án TCVM. Đối với các tỉnh/thành có chương trình/dự án TCVM, khuyến khích thúc đẩy các chương trình/dự án TCVM cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng... theo tinh thần Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, đồng thời xem xét có một khoản vay dành cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nhằm góp phần hỗ trợ khách hàng khắc phục ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

- Rà soát các trường hợp hội viên vay vốn qua kênh của Hội bị ảnh hưởng của dịch bệnh để đề xuất ngân hàng hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ theo quy định. Phối hợp các Hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ nắm tình hình các doanh nghiệp do nữ quản lý để đề xuất với chính quyền nhằm giúp tháo gỡ các khó khăn trước mắt cũng như dài hạn.

- Phối hợp với các ngành đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, HTX/THT, hộ sản xuất kinh doanh nhằm cơ cấu lại tổ chức, quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp cận thị trường.  Phối hợp đào tạo nghề cho phụ nữ bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đào tạo đón đầu sự chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam sau dịch bệnh.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”  nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam sớm phục hồi sản xuất; đồng thời chú trọng kết nối tiêu thụ sản phẩm của các HTX/THT do Hội hỗ trợ thành lập. Tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ phát triển mô hình du lịch tại cộng đồng.

- Đẩy mạnh hoạt động giáo dục tài chính, trong đó chú trọng giáo dục, vận động hội viên phụ nữ thực hành tiết kiệm tạo nguồn vốn nội lực hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế.

3. Hỗ trợ các nhóm phụ nữ khó khăn, phụ nữ dễ bị tổn thương, đảm bảo không phụ nữ nào bỏ lại phía sau

- Vận động nguồn lực hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh và hạn mặn, hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương, sửa chữa nhà ở; rà soát, giới thiệu các hoàn cảnh khó khăn để kết nối các tổ chức thiện nguyện. Đăng ký với địa phương cho phụ nữ nhận một số hoạt động công ích để tạo việc làm, gây quỹ hỗ trợ người khó khăn.

- Tiếp tục các hoạt động thăm hỏi, trao đổi, hỗ trợ phòng chống COVID-19 đối với phụ nữ vùng biên giới và các đối tác phụ nữ các nước giáp biên.

- Vận động nguồn lực trong và ngoài nước để duy trì và nhân rộng mô hình Siêu thị hạnh phúc 0 đồng”, triển khai nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp, chương trình “Kiên cường Việt Nam”.

- Hỗ trợ phụ nữ khắc phục khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

- Tập trung xây dựng và vận động lồng ghép giới trong khuôn khổ Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

4. Tập trung phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp giám sát và tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ các nhóm phụ nữ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại địa phương

- Các cấp Hội chủ động, thường xuyên nắm bắt tình hình và tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các nhóm phụ nữ khác nhau để kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương có những chính sách hỗ trợ cụ thể.

- Triển khai đợt phối hợp với MTTQ các cấp giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42-NQ/CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo hướng dẫn của TW Hội.        

- TW Hội chủ trì giám sát thực hiện gói chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42-NQ/CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ tại Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh.

5. Tuyên truyền, giáo dục hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hình thành thói quen tốt trong phòng, chống dịch bệnh

- Tiếp tục đẩy mạnh các nội dung tuyên truyền, giáo dục nhằm phát huy tinh thần dân tộc, lòng tự tôn, tự hào dân tộc và lòng yêu nước của các tầng lớp phụ nữ gắn với các sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2020, các hoạt động “Áo dài – di sản văn hoá Việt Nam”; đồng thời, phát huy tinh thần nhân ái, lấy hạnh phúc và sự hài lòng của phụ nữ làm trung tâm trong mọi hoạt động Hội trong bối cảnh thích ứng với đại dịch.

- Tập trung tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19); phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ em (đảm bảo các điều kiện để trẻ em đi học theo chương trình của nhà trường; đảm bảo an toàn và sức khỏe của trẻ trong môi trường gia đình, nhà trường và cộng đồng phù hợp với thời tiết mùa hè); thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các điều kiện phòng ngừa dịch bệnh trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tuyên truyền, phổ biến  về giá trị tốt đẹp của các tôn giáo, kiên quyết đấu tranh việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan để trục lợi; vận động người dân nghiêm túc chấp hành quy định, không di cư bất hợp pháp; các nội dung theo chỉ đạo của địa phương…

- Tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân duy trì thói quen giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ, luyện tập thể dục thể thao; hướng dẫn kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe phòng dịch (thường xuyên rửa tay bằng xà phòng/dung dịch sát khuẩn, đảm bảo dinh dưỡng; tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ em, người già, phụ nữ có thai, không mua bán, sử dụng động vật hoang dã), an toàn phòng dịch trong đi lại, nơi làm việc; giáo dục gia đình, giáo dục làm cha mẹ, trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình của các thành viên, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc.

6. Nâng cao năng lực cán bộ Hội, đặc biệt cán bộ cấp cơ sở

- Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ Hội để đổi mới phương thức tổ chức hoạt động; năng lực/khả năng tiếp cận tới tất cả các nhóm phụ nữ khác nhau, phát hiện được các vấn đề của phụ nữ; vận động, hỗ trợ và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ; kỹ năng tổ chức các hoạt động phù hợp với các nhóm phụ nữ; kỹ năng giám sát chính sách (đặc biệt Nghị quyết 42-NQ/CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ).

- Xây dựng và thực hiện các quy chế về quản lý, sử dụng nền tảng số trong tuyên truyền hoạt động Hội trên cơ sở kinh nghiệm truyền thông trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.

- Tăng cường vai trò và năng lực giám sát và tham mưu đề xuất chính sách hỗ trợ các nhóm phụ nữ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại địa phương; tham gia giám sát gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ đối với hội viên, phụ nữ.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video