Thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong hội nhập quốc tế

12/12/2018
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN tại buổi trả lời phỏng vấn Tạp chí Đối ngoại - Truyền hình Nhân Dân vừa qua.

+ PV: Thưa bà, trong thời gian vừa qua, Việt Nam lần lượt đăng cai tổ chức những hội nghị mà trong đó phụ nữ là chủ thể. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN lần thứ 3, trong đó Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng ASEAN sẽ không thể phát triển bền vững nếu như không có sự tham gia quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái. Xin được hỏi, trong thời gian qua, bà cùng với những đồng nghiệp của mình đã thúc đẩy sự phát triển của những quyền năng đó như thế nào?

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà: Bác Hồ đã nói: Nói đến phụ nữ là nói đến phân nửa xã hội. Theo tinh thần như vậy, trong thời gian qua, Hội LHPNVN đã thực hiện được rất nhiều các hoạt động. Trước hết, chúng tôi tập trung vào tuyên truyền vận động hỗ trợ và chăm lo cho cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ, trong đó có nhiều vấn đề mà ASEAN quan tâm, ví dụ: vấn đề đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức cho phụ nữ, vấn đề việc làm bền vững, vấn đề làm sao để cho phụ nữ ứng phó với các biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, an sinh xã hội cho phụ nữ. Tất cả các hoạt động này, chúng tôi làm rất thường xuyên, bền bỉ trong nhiều thập kỷ vừa qua.

Tuy nhiên, có điểm rất mới, điểm nhấn quan trọng là gần đây, bên cạnh việc động viên khuyến khích phụ nữ để có thể tham gia phát triển xã hội, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc làm sao để phụ nữ phát huy được nội lực của mình, tự giải quyết các vấn đề của mình và của gia đình. Chúng tôi cũng tập trung rất nhiều cho các nhóm phụ nữ yếu thế; đồng thời tập trung để phát huy vai trò của nhóm phụ nữ tiên phong, ở đây là những cán bộ nữ lãnh đạo quản lý, những nữ doanh nhân, những nhà khoa học, nữ trí thức và rất nhiều các nữ phụ nữ ưu tú tiến bộ khác. Chúng tôi coi rằng đây sẽ là yếu tố lan tỏa, dẫn dắt, tiên phong cho phong trào phụ nữ nói chung.

Ở cấp độ thứ 2 là cấp độ mang tính chiến lược hơn thì xác định rằng mỗi một chính sách ra đời sẽ giúp rất nhiều phụ nữ, tầm tác động ảnh hưởng của nó rất lớn, cho nên trong thời gian vừa qua, chúng tôi tập trung rất nhiều vào việc tham mưu đề xuất luật pháp chính sách, tham gia phản biện xã hội, giám sát luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, đến trẻ em và đến bình đẳng giới. Chúng tôi có đủ cơ sở pháp lý để làm việc này.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt 2 đề án dành cho phụ nữ, thứ nhất là đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thứ 2 đề án tuyên truyền vận động hỗ trợ phụ nữ để giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Với đề án khởi nghiệp, chúng tôi góp phần trực tiếp và rất tích cực vào mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, trong đó có 35% là doanh nghiệp nữ. Với đề án thứ hai là hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội, theo đúng như tinh thần tôi trao đổi phía trên là chúng tôi rất muốn nâng cao nội lực, phát huy chính vai trò phụ nữ để giải quyết những vấn đề của chính mình. Thông qua những việc làm như vậy, chúng tôi cũng giúp nâng cao quyền năng của phụ nữ, chăm lo cho cuộc sống của phụ nữ và qua đó giúp nâng cao cái vai trò, vị thế của phụ nữ ở trong nước và trong khu vực.

+ PV: Bên cạnh những yếu tố bà vừa đề cập thì tôi muốn nhắc tới việc chúng ta cũng có nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Kovalevskaia hay Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam. Có lẽ với mỗi hoạt động, với mỗi giải thưởng thì đều nhằm thúc đẩy quyền năng cũng như phát huy tính sáng tạo của mỗi phụ nữ. Vậy bà có cho rằng thông qua những giải thưởng đó, bạn bè quốc tế sẽ có cách nhìn hiện đại hơn về phụ nữ Việt Nam?

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà: Hiện nay có một số Giải thưởng quốc gia có uy tín dành cho phụ nữ như Giải thưởng Kovalevskaia dành cho các nhà nữ khoa học tự nhiên, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam dành cho phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra còn một số giải thưởng khác, ví dụ như cúp Bông hồng vàng dành cho Doanh nhân nữ, giải thưởng L’Oréal, UNESCO dành cho các nhà nghiên cứu khoa học là nữ trẻ. Tất cả các giải thưởng này nhằm tôn vinh, động viên, khích lệ phụ nữ ở trên các lĩnh vực và qua đó, các giải thưởng làm cho bạn bè quốc tế có cái nhìn hiện đại hơn về phụ nữ Việt Nam.

Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ nói là góp phần, bởi lẽ tôi cho rằng giải thưởng không phải con đường duy nhất để cho bạn bè quốc tế có thể nhìn nhận sự hiện đại hay không của phụ nữ Việt Nam. Bởi vì trên thực tế, phụ nữ Việt Nam đang tham gia vào rất nhiều các lĩnh vực. Đơn cử như trong lĩnh vực chính trị chẳng hạn, hiện nay số lượng phụ nữ tham gia làm lãnh đạo quản lý ngày càng nhiều hơn. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội hiện nay là 26,7%, cao hơn so với trung bình của khu vực và trên thế giới. Hiện nay chúng ta đang có Chủ tịch Quốc hội là nữ và 3 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Phó Chủ tịch nước là nữ. Điều đó phần nào khẳng định sự hiện đại của phụ nữ Việt Nam. Trong lĩnh vực ngoại giao, hiện nay chúng ta có 12 nữ đại sứ và trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài là nữ. Rồi chúng ta cũng có rất nhiều nhà ngoại giao nữ xuất sắc. Chúng ta có gần 30% doanh nghiệp nữ, chủ doanh nghiệp là nữ và thậm chí trong một số lĩnh vực mới có thì gần đây nữ đã tham gia rất nhiều. Có những lĩnh vực từ trước đến nay tưởng là lãnh địa của nam giới, thế nhưng nữ cũng tham gia. Chúng ta có 10 nữ phi công và 10 nữ sĩ quan, bác sĩ đang làm các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Liên hợp quốc.

Có thể nói rằng, tất cả các hình ảnh phụ nữ Việt Nam rất hội nhập, rất chủ động, sáng tạo, tự tin, trí tuệ. Tất cả những hình ảnh đó có trong công việc, trong cuộc sống. Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam cũng rất tiếp thu những cái văn minh, tiến bộ của nhân loại để đưa vào trong lối sống, trong tư duy, trong ứng xử gia đình và ứng xử trong xã hội. Tất cả những điều đó cũng góp phần để khẳng định sự hiện đại, sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam ngày nay.

+ PV: Vâng, nhân câu chuyện phụ nữ Việt Nam đang tham gia vào lĩnh vực khó, tôi vẫn còn nhớ là tại Hội nghị mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á -Thái Bình Dương, bà có chuyển tới người nghe một thông điệp của tổ chức UNESCO, đó là thế giới cần đến khoa học, khoa học cần đến phụ nữ. Tôi tò mò lý do tại sao bà lại chuyển tải thông điệp phụ nữ này ở một hội nghị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương? Phải chăng là có 1 lý do đặc biệt khi mà cả thế giới đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà: Đầu tiên, tôi thấy rằng vai trò của phụ nữ trong khoa học không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đang ngày càng được thừa nhận ở diễn đàn các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Chọn thông điệp như vậy để trao đổi ở đó, tôi nghĩ rằng đây là 1 khu vực rất năng động và tôi hy vọng khi những thông điệp như thế được trao đổi ở khu vực năng động thì tính lan tỏa, tính hiệu ứng của nó rất tốt. Ở Việt Nam trong 10 năm gần đây, số giáo sư và phó giáo sư là nữ đã tăng gần gấp đôi và hiện nay đang chiếm 24,6% trong tổng số giáo sư và phó giáo sư. Trên bình diện toàn cầu, nghiên cứu của UNESCO mới công bố thời gian gần đây cho thấy, 30% các nhà khoa học trong lĩnh vực đổi mới, công nghệ và sáng tạo là nữ.

Lý do thứ 2 ở chiều ngược lại, tôi cũng thấy phụ nữ rất cần đến việc làm khoa học và ứng dụng khoa học rõ ràng trong 1 thời kỳ mà khoa học công nghệ đang phát triển như thế này. Việc làm khoa học và ứng dụng khoa học là con đường ngắn nhất, con đường trực tiếp nhất. Để giúp phụ nữ hội nhập và thích ứng với cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, tôi thấy rằng phụ nữ có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng đứng trước không ít nguy cơ, thách thức. Rõ ràng là với đặc điểm như ở Việt Nam thì phụ nữ ở khu vực lao động giản đơn vẫn đang chiếm số đông và khi cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với ứng dụng khoa học công nghệ thì đối tượng chị em phụ nữ này đứng trước các nguy cơ, dễ bị mất việc làm.

Trong nông nghiệp, có khoảng trên dưới 70% là lao động nữ. Ở khu vực này, ứng dụng khoa học công nghệ còn ít và khi đó, tính cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp sẽ rất khó khăn, nếu như phải cạnh phải cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu chẳng hạn. Như vậy, nguy cơ bị bỏ lại phía sau rất là hiện hữu. Tôi thấy thế giới chỉ cần đến khoa học và khoa học chỉ cần đến phụ nữ. Đặc biệt trong bối cảnh 4.0.

+ PV: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPNVN đặt ra là đoàn kết hợp tác với phụ nữ các nước cũng như tổ chức và cá nhân tiến bộ trong khu vực và trên thế giới. Vậy, phải làm sao để chúng ta có thể cân bằng được sự khác biệt về văn hóa khi đối thoại với các nước?

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà: Việc cân bằng sự khác biệt hay việc xích lại gần nhau giữa các nền văn hóa rất là cần thiết. Trên thực tế, tôi nghĩ chúng ta có thể áp dụng một số cách thức để mọi người có thể xích lại gần nhau hơn. Có thể sẽ phải tăng cường các hoạt động đối thoại. Tôi cho rằng chỉ qua đối thoại thì mới có thể hiểu biết được nhau, gần nhau hơn; cũng sẽ phải tổ chức nhiều hoạt động để tạo ra không gian chung. Khi cùng làm, chia sẻ thì các điều kiện, cơ hội để hiểu nhau cũng nhiều hơn.

Đối với phụ nữ, chúng tôi thấy rằng việc làm sao để tập trung các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho phụ nữ, giúp cho phụ nữ cùng tiến bộ cũng là cơ hội để xích lại gần nhau, phụ nữ ở tất cả các nước đều đang có nhiều vấn đề đặt ra tương đối giống nhau. Ví dụ khoảng cách giới vẫn đang tồn tại ở các nước trong khu vực hiện nay. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có đặc điểm chung này và mối lo chung như vậy thì chúng tôi cũng có các cơ hội để thảo luận, để có thể trao đổi và chia sẻ với nhau. Trong thời gian qua, Hội LHPNVN đã tổ chức nhiều hoạt động. Ví dụ, chúng tôi tổ chức thường xuyên các diễn đàn như Diễn đàn phụ nữ Việt-Hàn. Sắp tới sẽ có Diễn đàn Phụ nữ Việt - Nga. Chúng tôi cũng tổ chức thường xuyên các hội nghị, hội thảo khoa học; các chuyến xe hữu nghị. Các diễn đàn có thể tổ chức song phương hoặc đa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức các cầu truyền hình. Trong quá trình tổ chức các hoạt động như vậy, chúng tôi thấy rằng sự chia sẻ, thông cảm, sự tôn trọng, sự khác biệt, phải hướng đến mục tiêu bình đẳng phát triển hòa bình, đó là mấu chốt quan trọng để thu hẹp khoảng cách về văn hóa giữa phụ nữ các nước.

+ PV: Từ kinh nghiệm của bản thân, bà có cho rằng phụ nữ có những lợi thế, xử lý những khác biệt về mặt văn hóa hay không?

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà: Phụ nữ có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp như giàu nghị lực, ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, ham hiểu biết. Phụ nữ cũng là người chu đáo, tỉ mỉ và rất tế nhị, nhạy cảm. Phẩm chất đó là tiền đề rất quan trọng để giúp người phụ nữ có được một lợi thế mà tôi cho rằng đây là lợi thế quan trọng nhất, đấy là tính kết nối phụ nữ như là nhân tố hài hòa trong rất nhiều môi trường giao tiếp và từ đó sẽ kết nối các nền văn hóa, làm cân bằng sự khác biệt giữa các nền văn hóa một cách thuận lợi hơn. Thứ hai, người phụ nữ có vai trò tái tạo ra sức lao động, nói cách khác là người mang thai và sinh con - vai trò này giống nhau ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Chính vai trò này tạo nên một sự kết nối về giới rất gần gũi.

Vấn đề thứ 3 là khi sinh con rồi, quá trình nuôi dạy con, người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong gia đình và ở đây có một yếu tố rất đặc biệt: Phụ nữ là người thầy đầu tiên của con người, khi đó người phụ nữ như là những sứ giả để trao truyền các giá trị văn hóa giữa các thế hệ. Như vậy, tính kết nối giữa gia đình, giữa thế hệ và các nền văn hóa - điều kiện này sẽ giúp người phụ nữ thực hiện dễ dàng hơn.

Thứ 4, tôi nghĩ là trong mỗi trái tim của người phụ nữ đều có khát vọng hòa bình mà chính khát vọng này giúp cho người phụ nữ thực hiện vai trò kết nối của mình một cách dễ dàng hơn.

+ PV: Là người đứng đầu Hội LHPNVN đồng nghĩa với việc tiếng nói của bà sẽ là đại diện cho tiếng nói của hàng nghìn, hàng triệu người phụ nữ Việt Nam. Xin được hỏi, phương châm tiếp cận của bà với bất cứ sự việc gì là như thế nào?

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà: Như hàng triệu phụ nữ Việt Nam khác, tôi cũng có mối quan tâm về gia đình, về xã hội, về sự phát triển của đất nước. Tôi cùng với tổ chức Hội LHPNVN luôn lấy lợi ích xứng đáng của người phụ nữ để làm phương châm, để chúng tôi tiếp cận, tổ chức mọi hoạt động, cũng như giải quyết mọi vấn đề của mình.

PV: Theo quan sát cá nhân của tôi, một trang phục mà bà thường xuyên lựa chọn, từ việc dự họp, hội nghị đến sự kiện quan trọng, đó là áo dài. Tôi cho rằng ở vị trí của bà, dường như việc lựa chọn trang phục sẽ mang nhiều hàm ý hơn là sở thích cá nhân. Vậy, xin được hỏi là ngoài tà áo dài, định hướng việc quảng bá hình ảnh phụ nữ Việt Nam như thế nào khi bà tham dự các sự kiện quốc tế?

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà: Với tà áo dài thì thật sự tôi rất tự hào mình là người phụ nữ Việt Nam. Trong tà áo dài, mọi người phụ nữ Việt Nam đều trở lên rất duyên dáng, mềm mại. Bên cạnh hình ảnh truyền thống đó, tôi nghĩ rằng trong xã hội hiện đại, người phụ nữ trên hết phải là vẻ đẹp về tâm hồn, vẻ đẹp về trí tuệ, vẻ đẹp về năng lực, thực chất của mình, nội lực ở bên trong và năng lượng sống, cống hiến, sự cố gắng nỗ lực vươn lên của người phụ nữ.

+ PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Truyền hình Nhân Dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video