Trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2014 cho tập thể nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ tế bào điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu

03/03/2015
Giải thưởng Kovalevskaia năm 2014 được trao cho tập thể nhóm nghiên cứu gồm các phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ thuật viên của Bộ môn Mô- Phôi thuộc Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương với thành quả nghiên cứu sử dụng công nghệ tế bào để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu.

Điều trị tổn thương giác mạc bằng tế bào gốc là một phương pháp y học mới, đã được một số nước trên thế giới áp dụng nhưng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu. Ở Việt Nam, phương pháp này hoàn toàn mới, chưa được nghiên cứu và áp dụng. Các phương pháp đang được sử dụng tại Việt Nam để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu là: ghép màng ối (chỉ mang tính tạm thời), ghép củng giác mạc tự thân (chỉ áp dụng cho bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt và mảnh mô lấy để ghép phải có kích thước lớn nên sẽ ảnh hưởng tới mắt lành), ghép củng giác mạc dị thân (bệnh nhân phải uống thuốc chống loại thải mảnh ghép suốt đời và mảnh ghép hay bị loại thải).

Với mong muốn đưa phương pháp điều trị tổn thương giác mạc bằng tế bào gốc vào Việt Nam, từ năm 2004, nhóm nghiên cứu gồm các phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ thuật viên của Bộ môn Mô- Phôi thuộc Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp đã đặt ra mục tiêu tìm phương pháp điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu bằng cách nuôi tạo các tấm biểu mô từ các nguồn tế bào gốc khác nhau.

Với nghiên cứu của nhóm, bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt sẽ lấy tế bào gốc từ vùng rìa giác mạc bên mắt lành, nếu bệnh nhân bị tổn thương cả hai mắt sẽ lấy tế bào gốc từ biểu mô niêm mạc miệng. Sau khi nuôi tạo thành công tấm biểu mô sẽ ghép tự thân vào giác mạc cho bệnh nhân.

Say mê nghiên cứu khoa học và hiểu được giá trị ứng dụng to lớn của phương pháp này nên mặc dù việc nghiên cứu ban đầu gặp rất nhiều khó khăn cả về kinh nghiệm và kinh phí, các thành viên trong nhóm vẫn rất say mê, quyết tâm vượt khó, mày mò nghiên cứu, thậm chí còn tự đóng góp kinh phí để triển khai công việc.

Đến năm 2006, nhóm nghiên cứu được phân công thực hiện 02 đề tài cấp Bộ về “Nghiên cứu nuôi cấy tế bào rìa giác mạc và ứng dụng trong điều trị một số tổn thương giác mạc”và đề tài cấp Nhà nước về “Nghiên cứu quy trình công nghệ tạo tấm biểu mô giác mạc người để điều trị tổn thương bề mặt giác mạc do bỏng”. Dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Nguyễn Thị Bình, cả nhóm đã say mê nghiên cứu, khắc phục những khó khăn để đến năm 2007, lần đầu tiên nhóm đã nuôi tạo thành công tấm biểu mô từ nguồn tế bào gốc vùng rìa giác mạc của thỏ, sau đó tiếp tục nghiên cứu thành công trên người. Bệnh nhân được điều trị tổn thương giác mạc đầu tiên theo phương pháp này vào đầu năm 2008 và đến nay vẫn làm việc bình thường; 05 bệnh nhân được điều trị thử qua 2 đề tài cho tỉ lệ thành công 80%.

Năm 2010, nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu quy trình sử dụng tế bào gốc để điều trị một số bệnh của bề mặt nhãn cầu” với mục đích tiếp tục hoàn thiện các quy trình nuôi tạo và ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc vùng rìa giác mạc để điều trị cho những bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt với tỉ lệ thành công là 80% và ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc biểu mô niêm mạc miệng để điều trị cho những bệnh nhân bị tổn thương hai mắt với tỉ lệ thành công là 80%.

Thật tự hào khi nhóm đã thành công trong nghiên cứu quy trình nuôi tạo tấm biểu mô hoàn toàn mới so với các phương pháp đang áp dụng trên thế giới với quy trình đơn giản, rẻ tiền và không sử dụng vật liệu có nguồn gốc động vật (nỗi lo của các nhà nghiên cứu trên thế giới). Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bình, thời gian để nuôi cấy một tấm biểu mô mất khoảng trên 20 ngày, với chi phí gốc khoảng trên 10 triệu, rẻ hơn nhiều lần so với một số nước trên thế giới.
Hiện nay, quy trình này đang được đề nghị công nhận quyền sở hữu trí tuệ.

Với những kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu đã đạt 02 giải xuất sắc của Hội nghị Khoa học Công nghệ tuổi trẻ các trường Y - Dược Việt Nam lần thứ XV (năm 2010) và lần thứ XVI (năm 2012); đăng tải được 15 bài báo trên các tạp chí có uy tín, 05 báo cáo ở các hội nghị trong nước chuyên ngành Mắt và hội nghị về tế bào gốc, 01 báo cáo tại hội nghị quốc tế, được lựa chọn tham gia 02 hội nghị Khoa học Công nghệ tuổi trẻ các trường Y - Dược Việt Nam. Cũng thông qua các nghiên cứu đã đào tạo được 2 tiến sĩ chuyên ngành Mắt, 1 thạc sỹ và hai bác sĩ chuyên ngành Mô- Phôi.

Là tập thể được vinh dự nhận Giải thưởng cao quý Kovalevskaia năm 2014, PGS.TS Nguyễn Thị Bình, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, hiện tại, nhóm nghiên cứu đang nghiên cứu quy trình nuôi cấy tế bào gốc để điều trị bệnh Parkinson, bước đầu có kết quả tốt mang lại niềm hy vọng cho các bệnh nhân bị bệnh Parkinson ở Việt Nam. Nhóm sẽ không ngừng tiến hành các công trình nghiên cứu để đưa các phương pháp điều trị bệnh hiện đại vào điều trị cho người bệnh Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời đào tạo đội ngũ các nhà khoa học trẻ để kế cận duy trì lâu dài hướng nghiên cứu của nhóm.

Vũ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video