Trẻ sẽ hạnh phúc khi được lao động

03/10/2016
Cộng đồng mạng dậy sóng vì một phụ huynh học sinh lớp 4 quay clip, phản đối trường (cụ thể là ông hiệu trưởng) bắt học trò khiêng bàn từ cầu thang, gây nguy hiểm cho các cháu.

Theo dõi ý kiến của các bậc cha mẹ đăng tải trên diễn đàn “Đừng sợ con làm hỏng!”, là người từng làm báo, cũng từng đi dạy, đang có con và tiếp tục dạy kỹ năng sống cho trẻ em qua các nhóm học nấu ăn, làm thủ công, tôi cố gắng nhìn nhận sự việc một cách khách quan nhất, đồng thời cũng chia sẻ góc nhìn và quan điểm của những phụ nữ - phụ huynh khác về việc làm thế nào để cho con được lao động chứ không bị bóc lột.

Thích lao động, không ngại làm - ý thức cần được rèn từ nhỏ

Con gì cũng cần lao động để tiến hóa, chứ không chỉ con người. Điều này khoa học đã chứng minh. Tôi chỉ thêm cho các mẹ một vài câu chuyện thật. Trong các hồ sơ xin du học được chấp nhận, 100% học sinh đều phải chứng minh khả năng tham gia hoạt động của mình ngoài trường. Các hồ sơ học sinh đã tham gia các hoạt động thiện nguyện, làm thêm, nghỉ học một năm (gap year) đều được đánh giá rất cao. Không nói chuyện học bổng 100% hay 30%, chỉ nói đến chuyện có được trường tốt chấp nhận hay không, đã thấy tầm quan trọng của việc tham gia các hoạt động ngoài giờ học.

Chính vì thế, nhiều phụ huynh “có tầm” đã cho con tham gia làm thêm, thực tập… trong các mùa hè, ngày nghỉ, như một cách gia tăng giá trị cụ thể cho hồ sơ của con. Đến cửa hàng thức ăn nhanh vào giờ hết ca, bạn có thể gặp một vài chiếc xe hơi xịn đang chờ đón các cậu ấm, cô chiêu. Các bạn ấy đi làm thêm để lấy trải nghiệm đấy, chứ nhà giàu chẳng lẽ bắt con đi làm để tăng thu nhập, giảm gánh nặng cho bố mẹ? Các mẹ muốn chăm sóc con bằng cách ủ ấp và bảo bọc, nhưng lớp 10, 11, 12 hãy cho chúng nó hoạt động, lao động, làm việc… còn bé thế, mới tiểu học sao làm được gì! Các mẹ quên, rằng nếu không tạo cho con ý thức, thói quen lao động, hoạt động từ mầm non, thì đến khi lớn, như một cây đã cứng cáp, các mẹ khó uốn chúng lắm.

Tạo cho trẻ ý thức sẵn sàng lao động, sẵn sàng giúp đỡ hay chia sẻ với người khác là chuyện quan trọng hơn nhiều so với việc xem trẻ làm được gì, làm ra sao. Quá trình lao động, ý thức không ngại lao động giúp trẻ nhanh nhẹn, phản ứng tốt hơn với sự việc, môi trường, xã hội. Mà ý thức ấy, phải được giáo dục từ khi rất bé. Bé hơn cả tuổi tiểu học. Ngay từ khi trẻ đi vững, nhận biết được đồ vật, nói sõi… là có thể nhờ: con lấy cho mẹ cái khăn, con để giúp mẹ đặt cuốn sách lên giá, con cất hộp tăm cho bà đi. Không cho con đụng tay chân vào việc gì, khi lớn, ra ngoài đường, cái gì cũng lóng ngóng. Con khổ trước mẹ khổ sau.

Quay lại chuyện khiêng bàn từ cầu thang xuống của học sinh lớp 4, đúng là có nguy hiểm, đúng là khó coi lắm nếu thầy hiệu trưởng và các thầy cô không ai quan sát và kiểm soát hoạt động này. Lỡ mà chúng vấp chân, va đầu…thì con nào chẳng đau, cha mẹ nào chẳng xót. Nhưng nếu có người lớn kèm thêm, khiêng trên mặt phẳng, thì khiêng bàn là chuyện chẳng có gì phải quay clip để cuối cùng phải mời công an! Tôi hỏi mẹ tôi, một hiệu trưởng trường cấp II đã về hưu, một bà ngoại luôn bảo bọc và bênh vực các cháu, bà bảo: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Khiêng bàn từ cầu thang xuống như thế là quá sức học sinh, thiếu gì việc để tập cho học sinh thói quen thích lao động, không lười lao động mà ít nguy hiểm. Cho chúng cùng người lớn khiêng bàn thì được.

Tập cho con lao động ở đâu?

Ngay trong nhà mình, nơi đầu tiên cho con lao động, là cái bếp. Bếp là trái tim của ngôi nhà. Là nơi mẹ nấu những bữa ăn vội vã hay nhẩn nha thì cũng rất ấm cúng. Từ khi con biết ăn dặm, con đã có thể được ngồi ăn cùng gia đình, đã quen thuộc với không gian của bếp. Nhưng bếp cũng là không gian ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Từ bếp có thể phát cháy nổ, nồi xoong chứa đựng thức ăn nóng, đến dao thớt, ly tách bát đĩa, người lớn lóng ngóng còn làm vỡ, bị bỏng, đứt tay, sợ con làm vỡ làm đổ hay làm hỏng mà không cho con vào bếp thì con cũng sẽ thành người lớn lóng ngóng, vô tâm, không tự chăm sóc nổi mình chứ đừng nói đến chia sẻ và chăm sóc người khác.

Tôi tổ chức các lớp học kỹ năng, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm đồ thủ công cho trẻ em, bắt đầu từ cái bếp. Việc nhỏ, trong bếp làm thuần thục, khéo léo thì các con có thể tự tin bước ra ngoài, hòa nhập với cuộc sống hàng ngày. Nếu có đi du học, con sẽ có tác phong đĩnh đạc trong các cộng đồng người Việt và người nước ngoài, trong môi trường sống thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ, của bà, của dì, của người giúp việc. Từ bếp, ra phòng khách, phòng chính, ra vườn, ra phố… mọi việc sẽ càng dễ hơn, mở rộng không gian hơn nếu như con quen lao động.

Nhưng từ việc tổ chức các lớp học, tôi nhận ra một điều: bản thân trẻ không ngại làm, không ngại thử, không ngại khó, nhưng do các mẹ lo lắng, quản ngại mà không tạo điều kiện cho con lao động, biến con trở thành thụ động hay vụng về. Những cô bé cậu bé được bố mẹ cho đến làm bếp với tôi đều vui vẻ, háo hức khi khoác chiếc tạp dề hay rửa tay chuẩn bị, để tập nấu những món ăn ngon ngon, xinh xinh. Chúng vui sướng ăn cơm nắm muối vừng tự làm, trong khi ở nhà mẹ còn năn nỉ ăn đi con mà vẫn không muốn đụng đũa. Chúng hoan hỉ gói xôi, gói bánh đem về cho bố mẹ, những chiếc bánh không đẹp nhưng tự tay nhào bột, hấp, gói…

Có những phụ huynh khi cho con tham gia lớp này có thể xuất phát điểm chỉ là mong con nấu được vài món ăn khi mẹ vắng nhà hay bận rộn, vì chúng đã lớn mà vẫn nhịn đói chờ bố mẹ đi làm về nấu thì quả thật đáng lo. Nhưng sau đó, phụ huynh nhận ra điều tôi cần và hướng đến là thái độ vui vẻ, sẵn lòng tham gia giúp mẹ, giúp bà, chứ không phải những sản phẩm mang về sau giờ học. Bánh trôi có thể méo, rau củ có thể hơi mềm quá, xôi có thể nát, nhưng trẻ được lao động trong sự tự nguyện, thích thú. Ý thức tự giác của chúng gia tăng đáng kể sau quá trình lao động ấy, chính là mục tiêu của chúng tôi và phụ huynh. Sâu hơn, tình cảm của trẻ với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình cũng gia tăng sau quá trình cùng mọi người nấu ăn, làm việc nhà, làm vườn.

Bạn cứ thử cùng con làm việc nhà đi, sẽ thấy thái độ của con là hạnh phúc khi được lao động, chứ không phải cảm thấy mình bị bóc lột đâu.

An toàn cho trẻ khi lao động

Đây là điểm gây lo lắng nhất cho cả phụ huynh lẫn những người hướng dẫn trẻ trong các lớp học kĩ năng, nhất là làm bếp, nấu ăn. Nhưng tôi thống nhất với các phụ huynh, rằng nguy cơ tiềm ẩn khắp nơi nếu bạn cẩu thả, chứ không chỉ ở trong bếp. Kể cả một nơi tưởng chừng an toàn như góc học tập, nếu bất cẩn, một chiếc bút chì nhọn cũng có thể làm trẻ bị thương.

Trẻ được tập kỹ năng đầu tiên: làm bằng hai tay. Đưa và nhận cho người lớn bằng hai tay, là lễ phép, nhưng trong bếp, làm bằng hai tay là để giữ an toàn. Bưng tô canh, lau một cái ly, một cái chén, đều cần hai tay. Cẩu thả là rơi, vỡ, bỏng lập tức. Tay các con nhỏ, yếu, nhưng nếu cầm, nắm, bưng bằng hai tay, sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro đổ vỡ. Dùng dao, trước tiên là cầm dao hai lưỡi cho thành thạo, cắt dao một lưỡi thì cần thớt, cần bàn kê cho chắc. Dao sắc không gọt được chuôi, làm bếp, nắm chắc chuôi dao, điều khiển khéo, kê lên thớt cho chắc thì sẽ không bao giờ cắt vào tay. Lơ là, lại muốn nhanh, là dễ dàng đứt tay lắm.

Không bao giờ để trẻ một mình là nguyên tắc thứ hai của các nhóm học kỹ năng. Luôn để mắt đến trẻ và giữ khoảng cách gần để xử lý tình huống ngay khi cần không chỉ là kỹ năng cho việc nấu bếp mà còn là điều tối quan trọng cho tất cả các công việc khác khi bạn muốn tập cho trẻ em tham gia. Bếp từ nấu không phát lửa, nhưng nước nóng từ nồi canh sôi bùng trào ra có thể khiến trẻ hoảng hốt, mất bình tĩnh, làm đổ vỡ những vật khác xung quanh.

Các học trò bé nhỏ của tôi, từ Tú Chi 7 tuổi, Quế Anh khi 10 tuổi, đến các chị lớn hơn, khi vào bếp đều có thể đứt tay, phỏng nhẹ vài ngón…nhưng tôi tin rằng các cháu đều vui vẻ lướt qua những tai nạn-sự cố nho nhỏ trong bếp ấy, để vững vàng, khéo léo hơn trong cuộc sống. Lao động, luôn là điều kiện cần để người ta lớn lên và trưởng thành.

Theo Lê Lan Anh - Báo phụ nữ HCM (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video