Trên 1,7 triệu cán bộ, hội viên, phụ nữ được nâng cao nhận thức về An toàn thực phẩm

13/12/2019
Đó là con số được báo cáo của Hội LHPN Việt Nam đưa ra tại Hội nghị đánh giá, chia sẻ kết quả thực hiện công tác an toàn thực phẩm năm 2019, thực hiện chương trình phối hợp số 526 giữa Chính phủ với Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào sáng 13/12/2019.

Báo cáo đánh giá tại Hội nghị nêu rõ, trong năm 2019, Hội LHPN Việt Nam đã tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ để triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cấp Hội gắn với thực hiện chủ đề năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Nổi bật, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân nâng cao nhận thức về tác hại của mất an toàn thực phẩm đối với sức khỏe của bản thân mỗi người, gia đình và cộng đồng; từ đó hiểu rõ trách nhiệm và tự giác thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm, xóa bỏ hành vi không an toàn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng thực phẩm được các cấp Hội tiến hành có nhiều sáng tạo về nội dung, hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Qua đó đã có 200 giảng viên nguồn và trên 37.700 cán bộ Hội các cấp được tập huấn nâng cao năng lực; trên 1,7 triệu hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, vận động về An toàn thực phẩm.

Nhiều mô hình hiệu quả về thực hiện an toàn thực phẩm trong các cấp Hội được duy trì và nhân rộng như: Chi hội phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; Chi hội phụ nữ tự quản về an toàn thực phẩm; Tổ phụ nữ cung cấp dịch vụ nấu cỗ an toàn; Mô hình mỗi hộ một vườn rau xanh, trồng cây ăn quả sạch; Mô hình sử dụng hai dao hai thớt trong chế biến thực phẩm; Chuỗi cửa hàng cung ứng thịt lợn hữu cơ...

 Ảnh minh họa

 Các đại biểu tham dự hội nghị

 

Để hỗ trợ phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, Hội thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia hội chợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Trong năm 2019, đã có 12 mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị được thành lập mới tại 11 tỉnh.

Tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, áp dụng sản xuất theo hướng an toàn VietGap, hữu cơ, có giấy chứngnhận kinh doanh VSATTP; Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng, hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến, in nhãn mác, bao bì sản phẩm, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tại một số tỉnh như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bến Tre, Đồng Tháp... Hội đã xây dựng và vận hành các cửa hàng, quầy giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn do phụ nữ sản xuất. Tổ chức được 6 hội nghị truyền thông và phiên chợ giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn với gần 200 quầy hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn trong thực tế triển khai công tác An toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Tiến Vượng, đại diện Hội Nông dân Việt Nam cho biết, an toàn thực phẩm liên quan đến rất nhiều khâu, từ sản xuất, bảo quản, lưu thông đến chế biến... Chỉ cần 1 khâu không đảm bảo có thể ảnh hưởng đến tất cả các khâu còn lại, gây hậu quả sức khỏe cho người tiêu dùng. Do đó cần phải có biện pháp để kiểm soát chặt chẽ, bài bản tất cả các khâu. Hội Phụ nữ rất có ưu thế khi nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm có an toàn hay không đến tận cơ sở; có thể gần gũi, trực tiếp phản ánh, tuyên truyền, vận động tới từng chị em, mỗi gia đình.  

 Ảnh minh họa

 Ông Nguyễn Tiến Vượng, đại diện Hội Nông dân Việt Nam cho biết, an toàn thực phẩm liên quan đến rất nhiều khâu, từ sản xuất, bảo quản, lưu thông đến chế biến...

 

Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp Hội LHPN Việt Nam chia sẻ về mô hình Tổ phụ nữ tham gia giám sát về an toàn thực phẩm, mộtmô hình giám sát tại cộng đồng rất hiệu quả của Hội LHPN Việt Nam tại Hưng Yên. Các thành viên tham gia mô hình đã có những hoạt động thường xuyên, hàng ngày rất thiết thực, cụ thể, linh hoạt, mang tính tuyên truyền vận động là chính, chủ động tiếp cận, chia sẻ với chị em tại địa phương khi có những biểu hiện vi phạm an toàn trong trồng trọt, tăng gia, sản xuất, giúp chị em hiểu biết, nâng cao nhận thức, từ đó cùng nhau cam kết thực hiện an toàn thực phẩm. Sau 1 năm hoạt động, từ hiệu quả mô hình điểm đã nhân rộng ra được 15 tổ, mỗi tổ 15- 20 thành viên.

 Ảnh minh họa

 Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách luật pháp TW Hội LHPN Việt Nam chia sẻ về mô hình Tổ phụ nữ tham gia giám sát về an toàn thực phẩm


Theo bà Lò Thị Thu Thủy, Phó Ban Dân tộc - Tôn giáo Hội LHPN Việt Nam, việc tuyên truyền để hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số hiểu biết, biết cách sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật an toàn rất quan trọng. Trong khi công tác tuyên truyền lại không hề dễ dàng khi phần lớn phụ nữ dân tộc thiểu số không thạo tiếng phổ thông. Thậm chí, cả báo cáo viên địa phương biết tiếng đồng bào dân tộc thiểu số đôi khi cũng không đủ từ vựng chuyên môn kỹ thuật để chuyển tải đầy đủ thông tin tới chị em theo cách tuyên truyền miệng. Để khắc phục điều này, TW Hội LHPN Việt Nam đã chủ động xây dựng các clip truyền thông có lồng tiếng dân tộc về những kiến thức, quy tắc trong sản xuất, tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn; về quy trình xử lý rác thải, bao bì, chai lọ đựng hóa chất, thuốc trừ sâu sau khi sử dụng, tránh gây ô nhiễm môi trường. Qua đó giúp chị em khi xem vừa có hình ảnh, vừa hiểu được tiếng nên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng.

 

Đại diện đến từ Bộ Y tế đánh giá, những báo động về sức khỏe của chính bản thân mỗi người, cộng đồng như tỉ lệ ung thư ngày càng cao, đặc biệt ở vùng nông thôn đã dấy lên những làn sóng lo ngại, tác động ngay tới suy nghĩ, tư tưởng của người dân trong xã hội. Các ban, ngành, đoàn thể cần nắm kịp thời những diễn biến tư tưởng đó để có những ứng xử phù hợp, tận dụng cơ hội ngay trong khó khăn để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, người dân tự giác thực hiện an toàn thực phẩm ngay từ mỗi gia đình.

 Ảnh minh họa

 Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình Xã hội Hội LHPN Việt Nam thông tin về những hoạt động của Hội LHPN Việt Nam trong công tác thực hiện An toàn thực phẩm

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN Việt Nam chia sẻ, mặc dù đã làm được rất nhiều việc, cảm thấy tâm huyết và rất vui khi tận mắt chứng kiến những mô hình sản xuất, cung ứng nông sản an toàn của chị em hội viên, phụ nữ đang ngày một hiện hữu, có sức lan tỏa trong cộng đồng, trong đó có sự nỗ lực không nhỏ của các cấp Hội LPHN đang từng ngày, từng giờ sát cánh cùng chị em trên chặng đường đấu tranh với thực phẩm bẩn.

Tuy nhiên, thực tế cũng còn nhiều trăn trở bởi tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất, kinh doanh nông sản vẫn đang là vấn nạn nhức nhối, thách thức với các nhà quản lý, là nỗi lo không hề nhỏ của người tiêu dùng. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam cũng như các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị sẽ còn rất nhiều việc phải làm để chung tay cùng phấn đấu vì một cộng đồng mạnh khỏe, vì một cuộc sống an toàn với thực phẩm an toàn.

Đến từ xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, một địa phương đang khởi sắc với mô hình trồng cam và vải theo tiêu chuẩn VietGAP, chị Hoàng Thị Biếc, Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Đam đã chia sẻ tại hội nghị về mô hình Chi hội phụ nữ vận động, tuyên truyền sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn:

Ảnh minh họa 

Trước đây, khi mới chuyển đổi từ việc canh tác lúa nước sang trồng cây ăn trái, các hộ gia đình tự trồng nhỏ, lẻ trên nhiều mảnh vườn, quy trình chăm sóc tự phát nên cây cho trái không đều và cũng không thơm ngon được như bây giờ. Từ khi có sự tạo điều kiện của chính quyền, sự vận động, hỗ trợ về kỹ thuật của Hội Phụ nữ, các gia đình đã thực hiện dồn điền thành những mảnh vườn lớn, đồng thời vận động chị em tham gia mô hình Chi hội phụ nữ vận động, tuyên truyền sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn. Hiện tại, cây cam và cây vải của Tam Đa đã được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm được đưa vào tiêu thụ trong các siêu thị lớn trên địa bàn địa phương và các tỉnh.

Chị Biếc phấn khởi thông tin, canh tác sạch theo tiêu chuẩn VietGap không chỉ giúp trái to đều quả, chất lượng trái thơm ngon hơn mà còn làm cho đất sạch, không bị ô nhiễm môi trường khi không sử dụng phân hóa học, phân tươi trong quá trình chăm sóc cây cũng như không sử dụng thuốc bảo quản thực vật khi thu hoạch.

Hiện tại gia đình chị đang có 1 mẫu cam Canh, cam Vinh, cam Bố Hạ, vải lai chín sớm. Thu nhập trước đây chỉ khoảng 45 triệu, nay cũng trên diện tích ấy đã cho gia đình chị thu về 87 triệu. Từ kết quả của mô hình phụ nữ thôn Tam Đa, đã có nhiều thôn, xã ở địa phương học tập, nhân rộng.

 

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video