Trưng bày bản đồ cổ “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”

06/09/2012
Từ ngày 1-8 đến 30-11-2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trưng bày tấm bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" tại phòng trưng bày triển lãm “Di sản văn hóa biển Việt Nam” (25 Tông Đản - Hà Nội) và khu trưng bày hiện vật của bảo tàng tại 216 Trần Quang Khải.

Bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" do nhà Thanh xuất bản năm 1904, thể hiện rõ cực nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

TS. Mai Ngọc Hồng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Phả học Việt Nam, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm đã chia sẻ bằng chứng lịch sử của mình: Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của NXB Thượng Hải in năm 1904 có chất liệu bằng giấy, được in màu, có bìa cứng ở ngoài, gấp gọn lại như một cuốn sách. Bên trong là hơn 35 miếng ghép dán trên nền vải bố, kích cỡ mỗi miếng ghép khoảng 20x30cm. Đây là một công trình tiếp thu phông tư liệu từ đời Tần, đời Hán, rồi được viết liên tục trong gần hai thế kỷ (1708-1904), từ thời vua Khang Hi đến thời vua Quang Tự, là tấm bản đồ được đích thân các hoàng đế nhà Thanh huy động lực lượng giáo sĩ, những người tài giỏi về thiên văn và toán pháp điền dã thực hiện. Năm 1904, NXB Thượng Hải chính thức xuất bản tấm bản đồ Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của triều đình nhà Thanh với lời giới thiệu của Sái Thượng Chất, chủ biện (tương đương với giám đốc bây giờ) đài thiên văn ở Xà Sơn. 

Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm Phạm Hoàng Quân: “Về kỹ thuật trắc địa, “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” ứng dụng kỹ thuật phương Tây với hệ kinh vĩ độ khá chuẩn xác, gần giống như các bản đồ ngày nay. Đây là địa đồ được thực hiện bởi quan chức chuyên môn ở đài thiên văn - một cơ quan nhà nước của triều Thanh. Vì vậy, có thể nói bức địa đồ này mang tính chính thống. Là loại địa đồ hành chính, bức địa đồ này có tầm quan trọng ngang với Đại Thanh đế quốc toàn đồ 1905 và có giá trị cao hơn bức địa đồ chuyên ngành bưu chính có trước đó là Đại Thanh bưu chính công thự bị dụng dư đồ (1903, Trung - Anh văn đối chiếu)”.

Tấm bản đồ có giá trị và ý nghĩa lịch sử rất lớn, góp phần quan trọng để du khách, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, đặc biệt là nhân dân các dân tộc nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa có thêm tư liệu, bằng chứng khách quan, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trong đó bao gồm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cũng qua đợt trưng bày này, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam gửi thông điệp bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc tới mọi công dân Việt Nam.

Cùng thời điểm này, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn tổ chức trưng bày chuyên đề “Cổ vật Việt Nam” (25.7-25/8) và khánh thành phòng trưng bày thường xuyên “Óc Eo – Phù Nam” tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội với hàng trăm cổ vật quý, có giá trị lịch sử.

TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video