Từ tay không khởi nghiệp đến nông dân tiêu biểu nhận giải thưởng Lương Định Của

31/12/2020
Từ tay không khởi nghiệp, với tư tưởng "dám nghĩ dám làm, không ngại khó" nhiều nông dân trẻ đã trở thành những "ông chủ", "bà chủ" cơ sở sản xuất kinh doanh có tiếng ở địa phương.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền vinh dự là 1 trong 10 thanh niên xuất sắc được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Vừa trở về từ cuộc vinh danh cá nhân tiêu biểu được nhận giải thưởng Lương Định Của và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, chị Nguyễn Thị Thu Hiền đã nhanh chóng trở lại công việc hàng ngày tại Trang trại nuôi gà ở huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Cô gái gốc Đầm Hà này vốn là kế toán của 1 doanh nghiệp tại Hà Nội. Năm 2013, chị bắt đầu có ý tưởng mở trang trại nuôi gà. Sau 4 năm, chị cùng chồng thành lập Hợp tác xã Tuyền Hiền. Thời gian đầu khởi nghiệp rất khó khăn, tất cả nguồn vốn đều phải đi vay mượn. Trong khoảng 2 năm, gà xuất bán ra giá không được cao vì chất lượng không có, thậm chí còn không ai mua. Sau đó, 2 vợ chồng đi học nhiều lớp đào tạo, học hỏi nhiều mô hình sản xuất tiên tiến và áp dụng vào trang trại của mình. Việc tìm tòi để bảo tồn giống gà bản Đầm Hà tốn khá nhiều công sức nhưng đã thành công.

"Hiện tại, chúng tôi đã áp dụng thành công công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà sinh sản, một con gà trống dùng để thụ tinh nhân tạo thì sẽ thụ tinh cho từ 60-80 con gà mái. Còn đối với chăn thả tự nhiên thì con gà trống chỉ đảm nhiệm được 8-10 con gà mái, nó sẽ giảm được chi phí nuôi gà trống, giảm chi phí bảo tồn và nâng cao hiệu quả, tỉ lệ của phôi sẽ cao hơn rất nhiều", chị Hiền cho biết.

Hợp tác xã của chị Hiền liên kết với khoảng hơn 100 hộ, trong đó, chị đảm nhận cung cấp con giống, hỗ trợ đầu vào và bao tiêu đầu ra. Đến nay, HTX Tuyền Hiền cung ứng ra thị trường khoảng 80.000 con gà thương phẩm mỗi năm, doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm. Ngoài việc cung cấp giống cho bà con trong vùng, chị Hiền còn đến từng hộ chăn nuôi, hướng dẫn quy trình về chuồng trại cũng như chăm sóc gà cho bà con.

Hiện tại trang trại của chị Hiền là mô hình trang trại chăn nuôi tiên tiến, thông minh

"Chị Hiền là một người trẻ, nhưng rất tài năng và năng động. Lúc đầu chúng tôi mới chăn nuôi nên còn chưa có kĩ thuật, còn nhỏ lẻ. Hàng tuần chị Hiền phải đến để hướng dẫn chúng tôi về chuồng trại, kĩ thuật đổ men, đổ trấu, vệ sinh và kĩ thuật chăn, ăn, phòng bệnh cho gà. Mấy tháng đầu, chị Hiền phải thường xuyên đi sát với chúng tôi, sau khi chúng tôi nắm bắt được kĩ thuật chăn nuôi rồi thì chị mới đỡ vất vả", chị Nguyễn Thị Lương, hộ chăn nuôi liên kết với HTX Tuyền Hiền nói.

Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng chuồng lạnh đang mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cô gái 31 tuổi này mỗi tuần đều dành 1 ngày để hướng dẫn các bạn trẻ tại CLB khởi nghiệp huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Từ những ý tưởng, sẻ chia trong các cuộc diễn thuyết về quá trình "khởi nghiêp" của bản thân, tham quan thực tế mô hình nuôi gà bản của bà chủ trẻ HTX Tuyền Hiền, nhiều bạn trẻ đã được tiếp thêm niềm tin và quyết tâm để trở thành người nông dân thực thụ trong thời kỳ 4.0.

"Nỗ lực của bản thân chị Hiền trong những năm vừa qua đã được ghi nhận. Kết quả này cho chúng tôi thấy được sự cố gắng của gia đình chị, xuất phát từ bàn tay trắng và đến giờ đã có một cơ ngơi kinh tế. Chị là một người dám nghĩ dám làm, là một tấm gương để cho các bạn thanh niên noi theo trong việc lập nghiệp và phát triển kinh tế", anh Nguyễn Quyết Thắng, Phó Bí thư huyện Đoàn Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh nhận xét.

Là một trong những cá nhân tiêu biểu toàn quốc được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2020, anh Nguyễn Đăng Hạnh ở xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh cũng nổi danh không kém nhờ mô hình nuôi gà Tiên Yên cùng với chuỗi cung ứng gà thương phẩm OCOP. Khởi nghiệp, trang trại của anh Hạnh quy mô 4 chuồng nuôi, mỗi chuồng có diện tích 120 m2. Mỗi năm, anh Hạnh xuất bán ra thị trường gần 4.000 con gà thương phẩm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương.

"Chúng tôi phát triển mô hình nuôi gà theo sản phẩm và thương hiệu gà đặc sản Tiên Yên. Gà Tiên Yên rất được nhiều người dân trong tỉnh Quảng Ninh cũng như các tỉnh lân cận khen ngợi và ưa chuộng. Thời gian tới, HTX chăn nuôi gà Tiên Yên sẽ tổ chức mở các lớp tập huấn cho bà con học tập kinh nghiệm để trau dồi kiến thức và phát triển đàn gà theo đúng hướng đặc sản", anh Hạnh chia sẻ.

Anh Nguyễn Đăng Hạnh phát triển đàn gà theo hướng đặc sản, thương hiệu.

Ít ai nghĩ chàng thanh niên 27 tuổi này hiện đảm nhiệm triển khai các dự án chăn nuôi gà Tiên Yên trên địa bàn, quản lý với tổng đàn trên 80.000 con/năm, quản lý sản xuất trên 50 trang trại, gia trại và nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ 200 con/năm. Trong quá trình làm việc, anh Hạnh luôn học hỏi từ những mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, tiên tiến, sau đó về thử nghiệm nếu hiệu quả sẽ chuyển giao và hướng dẫn bà con trong hợp tác xã, tạo ra mô hình sản xuất và chuỗi cung ứng gà thương phẩm chất lượng.

"Lúc đầu làm mô hình chăn nuôi gà cũng có rất nhiều vất vả và khó khăn. Nhưng từ lúc tham gia vào HTX và được anh Hạnh đến từng trang trại để giúp đỡ cho tôi cũng như bà con trong HTX trong việc phát triển mô hình nuôi gà Tiên Yên. Anh Hạnh cũng rất nhiệt tình và luôn tìm những phương án, phương hướng để đưa sản phẩm gà Tiên Yên ra thị trường", anh Phùn Văn Hải, thành viên HTX chăn nuôi gà Tiên Yên cho hay.

Từ tay không khởi nghiệp đến việc trở thành những "ông chủ", "bà chủ" cơ sở sản xuất kinh doanh có tiếng ở địa phương, hành trình của chị Nguyễn Thị Thu Hiền và anh Nguyễn Đăng Hạnh chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về thanh niên nông thôn tự khởi nghiệp. Với tư tưởng "dám nghĩ dám làm, không ngại khó", những nông dân trẻ thời 4.0 này sẽ là động lực để các bạn trẻ noi theo khởi nghiệp, làm giàu trên chính quê hương của mình.

vov

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video