Tư tưởng Hồ Chí Minh về việc sử dụng cán bộ quản lý, lãnh đạo

10/09/2009
Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về người cán bộ với tư cách là chủ thể quản lý, lãnh đạo, chúng ta không thể không nhắc đến một nội dung hết sức quan trọng đó là việc sử dụng cán bộ quản lý, lãnh đạo

Hồ Chí Minh rất coi trọng việc dùng người trong quản lý, Người cho rằng dùng cán bộ không dùng đúng tài năng của họ cũng là một cớ thất bại. Do đó, một trong những yêu cầu quan trọng đối với người quản lý là phải biết dùng người, dùng cán bộ một cách khéo léo. Theo Hồ Chí Minh, sử dụng cán bộ quản lý phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ; tin cán bộ; bố trí, sắp xếp cán bộ một cách hợp lý; kiểm tra và giúp đỡ cán bộ thực hiện tốt công việc được giao.

1. Hiểu và đánh giá đúng cán bộ:

Muốn sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, trước hết, người quản lý phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ. Người quản lý có hiểu và đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của cán bộ thì mới có cơ sở để bố trí, sắp xếp công việc cho họ một cách hợp lý, góp phần động viên họ phát huy năng lực để hoàn thành tốt công việc.

Theo Hồ Chí Minh, hiểu và đánh giá đúng cán bộ nghĩa là phải xem xét, đánh giá cán bộ một cách toàn diện trên tất cả các mặt, trong mọi mối quan hệ và theo thời gian. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chẳng những xem xét cách viết cách nói của họ mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ. Không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc mà phải xem công việc của họ từtrước tới nay "1.

Muốn đánh giá đúng cán bộ thì trước hết phải hiểu cán bộ, phải đánh giá cán bộ trong trạng thái động bởi: “Trong thế giới cái gì cũng biến hoá. Tư tưởng con người cũng biến hoá. Vì vậy, cách xem xét cán bộ quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hoá"2.

Hồ Chí Minh yêu cầu người quản lý, người lãnh đạo thực hiện việc đánh giá cán bộ thì phải là người liêm chính, chí công vô tư, công bằng thẳng thắn nhưng không cứng nhắc, máy móc. Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn với mọi hạng người, trước hết phải sửa chữa khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì xem xét cán bộ càng đúng"3. Người cán bộ quản lý khi đánh giá cán bộ thì không nên “đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau"4 .

         Đánh giá cán bộ là công việc hết sức khó khăn và phức tạp. Người quản lý phải thực sự hiểu cán bộ, tin cán bộ và thực sự chí công vô tư, nhìn nhận khách quan thì mới có thể đánh giá đúng và dùng cán bộ một cách hiệu quả.

2. Tin cán bộ.

Người quản lý hiểu và đánh giá đúng cán bộ thì sẽ biết được ai phù hợp với công việc gì và phải phân công, sắp xếp cán bộ ra sao. Tuy nhiên, người quản lý khéo dùng người không chỉ là người hiểu và đánh giá đúng cán bộ mà còn là người biết tin tưởng vào cán bộ và giao công việc cho họ. Khi đã giao công việc cho cán bộ thì cần phải tin tưởng họ. Thiếu sự tin tưởng vào cán bộ sẽ làm cho họ dễ chán nản và làm việc không có hiệu quả. Hồ Chí Minh nói: “Nếu không tin cán bộ, sợ họ không làm được, rồi việc gì mình cũng nhúng vào, kết quả thành chứng bao biện, công việc vẫn mãi không xong, cán bộ thì vơ vẩn cả ngày, buồn rầu chán nản"5.

Tin cán bộ để giao việc cho họ là tạo điều kiện cho cán bộ phát huy tài năng, nhiệt huyết để làm tốt nhiệm vụ được giao. Người quản lý, cần phải tin tưởng và mạnh dạn giao việc cho cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực và phẩm chất tốt. Hồ Chí Minh khuyên chúng ta: “Khi giao công tác cho cán bộ, cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ, vạch rõ những điểm chính và khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã quyết định rồi, phải thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm” 6.

Tin cán bộ là một điều hết sức cần thiết để người quản lý yên tâm khi giao công việc cho cán bộ, từ đó sắp xếp cán bộ một cách hợp lý.

3. Bố trí, sắp xếp cán bộ một cách hợp lý.

Bố trí, sắp xếp cán bộ một cách hợp lý là khâu chủ yếu của việc sử dụng cán bộ.

Theo Hồ Chí Minh, khi bố trí, sắp xếp, cất nhắc cán bộ, phải căn cứ vào kết quả đánh giá toàn diện, chứ không hẹp hòi dựa vào ý chí chủ quan, địa phương chủ nghĩa, cất nhắc người thân quen, người cùng phe cánh. Hồ Chí Minh phê phán những người có óc bè phái: “ Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không thân mật với mình thì dù họ có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe"7.

Theo Hồ Chí Minh, phải bố trí, sắp xếp cán bộ cho khéo bởi khéo léo sử dụng cán bộ là góp phần phát triển thêm nhiều cán bộ tốt: “ Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều”8.

Một tổ chức bao gồm nhiều người với những điều kiện, hoàn cảnh, năng lực, tính cách khác nhau, ai cũng có chỗ hay, chỗ dở nên Hồ Chí Minh căn dặn: “Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người sửa chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ9. Nếu không biết tuỳ tài mà dùng người thì chẳng khác gì " thợ rèn bảo đi đóng tủ, thợ mộc bảo đi rèn dao. Thành thử cả hai đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người thì hai người đều thành công”10.

Khi dùng cán bộ, người quản lý phải chú ý: “Người nào có năng lực làm việc gì thì đặt vào việc đấy”11. “Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc cho họ, tốt nhất là đổi việc khác cho họ”12.

Như vậy, theo Hồ Chí Minh, người quản lý cần phải xắp xếp, bố trí cán bộ đúng người đúng việc, vì lợi ích của nhân dân, của tổ chức, vì công việc mà chọn người, tuyệt đối tránh tư tưởng vì người mà đặt việc.

4. Kiểm tra và giúp đỡ cán bộ hoàn thành công việc.

Khi dùng cán bộ, người quản lý phải kiểm tra, đánh giá công việc của cán bộ. Kiểm tra ngay trong quá trình thực hiện và kiểm tra sau khi họ hoàn thành công việc để kịp thời phát hiện sai sóttừ đó giúp cán bộ sửa chữa, điều chỉnh cho đúng, giúp họ ngày càng tiến bộ.

Kiểm tra, đánh giá năng lực của cán bộ phải tiến hành thường xuyên và phải gắn liền với chế độ khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh. Hồ Chí Minh dạy: “ Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Có việc to, việc nhỏ, nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt là không được”13.

Kiểm tra, giám sát cán bộ là vì mục đích làm cho cán bộ tiến bộ hơn, tạo điều kiện cho cán bộ sửa chữa, khắc phục sai lầm để nâng cao năng lực và phẩm chất cần có. Khi dùng cán bộ, người quản lý phải độ lượng, đối xử với cán bộ một cách công bằng, thân mật gần gũi cán bộ, chịu khó dạy bảo, nâng đỡ cán bộ. Nghĩa là: “ Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ và làm việc... Tuỳ theo hoàn cảnh mà giúp đỡ họ giải quyết vấn đề của gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần của cán bộ và sự thân ái, đoàn kết trong Đảng"14.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về người sử dụng cán bộ quản lý là hệ thống những quan điểm về việc tin tưởng, đánh giá, sắp xếp sử dụng cán bộ quản lý một cách đúng đắn và khéo léo đảm bảo việc thực hiện hoạt động quản lý có hiệu quả. Những quan điểm đó đã, đang và luôn là những tri thức quý báu trong công tác cán bộ của đất nước ta. Xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng nói chung và đội ngũ cán bộ quản lý nói riêng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước phải quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này.

 

Ghi chú:

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (9), (10), (13), (14),Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 2000 (tr 281, 282, 278, 278, 281, 280, 77, 274, 72, 284, 277)

(8), (11), (12), Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 2000 (tr 99, 633, 280).

Vũ Thu Hằng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video