TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Luật Hành chính công

11/08/2017
Chiều 11/8, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Hành chính công, thông qua đó nhằm giúp Hội có thêm căn cứ đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật này.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe bà Trần Thị Quốc Khánh, UV TT Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công trình bày mục tiêu và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.
Bà Trần Thị Quốc Khánh khẳng định sự cần thiết phải xây dựng Luật Hành chính công. Theo đó, Đại hội Đảng XII đã ra nhiều Nghị quyết tập trung đổi mới mạnh mẽ nhà nước, cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tăng cường kiểm soát quyền lực công, xây dựng chính phủ điện tử, nền hành chính phục vụ... Điều này đòi hỏi hệ thống luật pháp phải đổi mới, nắm bắt kịp thời được sự chỉ đạo của Đảng; đồng thời cụ thể hóa được Hiến pháp 2013. Thực tế cho thấy, pháp luật của chúng ta ban hành nhiều nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, không đi sâu được vào cuộc sống hoặc không đủ sức răn đe. Hiến pháp đưa ra nhiều nguyên tắc hiến định nhưng luật pháp chưa thể chế hóa được.

Luật Hành chính công ra đời sẽ góp phần thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng, cụ thể hóa các nguyên tắc của Hiến pháp 2013 về quản lý hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công; xác định rõ mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hành chính công; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính; xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở để nhân dân kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động hành chính công, góp phần hội nhập quốc tế, phòng chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội bền vững.

Các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, đưa ra nhiều ý kiến xới xáo, đề xuất góp ý vào dự thảo Luật .

Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, nền hành chính quốc gia của Việt Nam hiện nay nhiều bất cập. Trong đó việc tổ chức thực thi luật pháp chưa tốt, thủ tục hành chính rườm rà, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ công chức năng lực, phẩm chất đạo đức công vụ chưa xứng tầm, chất lượng phục vụ người dân thấp, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ... Theo ông Trường, dự thảo Luật hiện nay còn thiếu những quy định mang tính chất đột phá về chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Cần phải có các quy định rất cụ thể trong Luật, đặc biệt là những quy định về trách nhiệm của công chức, chế tài xử phạt khi công chức phạm lỗi. Bên cạnh đó, ban soạn thảo cũng cần cân nhắc việc quy định cứng về chính phủ điện tử, cơ chế 1 cửa... bởi đây là những vấn đề có tính chất phương thức thực hiện, thay đổi nhanh, vì vậy không nên quy định vào Luật mà nên để những văn bản dưới luật. Ông Trường cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi trong các quy định của Dự thảo Luật vì nhiều quy định mang tính định hướng chung chung, khó khăn trong tổ chức thực hiện cũng như trong kiểm tra, giám sát thực thi Luật.

 Ảnh minh họa

 Các đại biểu tham gia hội thảo


Ông Ngô Trung Thành, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm hành chính công, làm rõ nội hàm hành chính công so với hành chính nhà nước , từ đó xác định được phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật. Đây là mấu chốt quan trọng khi xây dựng dự án Luật và là cơ sở để thuyết phục khi trình dự án.

Cùng trao đổi tại hội thảo, nhiều đại biểu đồng tình và bày tỏ sự quan tâm cao về vấn đề tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với xã hội, người dân và các quốc gia, đòi hỏi mỗi quốc gia phải nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng chính phủ điện tử, bảo đảm công khai, minh bạch trong cung cấp dịch vụ công và phòng chống tham nhũng.

Có ý kiến cho rằng, ban soạn thảo cần rà soát, lựa chọn đưa vào dự án Luật các vấn đề liên quan đến hành chính công hiện nay chưa được quy định trong văn bản pháp luật nào để tránh trùng lặp. Ví dụ những quy định về cán bộ công chức viên chức và xử lý kỷ luật cán bộ công chức viên chức, vấn đề phân cấp, phân quyền đã được quy định cụ thể, bài bản ở một số văn bản luật khác rồi nên không cần quy định tại Luật này nữa. Về Chính phủ điện tử cần phải làm rõ khái niệm cũng như tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị định của chính phủ về vấn đề này trong thời gian qua, từ đó có cơ sở xây dựng các quy định chính xác, phù hợp.

Về vấn đề lồng ghép giới, đa số các đại biểu đều thống nhất cho rằng, Ban soạn thảo đã quan tâm, chú ý đến vấn đề lồng ghép giới, đã thể hiện qua báo cáo đánh giá tác động giới cũng như đưa các nội dung lồng ghép giới vào dự án Luật. Có đề xuất các quy định trong Luật cần tính đến công dân, tổ chức nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam...

Kết luận hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trân trọng cảm ơn các đại biểu đã tham gia trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Hội LHPN Việt Nam. Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp thu, nghiên cứu để xây dựng văn bản gửi các cơ quan liên quan và Ban soạn thảo đóng góp những ý kiến trực tiếp đối với dự thảo Luật.

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video