Về quyền lợi của trẻ em

13/02/2006
Hỏi đáp về quyền lợi của trẻ em

Hỏi: Quốc tịch của trẻ em khi có sự thay đổi quốc tịch của cha mẹ được quy định như thế nào?

 

Trả lời: Theo Luật Quốc tịch Việt Nam, quốc tịch của trẻ em khi có sự thay đổi quốc tịch của cha mẹ được quy định như sau:

 

- Khi cha mẹ có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, thôi hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam, thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ được thay đổi theo quốc tịch của họ;

 

- Khi chỉ cha hoặc mẹ có thay đổi quốc tịch do nhập, thôi hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam, thì quốc tịch của con chưa thành niên được xác định theo sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ (điều 28 Luật Quốc tịch Việt Nam);


 - Khi cha mẹ hoặc một trong hai người bị tước quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, thì quốc tịch của con chưa thành niên không thay đổi (điều 29 Luật Quốc tịch Việt Nam).

Thủ tục đăng ký nhận con có yếu tố nước ngoài

 

Hỏi: Tôi là một Việt kiều. Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, tôi có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ và có con. Do tôi và cô ấy không có hôn thú nên khi làm khai sinh con chỉ có khai về mẹ, phần khai về cha bỏ trống. Giờ đây, tôi muốn làm thủ tục xin nhận con ngoài giá thú để làm khai sinh lại có họ tên cha. Vậy tôi phải tiến hành các thủ tục nào và thời gian giải quyết là bao lâu?

 

Trả lời: Thủ tục đăng ký việc cha nhận con có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo Nghị định 68/2002/NĐ-CP của Chính phủ  như sau:

 

+ Về điều kiện: Các bên tự nguyện, không tranh chấp; còn sống vào thời điểm đơn yêu cầu.

 

+ Về thẩm quyền: UBND cấp tỉnh nơi thường trú của người con công nhận và đăng ký việc cha nhận con. Cụ thể, người cha phải liên hệ với Sở Tư pháp để mua hồ sơ, xin hướng dẫn, nộp hồ sơ và đăng ký việc cha nhận con.

 

+ Hồ sơ xin nhận con gồm các giấy tờ: 1/ Đơn xin nhận con theo mẫu quy định, có xác nhận (thị thực) chữ ký của người cha tại đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của nước mà đương sự là công dân tại Việt Nam, việc xác nhận này cũng có thể bằng văn bản riêng, phù hợp với luật pháp nước đó; 2/ Bản sao giấy khai sinh, hộ khẩu, CMND (nếu có) của người con; 3/ Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ khác thay thế của người cha; 4/ Các giấy tờ, tài liệu hoặc chứng cứ (nếu có) để chứng minh có quan hệ cha con.

 

Các giấy tờ trên lập thành một bộ, nộp cho Sở Tư pháp. Thời gian giải quyết việc nhận con là 45 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ.


Quy định về chăm sóc và nuôi dạy trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa

 

Hỏi: Trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc bị bỏ rơi mất nguồn nuôi dưỡng và không còn người thân thích để nương tựa được Nhà nước và tổ chức xã hội chăm sóc và nuôi dạy như thế nào?

 

Trả lời: Theo khoản 4 điều 6 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thì trẻ em không nơi nương tựa được Nhà nước, tổ chức xã hội chăm sóc, nuôi dạy. Việc tổ chức chăm sóc, nuôi dạy đối với đối tượng này hiện nay được tiến hành với nhiều hình thức khác nhau như chăm sóc nuôi dạy tại cộng đồng nơi cư trú; chăm sóc, nuôi dạy tại các cơ sở bảo trợ xã hội do các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật.

Đối với trẻ em bị mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng và không còn người thân thích để nương tựa thì có thể được nhận vào các cơ sở bảo trợ xã hội do các cá nhân, tổ chức thành lập để được chăm sóc, nuôi dạy theo quy định của cơ sở bảo trợ.

 

Đối với đối tượng được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ của Nhà nước được hưởng mức trợ cấp theo quy định, riêng đối với trẻ em dưới 18 tháng tuổi phải ăn thêm sữa, mức trợ cấp được tăng thêm theo quy định, trẻ em đến độ tuổi đi học thì được học văn hóa, trẻ em từ 13 tuổi trở lên không còn học văn hóa thì được giới thiệu đến các trung tâm dạy nghề để học nghề theo quy định, ngoài ra các đối tượng này còn được hưởng thêm các khoản sau: trợ cấp để mua tư trang, vật dụng, trợ cấp mua thuốc chữa bệnh thông thường, mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập đối với trẻ đi học...

 

Đối với trẻ không thuộc đối tượng được đưa vào cơ sở bảo trợ của Nhà nước thì được chăm sóc, nuôi dạy tại gia đình, cộng đồng nơi cư trú với mức trợ cấp thường xuyên do xã, phường quản lý cấp.

(Nhân dân)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video