Viêm bàng quang

20/09/2005
Những biểu hiện đầu tiên của viêm bàng quang là cảm giác nóng bỏng khi đi tiểu, mắc tiểu không dừng được và đau ở bụng dưới.

Viêm bàng quang do vi khuẩn: Khi colibaccille trong ống tiêu hóa xuyên qua màng ruột đi vào trong gian bào đường tiểu sẽ đến bàng quang gây nhiễm độc. Phụ nữ dễ bị viêm bàng quang hơn nam giới vì niệu đạo của phụ nữ (tức ống nối liền giữa bàng quang và lỗ niệu đạo rất ngắn (4 cm so với 20 cm của đàn ông), do đó bàng quang dễ bị nhiễm trùng từ ruột, hậu môn, âm đạo và âm hộ. Bình thường cơ thể phụ nữ kháng ngự được nhưng trong điều kiện có thêm các yếu tố cộng hưởng thì viêm bàng quang dễ xảy ra.

 

Các yếu tố cộng hưởng:

 

Mệt mỏi, mang thai, sinh hoạt tình dục, cấu tạo niệu đạo bất thường, uống nước không đủ nên ít đi tiểu, tình trạng stress, tiểu đường, chế độ dinh dưỡng mất cân đối, giảm khả năng miễn dịch, uống thuốc... đều là những yếu tố tác động dẫn đến viêm bàng quang. Khi phụ nữ phát hiện khí hư bất thường nên đi khám phụ khoa để được chỉ định điều trị đúng mức.

 

Trong khi chờ đi khám, nên tiếp tục uống nước nhiều (2 lít/ngày) để đi tiểu nhiều, thải trừ tối đa mầm bệnh, có thể nằm đặt túi chườm nóng lên bụng và uống thuốc giảm đau.

 

Các thời điểm dễ bị viêm bàng quang

 

Thời kỳ bắt đầu đời sống tình dục: Vết rách ở màng trinh có thể gây viêm bàng quang sau các lần ân ái. Các mảnh rách của màng trinh dính vào vách âm đạo tạo thuận lợi cho mầm bệnh đi lên bàng quang. Đây là chứng viêm bàng quang của tuần trăng mật, có khi kéo dài đến khi có con. Khoảng 20% phụ nữ thường xuyên bị viêm bàng quang.

 

Trong thời gian mang thai: 10% phụ nữ có thể bị nhiễm trùng niệu đạo trong thời gian này. Đó là do sự phát triển của bào thai kéo theo tình trạng ứ đọng nước tiểu.

 

Việc phòng ngừa bao gồm uống nhiều nước để tiểu nhiều, chăm sóc tại chỗ, điều trị táo bón nếu cần thiết. Nếu bị nhiễm trùng cần có các chỉ định điều trị của thầy thuốc vì cần hết sức thận trọng trong việc dùng thuốc khi mang thai.

 

Sau khi sinh: Các vết rách ở bộ phận sinh dục làm giảm bớt khoảng cách giữa hậu môn và cơ quan sinh dục nữ làm cho mầm bệnh dễ xâm nhiễm. Việc khâu lại sẽ giải quyết được vấn đề.

 

Tuổi mãn kinh: Việc hoóc môn sinh dục ngưng tiết ra kéo theo việc hẹp và khô âm đạo làm màng nhầy dễ vỡ, kèm với sức đề kháng kém sẽ dễ dàng cho vi khuẩn tấn công.

 

Khi bị viêm bàng quang tái nhiễm cần:

 

Uống nhiều nước (1,5-2 l/ngày) và không nên nín tiểu; vệ sinh mỗi ngày một lần bằng xà phòng chuyên biệt với nước; đi tiểu và vệ sinh sau mỗi lần giao hợp; không dùng quần quá chật làm mầm bệnh dễ lây lan; ăn nhiều protid như cá, thịt để axit hóa nước tiểu.

 

Các trường hợp tái phát nhiều lần

 

Trong các trường hợp tái phát nhiều lần, việc xét nghiệm vi khuẩn - tế bào học rất cần thiết, tiếp theo là tiến hành làm kháng sinh đồ khi đã xác định được chủng vi khuẩn gây bệnh. Theo kết quả thăm dò, có đến 30% phụ nữ bị viêm bàng quang đã mua thuốc tự điều trị mà không có chỉ định của thầy thuốc.

 

Nếu viêm bàng quang sau sinh hoạt tình dục, niệu đạo sẽ mở rộng, như vậy càng dễ nhiễm trùng từ vùng niệu đạo – âm hộ lên bàng quang. Với phụ nữ đau vì tiêu chảy hay táo bón, có thể nghĩ đến nguyên nhân nhiễm trùng từ ruột do các chủng vi khuẩn đường ruột xâm nhiễm bàng quang. Trong trường hợp này cần quan tâm chăm sóc các rối loạn đường ruột.

 

Trường hợp bệnh đường tiết niệu do nguồn gốc từ viêm bàng quang thì trong 10% trường hợp người ta tìm thấy sỏi túi thừa dưới niệu đạo hoặc đôi khi là do pôlyp của bàng quang.

 

Vì vậy, việc tìm nguyên nhân gây bệnh cần đến các xét nghiệm chuyên biệt và khi cần thiết còn có cả sự can thiệp của phẫu thuật.

Bùi Thị Nga (st)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video