Vượt qua khó khăn do Covid-19: 6 bí kíp cần cho doanh nhân nữ

11/05/2020
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng. Đề cập đến vấn đề doanh nhân nữ cần làm gì để sớm vượt qua khó khăn do dịch Covid, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, cho biết:
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam

Thời gian tới, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước; tăng cường kết nối, phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu; chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý; tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một hoặc một vài thị trường. Tối đa hóa việc áp dụng công nghệ hiện đại và công nghệ số trong các hoạt động quản lý, vận hành của doanh nghiệp kèm theo các biện pháp bảo mật hiệu quả để cắt bỏ bớt các khâu trung gian không cần thiết, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Quan tâm đến công tác xây dựng kế hoạch, trong đó có kế hoạch dự phòng rủi ro.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh

Mặc dù dịch bệnh đã mang đến nhiều khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp trong thời gian qua nhưng chính nó cũng tạo sức ép khiến các doanh nghiệp nhìn lại chính mình, để rà soát lại các khâu, mắt xích trong quy trình hoạt động để tái cấu trúc doanh nghiệp trên cơ sở thích ứng với hoàn cảnh mới. Cụ thể:

- Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp: Xem xét các điều kiện để đổi mới tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, tổ chức lao động để tăng hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh, chuẩn bị bước phát triển mới sau khi đại dịch đi qua.

- Nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp để tối đa hóa những ưu thế của công nghệ vào tất cả các khâu của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí: Đây là biện pháp "cổ điển" nhưng rất hữu ích, bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện khi đối mặt với khó khăn về nguồn cung và thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh.

- Đào tạo và đào tạo lại nhân viên để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai – công việc mà do hạn chế về thời gian doanh nghiệp chưa thực hiện được;

-Sử dụng có hiệu quả các hỗ trợ của Chính phủ để ổn định sản xuất và quan tâm đến người lao động.

- Không ngừng đổi mới sáng tạo để tìm ra các giải pháp, hướng đi phù hợp với điều kiện và thực trạng nguồn lực của doanh nghiệp thời kỳ hậu đại dịch.

Thưa bà, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã và đang có những biện pháp gì để đồng hành cùng các nữ doanh nhân?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam trước hết đã thực hiện các cuộc khảo sát để nắm bắt được thực trạng, khó khăn và kiến nghị từ các hội viên, từ đó đưa ra khuyến nghị để gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ quan liên quan nhằm tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ, các giải pháp tài chính thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn mà các doanh nghiệp do nữ làm chủ đang trải qua.

Bên cạnh đó, Hội đồng Doanh nhân nữ cũng đang rà soát lại kế hoạch hoạt động thời gian tới để có thể mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nhân nữ thời kỳ hậu Covid-19 như: Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đa dạng thị trường, khai thác, tận dụng các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA, CPTPP...; Cung cấp thông tin hữu ích qua các kênh truyền thông của Hội đồng; xây dựng và đổi mới các chương trình đào tạo, hình thức đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh có khả năng kéo dài: Phối hợp với các đối tác đào tạo, tư vấn online về các kỹ năng cần thiết; hỗ trợ các hội viên nâng cao năng lực quản trị và chuyển đổi số; phối hợp với các tổ chức, cơ quan chức năng giới thiệu các gói hỗ trợ của Chính phủ và các dự án hỗ trợ...

- Xin cảm ơn bà!

Khảo sát của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong tháng 3/2020 cho thấy, khoảng 30% doanh nghiệp chỉ duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% chỉ trụ được nửa năm nếu dịch Covid-19 kéo dài. Theo kết quả khảo sát, gần 85% doanh nghiệp cho biết, thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp; 60% thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh. Trong khi đó, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm và 82% cho rằng doanh thu của họ sẽ sụt giảm so với năm 2019.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video