Xâm hại trẻ em: “Cứ phải đợi Phó Thủ tướng lên tiếng mới xử lý"

06/06/2018
Đại biểu quốc hội bức xúc khi nhiều vụ xâm hại trẻ em phải đến khi trẻ tự tử, Phó Thủ tướng, Chủ tịch nước lên tiếng, vụ việc mới được xử lý.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 diễn ra chiều nay (5/6), nhiều ý kiến đại biểu đưa ra xoay quanh vấn đề xâm hại trẻ em gây nhức nhối trong dư luận thời gian gần đây.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tính bình quân trên thế giới, mỗi năm có khoảng 150 triệu trẻ em bị bạo lực, trong đó có khoảng 73 triệu trẻ em trai. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ bạo lực và xâm hại trẻ em cao nhất. Tính riêng nước ta, mỗi năm có trung bình khoảng 2000 trường hợp bạo hành trẻ em. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, đây mới chỉ là con số phản ánh ban đầu, còn thực tế có thể nhiều hơn nữa.

 Ảnh minh họa

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng con số 2000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm mới chỉ là bề nổi. 


Chất vấn đề nội dung này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu ý kiến: “Theo dõi nhiều vụ về xâm hại tình dục ở trẻ em, tôi cho rằng chúng ta không nên để những câu chuyện tương tự tiếp tục xảy ra. Chúng ta có 17 cơ quan phụ trách vấn đề này, nhưng có vụ phải đợi đến khi các cháu tự tử mới vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án. Gia đình các cháu vẫn còn rất đơn độc. Tôi mong rằng các cơ quan Bộ LĐ-TB-XH có thái độ kiên quyết hơn nữa”.

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cũng bức xúc cho rằng: “Nhiều vụ việc phải đợi các lãnh đạo cấp cao như Phó Thủ tướng, Chủ tịch nước lên tiếng mới tiến hành xử lý. Vậy còn những vụ việc dư luận xã hội không lên tiếng thì sao?”.

 Ảnh minh họa

 Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.


Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu tỏ ra lo ngại về con số 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong 5 tháng đầu năm 2018. Trong đó có nhiều vụ việc mà thủ phạm là những người thân, người trực tiếp chăm sóc trẻ.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, tỷ lệ 59,9% số người xâm hại trẻ em là người thân, quen là có thật. Đây là những đối tượng phải quan tâm nhiều hơn để ngăn chặn. “Chúng ta cần tăng cường quản lý Nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của các bộ ngành, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB-XH, UBND các cấp cần cùng nhau tập trung rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em, tăng cường giáo dục trong gia đình, tăng cường trách nhiệm của bố mẹ, nhà trường, phối hợp bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung xử lý nhanh nhất các vụ việc xâm hại trẻ em, tăng cường dịch vụ công bảo vệ trẻ em, đường dây nóng 111, tập trung giáo dục kỹ năng sống, tự bảo vệ cho trẻ em, kiến nghị Chính phủ thực hiện hội nghị trực tuyến bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, hệ thống pháp luật về trẻ em ở Việt Nam hiện nay về cơ bản đã hoàn thiện và thống nhất, quy định rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, ban ngành.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận rằng: “Thời gian qua nhiều vụ còn kéo dài, xử lý chưa nghiêm minh. Khi có ý kiến của lãnh đạo Đảng nhà nước mới tiến hành. Chúng tôi đề nghị các cấp các ngành, đánh giá thực chất hoạt động của việc này như thế nào”.

Vị Bộ trưởng cũng khẳng định, tới đây, Bộ sẽ rà soát lại hệ thống pháp luật một lần nữa, cụ thể hơn trách nhiệm của các ngành, tăng cường sự phối hợp hiệp đồng đề cao giữa gia đình và trường học trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Là các đơn trực tiếp liên quan đến việc xử lý tội phạm xâm hại trẻ em, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: “Trong 5 tháng đầu năm, có 682 vụ xâm hại trẻ em, 735 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 84% là các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Các hình thức xâm hại trẻ em chủ yếu là giết, ngược đãi, xâm hại tình dục. Diễn biến xâm hại tình dục rất phức tạp, không chỉ trẻ em gái, mà nhiều trẻ em trai cũng bị xâm hại. Có nhiều đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam có hành vi lợi dụng quan hệ nuôi dưỡng để thực hiện xâm hại trẻ”.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, số lượng các vụ xâm hại thời gian qua chưa có dấu hiệu suy giảm có nguyên nhân từ việc tố cáo xâm hại còn chậm, dẫn đến việc điều tra, thu thập chứng cứ khó khăn. Nhiều vụ việc đã xảy ra khá lâu, nên cơ quan điều tra không thể thu  thập bằng chứng, ảnh hưởng đến điều tra xử lý. Bên cạnh đó, xâm hại tình dục được cho là vấn đề nhạy cảm, nên nhiều gia đình nạn nhân còn e ngại, không tố giác.

Một khó khăn khác là hầu hết các vụ xâm hại không có nhân chứng trực tiếp. Trẻ em bị xâm hại tuổi còn nhỏ, tâm lý hoảng loạn nên khai báo không chính xác, một số khai báo theo sự hướng dẫn của cha mẹ nên không chính xác dẫn đến kéo dài thời gian điều tra.

Bên cạnh đó, sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng cũng là những hạn chế cần khắc phục.

Cùng giải trình về vấn đề này, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong 5 thángđầu năm 2018, cả nước đã khởi tố 701 vụ, truy tố 753 vụ, tương ứng 805 bị can. Đây là vấn đề bức xúc và các đại biểu quan tâm.

Theo ông Lê Minh Trí, xử lý vấn đề này phải đảm bảo tính đồng bộ. Không chỉ dừng lại ở quyết tâm mà cần sự phối hợp ở các cơ quan có liên quan. Cần giáo dục đồng bộ kỹ năng cho trẻ em, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc và xử lý nghiêm minh, có tính răn đe.

“Để bảo vệ trẻ em hỏi những nguy hiểm, trong đó có hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Luật trẻ em 2016, Luật hình sự 2015 đều có chương quy định quyền bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên đòi hỏi tính thực thi pháp luật, cũng như cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban ngành. Các cơ quan cần cân nhắc và sự phân công trách nhiệm cụ thể”, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Trả lời cuối buổi về những chất vấn của đại biểu quốc hội liên quan tới vấn đề xâm hại trẻ em, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định cần xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không để xảy ra sai sót  và cần đặt quyền lợi trẻ em lên trên hết.

 Ảnh minh họa

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn. 

Phó Thủ tướng cho rằng, trong vấn đề này không chỉ cần quan tâm đến việc xử lý các hành vi xâm phạm, mà còn cần đặc biệt chú ý đến công tác phòng ngừa. “Trên thế giới, mỗi năm có 150 triệu trẻ em gái và 30 triệu trẻ em trai bị xâm hại về tình dục, xâm hại về sức khỏe. Quốc tế thống kê cả việc xâm hại bằng lời nói, điều này chúng ta vẫn chưa quen. Con số 1300-1500 vụ xâm hại là phần rất nhỏ của tảng băng chìm. Con số này không có gì là đáng ngạc nhiên. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, có quy trình điều tra xét xử thân thiện, để các chuyên gia tâm lý tham gia từ đầu ngay khi sự việc xảy ra. Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 ngay khi hoạt động, số lượng cuộc gọi đến hỏi, tư vấn tăng lên rất nhiều. Chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, những trẻ em bị xâm hại cần lên tiếng, cần bảo vệ 1 cách đúng đắn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo: vov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video