Đặc sắc cách làm gốm truyền thống của người M'Nông

30/12/2021
Đồng bào M'Nông, ở buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk vẫn duy trì nghề làm gốm truyền thống. Người M'Nông sử dụng những dụng cụ đơn giản như chày, cối, thanh tre vót mỏng, cọng đót, vòng tre, hòn sỏi bóng, mảnh vải ướt... để chế tác gốm.
Phụ nữ đánh bóng bình gốm bằng viên đá cuội nhỏ

Trong các nhóm người dân tộc M’Nông thì chỉ có nhóm M’Nông Rlăm theo nghề làm gốm. Người M’Nông Rlăm đã một thời dài làm ăn phát đạt nhờ nghề gốm, sản phầm làm ra được ưa dùng trong nhiều tộc người bản địa khắp vùng.

Giã đất sét thành nguyên liệu để làm gốm và cối giã gốm đồng thời được dùng làm bàn chế tác sản phẩm

Đối với đồng bào M’Nông, nghề gốm được truyền từ mẹ sang con, phụ nữ đảm nhận vai trò làm gốm từ lúc lấy đất cho đến lúc nung thành sản phẩm. Vì thế, phụ nữ M’Nông giữ vai trò chính trong việc bảo tồn và phát huy nghề gốm truyền thống của dân tộc mình.

Nguyên liệu làm gốm là đất sét lấy ở ruộng dưới chân núi Chư Yang Sin. Cách chế tác gốm rất thô sơ và thủ công hoàn toàn. Người M’Nông sử dụng những dụng cụ đơn giản như chày, cối, thanh tre vót mỏng, cọng đót, vòng tre, hòn sỏi bóng, mảnh vải ướt... để chế tác gốm. Những dụng cụ này dễ dàng tìm được ở nơi đây. Quy trình chế tác gốm của người M’Nông gần như nguyên thủy, phản ánh đời sống tự cung tự cấp một thời của đồng bào. Người M’Nông không có bàn xoay mà phải đi vòng xung quanh vật để chế tác gốm.

Công cụ để chuốt và đánh bóng đồ gốm

Những dụng cụ để tạo hoa văn trên thân gốm

Sản phẩm làm ra chủ yếu là các loại nồi tròn có miệng nhỏ để nấu cháo, nấu nước, sắc thuốc… hoặc nồi miệng rộng để nấu cơm và nấu thức ăn. Ngoài ra còn có chõ hấp xôi. Sau này khi nhu cầu nhiều hơn, người ta còn làm ra thêm nồi đồng (mô phỏng theo hình dáng nồi đồng của người Việt), chảo rang cà phê, hủ, ché…

Hiện nay, thợ làm gốm còn làm thêm các sản phẩm gốm phục vụ khách du lịch như con trâu, con bò, con voi, hồ lô, lọ hoa… Công đoạn tạo hình cho gốm hoàn toàn bằng tay. Họ sử dụng đôi tay khéo léo, nhuần nhuyễn và các dụng cụ thô sơ như thanh tre vót mỏng, vòng tre, mảnh vải ướt để tạo hình cho sản phẩm. Thợ làm gốm phải mất 3-5 năm mới có thể thực hiện nhuần nhuyễn các động tác và tạo hình cho gốm.

Bình gốm vừa chế tác, trang trí hoa văn và tạo hình chưa nung

Sau bước tạo hình, chờ cho sản phẩm ráo bớt nước và khô dần, người thợ bắt đầu vẽ hoa văn bằng những que tre, que củi hoặc lông con nhím. Hoa văn cũng rất đơn giản, có thể là những vòng tròn xung quanh miệng nồi, ché, chõ, có thể là cỏ cây hoa lá cách điệu, cũng có thể là các đường hình học đơn giản…

Chờ cho sản phẩm khô thêm, người thợ chuyển sang bước đánh bóng. Việc đánh bóng mất khá nhiều thời gian và phải tỉ mẩn. Người thợ dùng hòn sỏi thật bóng chà xát liên tục lên bề mặt của sản phẩm để tạo độ bóng và láng. Một sản phẩm có thể chà nhiều lần, thậm chí 5 - 7 lần.

Sau bước này, sản phẩm được phơi khô hoàn toàn trước khi nung. Người M’Nông nung gốm lộ thiên, không có lò. Sản phẩm đặt trên nền đất trống, bên dưới có lót củi khô. Gốm sau khi nung chín rất nóng và được vùi ngay vào vỏ trấu. Vỏ trấu cháy tạo khói, khói này ám vào gốm và làm đen gốm. Những sản phẩm được đánh bóng kỹ lưỡng ở công đoạn trước sẽ cho bề mặt rất đen và bóng, nhìn giống như kim loại. Đây chính là màu đặc trưng của gốm M’Nông và là sự khác biệt so với các dòng gốm khác.

Một số sản phẩm đồ gốm của dân tộc M'Nông

Nghề làm đồ gốm của đồng bào M’Nông Rlăm là một trong những nghề thủ công hiếm hoi ở vùng Tây Nguyên còn được bảo lưu cho đến ngày nay nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Để bào tồn, duy trì các làng nghề gốm của đồng bào, nhà nước, địa phương và ngành chức năng cần quan tâm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân trong các hoạt động lễ hội, festival làng nghề, festival gốm sứ. Làng nghề gốm của đồng bào M’Nông nằm rất gần danh thắng hồ Lắk, hội đua voi tổ chức hàng năm, rất thuận lợi cho việc tham quan, du lịch và giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho du khách.

PNVN

Video