Bắc Kạn: Những người phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ Hợp tác xã

29/09/2021
Trong những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều phụ nữ là người dân tộc thiểu số mạnh dạn đứng ra làm chủ doanh nghiệp. Với sự quyết tâm, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm, các chị đã tỏ rõ bản lĩnh, sự tự tin vươn lên làm giàu chính đáng, khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội.
Sản phẩm gối dược liệu của HTX Thiên An vinh dự là 1 trong 10 sản phẩm khu vực phía Bắc lọt vào vòng Chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020

Phát triển Hợp tác xã với sản vật địa phương, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, gác lại ước mơ làm cô giáo, chị Lý Thị Quyên (thôn Nà Ít, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông) chủ động nghiên cứu, tìm hướng đi mới cho cây chuối để giúp người dân trong vùng thoát nghèo.

Năm 2015, được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, chị Quyên đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) chế biến nông sản Thiên An chuyên sản xuất chuối sấy giòn, với mong muốn giải quyết đầu ra về cây chuối cho bà con. Sau nhiều tháng thử nghiệm, HTX đã cho ra được sản phẩm đầu tiên của mình, với chất lượng 3 không (không chất bảo quản, không đường hóa học, không phụ gia) từng bước tạo được lòng tin của khách hàng và trở thành mặt hàng OCOP của địa phương.

Khi mới đi vào hoạt động HTX Thiên An chỉ là một mô hình nhỏ, cơ sở vật chất thiếu thốn, sản phẩm chưa có gì ngoài chuối sấy khô, măng rừng, mật ong… nhưng với quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, chị Quyên kiên trì nghiên cứu, mày mò để phát triển thêm một số sản phẩm độc đáo hơn là thuốc tắm thảo dược và các loại gối dược liệu thổ cẩm. Đây vốn là những bài thuốc gia truyền của phụ nữ Dao dưới chân dãy núi Phja Boóc. Để phát triển sản phẩm mới, HTX mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư các loại máy cắt, sấy, đóng gói sản phẩm và mở rộng quy mô nhà xưởng.

Đến nay, HTX Thiên An có 3 loại thảo dược được chứng nhận OCOP 3 sao và được người tiêu dùng đón nhận với doanh thu hằng năm hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 15 lao động nữ tại địa phương.

Đưa miến dong Bắc Kạn tới châu Âu

Năm 2020, nhờ chất lượng sản phẩm và uy tín sản xuất, HTX miến dong Tài Hoan tại xã Côn Minh, huyện Na Rì là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn đã làm nên “sự kiện kinh tế” mang tính bước ngoặt cho các HTX nông nghiệp của Việt Nam khi có tới 2 lô hàng xuất khẩu được xuất thành công sang thị trường Châu Âu.

Chị Nguyễn Thị Hoan bên lô hàng miến dong Bắc Kạn xuất khẩu sang Cộng hòa Séc

Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của nữ giám đốc đầy nhiệt huyết người dân tộc Tày - chị Nguyễn Thị Hoan và những thành viên HTX mà quá nửa là phụ nữ.

Từ một cơ sở sản xuất quy mô gia đình, chị Hoan mạnh dạn thành lập HTX với mong muốn đưa cơ sở ngày càng vươn lên chiếm lĩnh thị trường, xây dựng thương hiệu có chất lượng đáp ứng được các thị trường khó tính như Châu Âu.

Để làm được điều này, HTX Tài Hoan thực hiện phương châm chú trọng làm tốt từng khâu, từ chọn củ dong riềng nguyên liệu cho tới khâu chế biến phải có thợ kỹ thuật giỏi, kinh nghiệm lâu năm…

Hiện miến dong Tài Hoan đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và sản phẩm đã có mặt tại nhiều đại lý, cửa hàng, các kênh bán hàng online (trực tuyến); siêu thị Hapro ở Hà Nội; có khoảng hơn 20 điểm giao hàng bán buôn, bán lẻ trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ góp phần tạo nên uy tín cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn, HTX Tài Hoan còn tạo công ăn việc làm ổn định cho từ 15- 20 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Xây dựng thành công 06 sản phẩm đạt OCOP 3 sao

Sinh ra từ làng, hiểu được nỗi vất vả, khó nhọc của người dân miền núi hàng ngày chỉ biết làm bạn với chiếc cày, chiếc cuốc, đeo dao lên rừng mới có cái ăn, cái mặc, chị Nông Thị Biệt, sinh năm 1976, dân tộc Tày đã nỗ lực, tự tìm tòi kiến thức, mạnh dạn thành lập và trở thành giám đốc HTX Minh Anh (phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn) chuyên trồng nấm sạch.

Nguyên liệu trồng nấm của xưởng khá đa dạng, là các phụ phẩm Nông - Lâm nghiệp tự nhiên như mùn cưa và các loại cây thân gỗ… Cùng với các loại nấm truyền thống, HTX phát triển trồng thêm một số loại nấm mới mang thương hiệu HTX như: mộc nhĩ Minh Anh thái chỉ, bonsai linh vhi Minh Anh, trà túi lọc linh chi Minh Anh…

Chị Nông Thị Biệt giới thiệu quy trình trồng nấm sạch

Hiện tại, HTX đã xây dựng thành công 06 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: nấm sò tươi Minh Anh, nấm mộc nhĩ khô, mộc nhĩ Minh Anh thái chỉ, nấm linh chi nguyên tai, bonsai linh chi Minh Anh, trà túi lọc linh chi Minh Anh.

Sản xuất sạch, được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh nên đầu ra cho sản phẩm khá tốt. Ngoài cung cấp cho người dân địa phương, các đại lý tiêu thụ sản phẩm OCOP Bắc Kạn, HTX Minh Anh còn cung cấp cho các đại lý ngoài tỉnh như: Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên… Hiện, HTX có 12 thành viên chính thức và 16 thành viên liên kết.

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng HTX vẫn duy trì doanh thu trồng nấm đạt 1,5 tỷ đồng, thu nhập của mỗi thành viên đạt từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 10 chị là người dân tộc thiểu số đang quản lý các HTX và hơn 20 nữ giám đốc các doanh nghiệp vừa và nhỏ như nhà hàng, khách sạn, công ty kinh doanh vật liệu, vật tư sản xuất… Lĩnh vực chủ yếu được chị em lựa chọn là sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm sản đặc sản địa phương. Đây cũng đang là hướng đi bền vững mà tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng thông qua chương trình mỗi xã phường một sản phẩm.

Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, sự kiên trì và cũng đầy nhạy bén của phụ nữ, các chị đã thành công với nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, mang lại thu nhập khá và tạo việc làm cho người dân địa phương.

 

Ngọc Lan

Video