Bến Tre: Phụ nữ Châu Thành tham gia hoạt động Hội với phong trào khởi nghiệp giúp nhau phát triển kinh tế

16/10/2021
Nhiệm kỳ qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Châu Thành triển khai với nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả, mang lại nhiều cơ hội cho chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn có điều kiện để cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Hoạt động giao lưu giữa CLB nữ khởi nghiệp huyện Châu Thành với CLB nữ doanh nhân quận Bình Tân.

Hỗ trợ khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế được xem là một trong những đòn bẩy thúc đẩy phát triển phong trào Hội bởi không chỉ tạo việc làm giúp chị em nâng cao thu nhập, khẳng định vị trí của phụ nữ trong xã hội ở thời đại mới mà còn đáp ứng được nhu cầu thiết thân của phụ nữ và thu hút tập hợp hội viên phụ nữ đến với tổ chức Hội. Nhiệm kỳ qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Châu Thành triển khai với nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả, mang lại nhiều cơ hội cho chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn có điều kiện để cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

ĐA DẠNG HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ

Từ khi thực hiện Chương trình số 10 về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp do Tỉnh uỷ phát động từ năm 2016, Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” do Chính phủ ban hành, và phong trào thi đua “Phụ nữ Bến Tre tự tin khởi nghiệp, làm giàu thoát nghèo bền vững” do Hội LHPN tỉnh phát động. Hội đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả, ngoài phối hợp khảo sát nắm số hộ phụ nữ nghèo, hộ nghèo, cận nghèo để có kế hoạch giúp đỡ, Hội đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế theo hướng gắn các hoạt động giúp phụ nữ có địa chỉ. Đặc biệt, tuyên truyền vận động chị em nâng cao kiến thức, xác định tự vươn lên bằng chính nghị lực của mình với sự hỗ trợ, giúp đỡ của xã hội, không trông chờ, ỷ lại. Hội đã phối hợp mở 20 lớp nghề với sự tham gia của 2.500 chị; giới thiệu, tư vấn, kết nối giúp hơn 12.000 lao động nữ có việc làm.

Tranh thủ các nguồn vốn của các cấp, Hội đã tạo điều kiện cho 9.361 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo có nhu cầu về vốn được tiếp cận, nhất là nguồn vốn tín chấp qua ngân hàng chính sách xã hội huyện, Quỹ phụ nữ phát triển kinh tế và các dự án của tổ chức phi chính phủ với tổng số vốn trên 198 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội còn vận động chị em chủ động xây dựng nguồn vốn tại chỗ gồm: tổ góp vốn quay vòng, tín dụng tiết kiệm, tiết kiệm tín dụng để hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế. Qua đó đã giúp cho hơn 5.000 lượt hội viên phụ nữ khó khăn được tiếp cận vốn, hạn chế tình trạng "tín dụng đen", lãi suất cao. Với phong trào phụ nữ khá giúp phụ nữ khó khăn, nhiều hình thức khác như cho mượn không lấy lãi, giúp công, cây, con giống,...cũng đã giúp cho gần 5.000 chị em khó khăn với tổng quy thành tiền gần 5 tỷ đồng. Điển hình như hộ chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, ấp Phú Thạnh,  xã Phú Túc nhờ vào nguồn vay 48 triệu đồng của ngân hàng CSXH, chị đã vươn lên thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi dê và bò. Đến nay chị hiện có 4 con bò và đàn dê 30 con.

Hoạt động kết nối hỗ trợ mô hình dừa nướng Ba Đốt với đoàn khách tham quan Hội LHPN quận Bình Tân.

Bên cạnh đó, Hội đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ quỹ sinh kế đồng thời phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ huyện đến cơ sở và tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ trao phương tiện sinh kế cho 149  phụ nữ nghèo với tổng kinh phí 787 triệu đồng.

Ngoài việc hỗ trợ chị em phụ nữ trồng trọt, chăn nuôi và phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Châu Thành còn tích cực hỗ trợ các chị em hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng cách tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm được quảng bá tại các hội chợ triển lãm lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh hoặc trao đổi thông tin mua bán qua mạng xã hội như: mứt chôm chôm cô Chín; dừa nướng Ba Đốt, các sản phẩm từ vỏ bưởi 6 Thương; Nha đam Ngọc Vinh; các loại mỹ phẩm từ dừa với nhãn hiệu Cobote’... từ những ngày đầu còn lạ lẫm với người tiêu dùng thì đến nay đã trở thành những sản phẩm quen thuộc đặc sản nổi tiếng của địa phương. Các cấp Hội phụ nữ đã đồng hành xuyên suốt cùng hội viên, phụ nữ trong việc giới thiệu tham gia các lớp miễn phí về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao năng lực tổ chức quản lý sản xuất - kinh doanh; cung cấp các kiến thức về hội nhập kinh tế, hỗ trợ việc lập đề án, dự án,  hỗ trợ hội viên trong hoạt động đăng ký kinh doanh, đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn mác bao bì cho sản phẩm, hướng dẫn tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do huyện,tỉnh, khu vực và Trung ương tổ chức.

LAN TOẢ NHIỀU MÔ HÌNH

Qua phong trào khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao do chính chị em phụ nữ làm chủ góp phần cải thiện đời sống cho gia đình và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Tính đến nay, các cấp Hội trong toàn huyện đã hỗ trợ xây dựng được 45 mô hình do phụ nữ quản lý, đặc biệt cũng đã vận động thành lập và đưa vào hoạt động được một Câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp với 19 thành viên tham gia hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, sản xuất mua bán các mặt hàng do phụ nữ làm ra.

Đến làng nem chay (nem làm từ vỏ bưởi) ở ấp Phú Ninh, xã Phú Đức, bắt nguồn từ ý tưởng là món ăn dân dã địa phương xuất hiện trong những mâm cỗ trong những ngày đám giỗ ở miền quê, tận dụng những nguyên liệu từ cây nhà lá vườn, từ khi được Hội phối hợp cùng với các ban ngành hỗ trợ giới thiệu xây dựng nhãn hiệu sản phẩm tập thể “Nem chay Phú Đức”, thiết bị máy móc, những năm qua sản phẩm này đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh dần biết đến và rất ưa chuộng, thậm chí  còn dùng làm quà để biếu họ hàng, bạn bè, người thân. Với mô hình này, đã tạo việc làm tăng thêm thu nhập ổn định cho 14 hộ gia đình sản xuất nem chay và khoảng 50 lao động chủ yếu là chị em phụ nữ hộ nghèo, cận nghèo.

Chị Nguyễn Thị Thinh đang chăm sóc vườn sầu riêng.

Cùng ý tưởng khởi nghiệp với mong muốn tạo đầu ra cho nông sản và tạo ra những sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, cô sinh viên vừa tốt nghiệp dược sỹ trường Đại học Y dược (Tp HCM) Nguyễn Thị Ngọc Ân, xã Tân Phú đã mạnh dạn bước sang ngả rẽ mới, đầu tư nhà kính dùng năng lượng mặt trời để phơi chuối khô. Sau khi tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, năm 2019, gia đình Ân đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, thành lập xưởng sản xuất chuối sấy khô Trường Ân. Sản phẩm chuối sấy khô mang đậm chất quê vừa ngon vừa không có chất bảo quản, tốt cho sức khỏe nên được đông đảo khách hàng ưa chuộng. Ngoài sản xuất chuối sấy, Ân còn sản xuất thêm loại các loại trái cây sấy khác như mít, chôm chôm, kẹo chuối... Trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất khoảng 1 đến 2 tấn chuối sấy khô, cho doanh thu  khoảng 100 đến 120 triệu đồng, tạo việc làm thêm cho từ 5 đến 10 lao động nữ. Mô hình của Ân đã vinh dự đạt giải thưởng Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng biến đổi khí hậu.

Nhắc đến mô hình phụ nữ sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, không thể bỏ quên nhãn hiệu sầu riêng Cô Thinh cùng tổ hợp tác phụ nữ trồng sầu riêng xã Tân Phú với 49 thành viên, trong đó có 9 thành viên là nam cùng tham gia, một trong những điển hình cho phong trào phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế làm giàu. Hiện tại, tổ xây dựng thành công mô hình trồng sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2019 với 4,45ha. Hầu hết các chị xuất thân từ gia đình làm nông nghèo khó, chị nào cũng có thể vừa cầm cần xịt thuốc, vừa rải phân, làm gốc, đậy mủ, làm cỏ…, tổ hiện có 7 nữ tỷ phú thành công từ việc trồng sầu riêng. Riêng chị Nguyễn Thị Thinh - chi hội trưởng phụ nữ ấp Hàm Luông cũng là tổ phó tổ hợp tác sầu riêng ấp Hàm Luông, xã Tân Phú là điển hình đã sáng kiến nhiều ý tưởng, bảo quản trái sầu riêng, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cung cấp sản phẩm sầu riêng sạch ra thị trường và kết hợp tổ chức du lịch trải nghiệm cho khách tham quan du lịch, chế biến nhiều món ăn mới từ sầu riêng như: kẹo sầu riêng, lẩu gà sầu riêng, sầu riêng nướng, sầu riêng chiên bột. Chị Thinh cũng vừa được cổ đông Hợp tác xã bầu làm giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Tân Phú.

Các mô hình, tổ hợp tác phát triển kinh tế Hội LHPN huyện Châu Thành triển khai trong thời gian qua đã giúp công tác tập hợp, thu hút quần chúng vào tổ chức Hội phụ nữ đạt kết quả, hiện tại toàn huyện có 25.747 hội viên đạt tỷ lệ 54,3%, không có cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp dưới 50% theo quy định của Trung ương Hội. Qua đó, thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia lẫn nhau, chị em thêm tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện đã và đang khơi nguồn cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ, đồng thời ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

phunuxudua.bentre.vn

Video