Cà Mau: Những phụ nữ cần mẫn giữ nghề truyền thống

14/06/2020
Ở Hàng Vịnh, mỗi hộ gia đình là một cơ sở sản xuất. Tuy quy mô lớn nhỏ khác nhau, nhưng điểm chung là đều bám nghề, vì một đặc sản mang đậm hương vị đặc trưng của quê hướng xứ biển
HTX Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Năm Căn giúp nhiều phụ nữ nông thôn có được cuộc sống ổn định hơn

Tỉnh Cà Mau đang có nhiều mô hình HTX, Tổ hợp tác với cách làm hiệu quả đã và đang tạo công ăn việc làm ổn định cho phụ nữ và lao động nông thôn. HTX Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Năm Căn ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn (Cà Mau) do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Năm Căn thành lập là điển hình tiên tiến trong phong trào khởi nghiệp ở tỉnh Cà Mau.

Tạo sinh kế cho chị em nhàn rỗi

Ở Hàng Vịnh, mỗi hộ gia đình là một cơ sở sản xuất. Tuy quy mô lớn nhỏ khác nhau, nhưng điểm chung là đều bám nghề, vì một đặc sản mang đậm hương vị đặc trưng của quê hướng xứ biển. Nhờ vậy mà hơn chục năm có mặt trên thị trường, đặc sản bánh phồng tôm Hàng Vịnh được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Thu nhập bình quân của các xã viên HTX Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Năm Căn hiện đạt 7 triệu đồng/người/tháng. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập ổn định.

Bà Huỳnh Thị Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Năm Căn, Phó Giám đốc HTX, cho biết việc thành lập HTX vừa là để quảng bá sản phẩm bánh phồng tôm của địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, đồng thời cũng nhằm tạo sinh kế cho các chị em nhàn rỗi, giúp chị em có được cuộc sống ổn định hơn.

Trong việc tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn ở Cà Mau còn có Tổ hợp tác (THT) Đan mê bồ ấp Lê Giáo ở xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, không chỉ lưu giữ được nét đẹp của nghề đan truyền thống, mà còn tạo việc làm cho phụ nữ nhàn rỗi tại địa phương, góp phần vào thành tích về đích nông thôn mới

THT Đan mê bồ ấp Lê Giáo đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động, mỗi ngày nhân công tạo ra khoảng 400 - 500 sản phẩm. Bình quân mỗi tháng chị Út xuất bán khoảng 5.000 tấm (mê bồ ruột, mê bồ vỏ).

Bình quân, mỗi lao động trong THT có thu nhập từ 70 - 150 ngàn đồng/ngày. Nếu chị em nào đơn chiếc, không đến THT đan được thì nhận về nhà gia công. Cứ thế, THT đã giúp cho nhiều chị có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Như chị Đỗ Bích Trâm, nhân lúc chờ đưa rước con đi học, chị xin tham gia vào tổ gia công sản phẩm, mỗi ngày thu nhập thêm được 100 ngàn đồng.

Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Biển Bạch Đông, chị Võ Thị Trang Nhã cho biết: “Nghề đan mê bồ thu hút được nhiều lao động tại địa phương. THT góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo trên địa bàn”.

Cải thiện kinh tế nhiều gia đình

Trong cách tổ chức làm kinh tế, vươn lên cải thiện cuộc sống của lao động có thể kể thêm Tổ phụ nữ ấp Bàu Sen (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi). Công việc đan sọt nhựa xuất khẩu do chị Nguyễn Hồng Đẹp, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, ký hợp đồng với công ty từ Vĩnh Long đem về, tạo việc làm cho phụ nữ địa phương đã được gần 6 tháng nay.

Cụ thể, chị Đẹp trực tiếp làm việc với phía công ty để nhận mẫu và nguyên vật liệu, sau đó triển khai lại cho chị em tại ấp. Đến nay, đã có 4 tổ nhóm với gần 40 lao động nữ địa phương tham gia vào mô hình đan sọt nhựa. Ngoài công việc nội trợ, các chị em tham gia tổ đều có mức thu nhập khoảng 60 ngàn đồng/ngày.

Hoặc như ở ấp Nhà Vi, xã Trần Thới, huyện Cái Nước có mô hình mới tạo việc làm và tăng thu nhập cho chị em phụ nữ ở nông thôn. Đó là mô hình đan vỉ cua cung cấp cho các cơ sở thu mua cua thương phẩm, dùng để ngăn cách khi cho cua vào thùng xốp vận chuyển đi xa.

Nhiều Tổ hợp tác, HTX ở Cà Mau tạo việc làm cho nhiều lao động nữ

Nghề đan vỉ cua nhẹ nhàng, không phải dãi nắng dầm mưa, rất phù hợp với phụ nữ nông thôn. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, chị Lê Ánh Xuân, ấp Nhà Vi quyết định đầu tư gần 20 triệu đồng mua máy chẻ tre chuyên dụng, công việc chẻ tre không còn vất vả như trước đây, công suất hoạt động của máy tăng gấp 10 lần so với hình thức thủ công, từ đó số lượng vỉ làm ra ngày càng nhiều, giải quyết được hơn 10 lao động nhàn rỗi ở nông thôn và có mức thu nhập khá ổn định.

Bà Huỳnh Ngọc Phuỷ, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trần Thới, cho biết, mô hình đan vỉ lót cua của chị Lê Ánh Xuân khá hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em ở nông thôn, cải thiện kinh tế nhiều gia đình.

Bên cạnh việc góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động nữ ở nông thôn thì nhiều HTX, THT ở Cà Mau mong muốn tỉnh cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để họ có cơ hội được tiếp cận các nguồn vốn ưu đã từ Nhà nước, thu hút nguồn nhân lực, có trình độ chuyên môn về làm việc tại HTX, THT để đầu ra sản phẩm theo hướng bền vững hơn.

thoibaokinhdoanh.vn

Video