Chắp cánh cho áo dài quê hương Kinh Bắc

29/07/2020
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Kinh Bắc trong một gia đình thuần nông, chị Nguyễn Thị Thảnh đã vượt lên trên cảnh nghèo để làm giàu nhờ sự cần cù, chịu khó. Giờ đây, chị đã làm chủ hai cơ sở may mặc lớn ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, mang lại việc làm cho hàng chục người lao động.
Nguyễn Thị Thảnh đi lên vượt khó và thành công với nghề may áo dài tại quê hương Kinh Bắc

Từng mơ ước "có nghề"

Tốt nghiệp trung học phổ thông, chị Thảnh cũng như nhiều đứa con trong các gia đình thuần nông khác của huyện Gia Bình, tiếp nối nghề làm ruộng. 

Cuộc sống bình lặng trôi đi với con trâu, cái cày và những ngày còng lưng cấy lúa. Cho đến một ngày, bố chị nhận ra con gái mình luôn có một khát khao vươn xa hơn, cho nên ông đã nói với chị: "Con ơi! Ruộng đề huề không bằng có nghề trong tay". Chị Thảnh cũng mong muốn được làm gì đó nhiều hơn cho gia đình, liền xin bố mẹ rời ruộng vườn lên huyện học nghề may. 

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, chị Nguyễn Thị Thảnh đã vượt lên trên cảnh nghèo khó để làm giàu nhờ sự cần cù, chịu khó

Đường đi rất xa, lại phải di chuyển bằng xe đạp, nhưng chị Thảnh nhận ra bản thân mình rất yêu công việc thiết kế ra những bộ quần áo, may, và hình thành chúng. Vì thế, chị không quản ngại, miệt mài đạp xe suốt ba tháng để học được những kỹ năng cơ bản nhất của nghề may. Nhưng học xong rồi lại chưa có kinh nghiệm, vốn cũng không có, chị lại quyết định vào tận Sài Gòn để làm thuê cho các cơ sở may mặc tư nhân.

Lại mất thêm 3 năm nữa, chị Thảnh mới tích lũy được một số vốn nhỏ để về quê mở tiệm. Ban đầu, tiệm may rất đông khách, nhưng đến năm 2009, thời trang may mặc bị bão hòa, thay vào đó là thời trang bán sẵn rất rẻ và đẹp, tiệm may của chị không thể tiếp tục với kiểu may mặc truyền thống mà phải chuyển hướng sang may công nghiệp đại trà cho các cơ sở đầu mối ở chợ Ninh Hiệp.

Những sản phẩm của "Áo dài Nguyễn Thảnh" được nhiều người đón nhận, chị liên tục nhận được những đơn đặt hàng lớn

Để may mẫu có sẵn, chị cần thêm nhiều nhân công, mà nhân công biết nghề thì rất hiếm, chị đã quyết định mở lớp đào tạo để có thêm nhân công sản xuất hàng. Dốc lòng với việc đào tạo, chị không chỉ thành công trong kinh doanh mà còn đào tạo được nhiều lứa công nhân thạo nghề.

Ghi nhận những đóng góp tích cực của chị Thảnh, từ năm 2010 đến 2014 chị được tỉnh Bắc Ninh tặng bằng khen về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956 và tiếp tục đào tạo nghề đến năm 2017.

Khao khát được thiết kế, tạo mẫu

Mặc dù có thể tiếp tục với nghề may, nhưng trong lòng chị Thảnh luôn cảm thấy buồn bởi giờ đây, chị không còn được say mê thiết kế cho từng khách hàng đến may đo, mà phải may những mẫu có sẵn.

Sau rất nhiều trăn trở, chị Thảnh quyết định đi học thêm về thiết kế để theo đuổi đam mê của mình. Cơ duyên bất ngờ cho chị gặp được Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Đỗ Trịnh Hoài Nam, chị liền không bỏ lỡ cơ hội để được theo học. Mặc dù không được đào tạo ở các trường đại học chuyên nghiệp về thiết kế, nhưng chị tự hiểu bản thân muốn theo kịp các học viên khác thì phải lấy "cần cù bù thông minh". 

Dù bận rộn nhưng chị vẫn luôn giữ tổ ấm hạnh phúc với ông xã yêu thương và 3 người con ngoan, chăm chỉ

Chị được nhà thiết kế Hoài Nam đào tạo về áo dài truyền thống, tư duy thiết kế, thay đổi cách sáng tạo, học cách xây dựng quan hệ cởi mở với xã hội, học đắc nhân tâm, học về marketing 4.0… Đối với chị, theo học được nhà thiết kế là một việc vô cùng gian nan nhưng chị đã ngày đêm học hỏi, cố gắng để không bỏ phí cơ hội này. 

 "Cuối năm 2017 tôi đã cho ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của mình được rất nhiều bạn bè gia đình yêu thích. Tôi kết thúc việc học và về quê. Lúc này một nửa là niềm vui vì đã hoàn thành việc học thiết kế áo dài chuyên nghiệp, bài bản, nhưng lại buồn vì không có vốn để mở cửa hàng. Một chiếc áo dài cao cấp phải được treo ở cửa hàng sang trọng một chút chứ?", chị Thảnh bồi hồi chia sẻ.

Và may mắn thay, lúc này khi chị trở lại quê nhà, Hội Phụ nữ huyện Gia Bình đang có dự án giúp đỡ phụ nữ khởi nghiệp. Chị đã được các cấp hội giúp đỡ cho vay vốn để khởi nghiệp với 350 triệu đồng. Chị Thảnh đã tính toán rất kỹ để những đồng vốn quý giá này sinh sôi, mang lại lợi nhuận và trở nên có ích.

Với tay nghề vững vàng và kinh nghiệm đúc rút được từ những thất bại, sự học hỏi không ngừng, chị Thảnh đã thành lập thương hiệu Áo dài Nguyễn Thảnh tại xã Đại Lai, huyện Gia Bình. Từ năm 2018 đến năm 2020, chị phát triển thêm cơ sở 2 tại Thị trấn Gia Bình. Trong quá trình này, chị đã tận dụng kinh nghiệm đào tạo nghề để đào tạo một đội ngũ nhân lực làm việc hiệu quả. 

"Tôi tự thiết kế mọi công đoạn rồi chia cho các bộ phận thi công. Thương hiệu Nguyễn Thảnh có nhiều mẫu mã, bắt kịp xu hướng thời trang của xã hội, hướng tới nhiều đối tượng khác nhau, chính vì vậy, Nguyễn Thảnh đã thực sự là một đứa con tinh thần lớn mạnh, giúp tôi thỏa mãn khát khao với nghề", chị Thảnh hạnh phúc chia sẻ.

Không chỉ thành công với thời trang áo dài, chị Thảnh còn là một phụ nữ đảm đang, có gia đình hạnh phúc với những người con thành đạt. Chị cho rằng, phụ nữ thành đạt là phụ nữ có những đứa con thành đạt, bởi thế, những nỗ lực của chị cũng là tấm gương sáng để con cái học hỏi, noi theo. 

PNVN

Video