Giữ hồn nghề hoa khô nghệ thuật

08/05/2020
Qua nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với nghề, nghệ nhân Đặng Thị Đông Hà được địa phương ghi nhận là người có nhiều công lao phát triển làng nghề làm hoa khô nghệ thuật Hưng Thịnh (xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) theo hướng hiện đại, bảo đảm an toàn lao động. Không dừng lại ở đó, bà Hà còn phát triển HTX hoa khô nghệ thuật Hưng Thịnh nhằm mợ rộng đầu ra cho sản phẩm truyền thống.
Hoa khô nghệ thuật của HTX Hưng Thịnh được tạo nên từ những nguyên liệu từ cây cỏ, hoa lá

Là người sinh ra và lớn lên tại làng nghề làm hoa khô nghệ thuật Hưng Thịnh, nghề truyền thống của địa phương dần ngấm vào máu thịt bà Đặng Thị Đông Hà. Với bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo cùng sự nhiệt huyết, bà đã không bỏ lỡ cơ hội phát triển làng nghề thông qua những tác phẩm nghệ thuật để đời.

Nhìn những bông hoa, bức tranh sinh động với đủ màu sắc do nghệ nhân Đặng Thị Đông Hà làm, không ai có thể ngờ rằng tất cả những sản phẩm nghệ thuật đó đều được bà tạo nên từ những nguyên liệu cây cỏ, hoa lá.

Đi lên từ tổ hợp tác

Trước đây, khi còn làm Chi hội trưởng phụ nữ ấp Hưng Thịnh, thông qua một cuộc hội thảo, bà Hà nhận thấy giống cỏ Indo (lúa mạch Indonesia) có chất lượng hạt giống rất tốt, khi tỉa đều nảy mầm phát triển đồng đều và đặc biệt là có chuỗi dài mượt, vàng ánh khi chín và hạt dày dính chặt trên chuỗi nếu kết hoa sẽ rất đẹp.

Chính vì vậy, bà đã nhập giống cỏ này về trồng và thành lập Tổ hợp tác hoa khô nghệ thuật Hưng Thịnh. Sau 3 tháng xuống giống cỏ Indo trên diện tích 5 ha, trừ chi phí tiền thuê đất (5 triệu đồng/ha) và giống, phân bón, Tổ hợp tác có thể bán giống cỏ này để tăng thu nhập, phần còn lại được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hoa khô.

Theo nghệ nhân Đặng Thị Đông Hà, các giống cỏ khác thường phải trồng 3-4 tháng mới cho thu hoạch và sản lượng không cao. Riêng giống cỏ Indo này chỉ sau 1,5-2 tháng xuống giống là có thể thu hoạch.

Nhờ sản xuất được cỏ Indo và một số loại hoa, cây cảnh khác, bà Hà đã cùng các thành viên chủ động được đơn hàng của các doanh nghiệp. Có tay nghề, chú trọng đổi mới mẫu mã, sản phẩm hoa khô nghệ thuật do Tổ hợp tác làm ra đã nhanh chóng chinh phục thị trường. Số lượng doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh tìm đến đặt hàng Tổ hợp tác ngày càng nhiều.

Sau thời gian phát triển, dưới bàn tay dìu dắt của nghệ nhân Đặng Thị Đông Hà, Tổ hợp tác Hưng Thịnh đã phát triển thành HTX, vừa phát triển trồng và thu mua các loại cây nguyên liệu vừa sản xuất hoa khô nghệ thuật cung cấp cho thị trường.

Với tâm huyết phát triển nghề, chinh phục thị trường, bà Hà và các thành viên cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị như: "Hoa hồng vườn Bác", "Thuyền hoa kết trái nhớ Bác năm xưa" và "Quả trứng hoàn hảo". Những sản phẩm này đều đạt giải thưởng sản phẩm tiêu biểu tại hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VII - Cúp Thăng Long 1000 năm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Ngoài ra, còn rất nhiều tác phẩm đạt giải thưởng Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh do bà và các thành viên làm ra…

Khi phát triển lên HTX đồng nghĩa với hoạt động sản xuất lớn hơn. Tuy nhiên, nghệ nhân Đặng Thị Đông Hà với vai trò là Giám đốc vẫn nỗ lực phát triển HTX ngày càng giàu mạnh, thu nhập năm sau cao hơn năm trước.

Gắn bó với nghề

Với thành viên và người lao động chủ yếu là phụ nữ nên HTX luôn đoàn kết cùng nhau phấn đấu để không chỉ hoàn thành mà còn vượt qua những mục tiêu đã đề ra như: Nâng cao chất lượng lao động, tăng nguồn vốn góp cũng như doanh thu, lợi nhuận và thực hiện nộp ngân sách đầy đủ mỗi năm.

Bên cạnh đó, HTX thường xuyên tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động, nâng cao ý thức bảo vệ sức khoẻ, môi trường làm việc cũng như môi trường sống cho người lao động.

Nghệ nhân Đặng Thị Đông Hà góp phần phát triển nghệ hoa khô nghệ thuật tại địa phương

Theo Giám đốc Đặng Thị Đông Hà, trong điều kiện thời tiết cao điểm của mùa khô, nắng nóng kéo dài rất dễ xảy ra cháy nổ tại khu vực sản xuất thì vấn đề an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ đã trở thành hoạt động quan trọng tại HTX.

Đến nay, HTX đã triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ đến từng thành viên, người lao động, trang bị các loại bảo hộ, phương tiện, máy móc, thiết bị chuyên dùng đúng yêu cầu kỹ thuật.

Khu vực sản xuất được sắp xếp, phân lô ngay ngắn, đúng quy định. Các loại phương tiện, dụng cụ phòng chống cháy nổ, hệ thống thu lôi, chống sét và đường điện luôn bảo đảm thông số kỹ thuật an toàn để không xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khoẻ người lao động làm việc với cường độ lớn để đáp ứng những đơn hàng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, HTX cũng bảo đảm trả tiền lương cho người lao động đầy đủ, đúng thời hạn; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ quản lý, thành viên tham gia các lớp đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tham gia các đoàn hội, tổ chức thuộc chính quyền các cấp...

Mong muốn của Giám đốc Đặng Thị Đông Hà là có thêm nhiều bạn trẻ học nghề và gắn bó với nghề làm hoa khô nghệ thuật để nghề truyền thống của địa phương không bị mai một.

Chính vì vậy, ngoài điều hành HTX, bà còn đứng ra tổ chức các lớp đào tạo nghề sản xuất hoa khô nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Cho tới nay, nhiều thế hệ học trò của bà đã thành nghề, trở thành những người có ích cho xã hội. Nhiều người dù đã có cơ sở sản xuất riêng nhưng mỗi khi gặp khó trong nghề lại quay về hỏi bà và ngay lập tức có được lời giải đáp.

Không chỉ dạy nghề, nhiều học trò của bà Hà còn được giới thiệu, tìm việc làm tại nơi khác hay tham gia HTX để không rơi vào cảnh thất nghiệp.

Trải qua bao khó khăn và có được thành công như hôm nay, Giám đốc Đặng Thị Đông Hà luôn cảm thấy tự hào vì đã hỗ trợ người dân làm được ra tác phẩm cho đời. Bà vẫn tiếp tục dạy học với mong muốn cho nhiều người chiếc cần câu cơm và nâng cao thu nhập từ nghề truyền thống.

thoibaokinhdoanh.vn

Video