Hà Tĩnh: Nhút mít Hương Liên và niềm tin thoát nghèo

14/06/2020
Từ những sản phẩm trong vườn nhà, tổ hợp tác phụ nữ ở xã biên giới Hương Liên - Hương Khê (Hà Tĩnh) đang biến “món quà quê” thành sản phẩm hàng hóa với mong muốn tạo việc làm, tăng thu nhập và giúp các thành viên thoát nghèo.
Huyện Hương Khê đã thành lập tổ hợp tác sản xuất nhút mít và phân phối đi khắp các tỉnh thành trong cả nước

Người dân Nghệ An, Hà Tĩnh không còn xa lạ với món nhút mít, đây được xem là món ăn dân giã mà hầu như gia đình nào cũng có. Tuy nhiên, gần đây tại Hương Khê đã thành lập một số tổ hợp tác sản xuất nhút mít và phân phối đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, được người tiêu dùng ưa thích.

Lan toả hương vị quê hương

Những ngày này, hàng chục thành viên tổ hợp tác sản xuất thương hiệu nhút mít Phát Đạt, xã Hương Liên làm việc liên tục để kịp cung cấp đơn hàng ra thị trường.

Những quả mít tươi non, được các thành viên tổ hợp tác trực tiếp hái từ cây trồng trong các vườn hộ gia đình trong xã để làm nguyên liệu chính để chế biến món nhút mít truyền thống.

Chị Hà Thị Hương, thành viên tổ hợp tác chia sẻ: kỹ thuật muối không quá phức tạp. Đầu tiên là chọn qủa mít có tuổi vừa phải, không sâu bệnh, tốt nhất là qủa mít ướt, gọt vỏ, rửa sạch, băm nhỏ đều và ngâm ngay vào nước muối pha loãng, để không bị đóng mủ đồng thời giảm độ chát cuả mít.

Sau 30 phút ngâm trong nước muối, nguồn nguyên liệu này được vớt ra, để ráo sẽ giữ được màu trắng, mềm và dai. Tiếp đó, nguyên liệu được đưa vào vại sành, đằn đá ép kỹ cho ngấm muối rồi mới đưa ra chế biến cùng các nguyên liệu khác như lá đậu, quả ớt, vốn được trồng quanh năm ở các vườn hộ gia  đình, để tạo ra sản phẩm nhút mít truyền thống  nơi đây.

Chị Trần Thị Hoan, tổ hợp tác Phát Đạt chia sẻ: “Trong những năm tháng khó khăn, món ăn dân dã này là một trong những nguồn lương thực nuôi sống biết bao thế hệ người dân ở xã biên giới nghèo khó Hương Liên. Tuy nhiên, hiện nay việc chế biến nhút mít không chỉ giải quyết việc làm giúp xoá đói, giảm nghèo cho chị em trong tổ hợp tác mà còn hướng tới xây dựng sản phẩm hàng hóa, với mục tiêu lan tỏa hương vị quê hương tới mọi vùng miền.

Đưa nhút mít "bay xa"

Tháng 4/2020, Tổ hợp tác Phát Đạt Nhút mít Hương Liên ra đời, đã tập hợp được 8 thành viên tham gia. Các thành viên của THT phần lớn việc làm không ổn định, cuộc sống nhiều khó khăn.

Các thành viên tổ hợp tác Phát Đạt tham gia vào việc sản xuất nhút mít Hương Liên

Chị Nguyễn Thị Sửu, Tổ trưởng tổ hợp tác Phát Đạt, xã Hương Liên cho biết: các thành viên của tổ hợp tác phần lớn có việc làm không ổn định, cuộc sống nhiều khó khăn. Vì vậy, khi tham gia vào tổ hợp tác các chị có công việc ổn định hơn, nhờ đó thu nhập cũng gia tăng.

Chị Hoan chia sẻ: "Gia đình chị thuần nông nhưng thiếu đất trồng lúa, sức khỏe lại yếu nên không đi bóc vỏ keo thuê được, cuộc sống vì vậy còn thiếu thốn. Khi Hội Liên hiệp phụ nữ xã thành lập tổ hợp tác sản xuất nhút mít và thông tin kêu gọi bà con tham gia, tôi mừng lắm, đăng ký tham gia ngay để mong có việc làm và thu nhập ổn định".

Chia sẻ thêm, chị Sửu nói: “Khi Hội LHPN xã thành lập tổ hợp tác, nhiều người đã xung phong tham gia, để mong có việc làm và thu nhập ổn định. Từ món ăn truyền thống để sử dụng trong bữa ăn của gia đình và làm quà biếu cho người thân, nay Nhút mít đang trở thành sản phẩm hàng hóa, thông qua bàn tay chế biến có kinh nghiệm của các thành viên trong tổ hợp tác”.

Đến nay, sau gần 2 tháng sản xuất, thương hiệu nhút mít Hương Liên được khách hàng trong Nam, ngoài Bắc biết đến và đã gọi điện đặt hàng. “Tổ hợp tác ra đời trong thời điểm dịch bệnh nên khó khăn về giao thương, nhưng hiện tại tổ hợp tác đã sản xuất và tiêu thụ được trên 300 hộp sản phẩm, trọng lượng mỗi hộp từ 1-1,5kg, có giá 30.000 – 45.000 đồng, được dán nhãn thương hiệu nhút mít Hương Liên”, chị Sửu cho hay.

Với số lượng mít trồng ở các vườn nhà khá lớn, nguồn nguyên liệu kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5 nên chị em có thể sản xuất nhút mít trong vòng 4 tháng. Dự định sắp tới, tổ hợp tác sẽ tiếp tục sản xuất thêm một số sản phẩm muối từ các nguyên liệu có sẵn như: măng rừng, hoa chuối rừng, rau muống, cây mùng... để chị em có việc làm quanh năm.

Để hỗ trợ thương hiệu nhút mít Hương Liên “bay xa” mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ và cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tập huấn nâng cao kỹ thuật chế biến mới cho chị em và đồng hành hỗ trợ khâu tiêu thụ, quảng bá sản phẩm với mong muốn tạo nghề phụ bền vững, giúp phụ nữ các xã vùng sâu, vùng xa có thêm việc làm, nâng cao thu nhập.

Có thể nói, việc hỗ trợ và  thành lập tổ hợp tác Phát Đạt Nhút mít Hương Liên là một trong những hoạt động thiết thực. Đây không chỉ là cách để giúp chị em sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, mà còn hỗ trợ xã Hương Liên hoàn thành tiêu chí hộ nghèo, tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng Nông thôn mới.

thoibaokinhdoanh.vn

Video