Hợp tác xã Quyết Chiến trồng rau trái vụ trên núi cao

26/02/2020
Thành lập từ năm 2017, HTX Rau an toàn (RAT) Quyết Chiến mở rộng, phát triển rất nhanh nhờ “sếp” nữ năng động, mạnh mẽ cùng sự đồng lòng của các thành viên.
Ruộng củ cải xanh của HTX RAT Quyết Chiến

Chỉ mới được thành lập từ năm 2017, HTX Rau an toàn (RAT) Quyết Chiến, xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đã và đang mở rộng, phát triển rất nhanh. Nhờ những ưu thế về điều kiện tiểu vùng khí hậu lạnh, đất đai tốt, cùng với mô hình HTX kiểu mới, đã đem lại thu nhập ổn định cho 53 hộ thành viên, lợi nhuận trên đất canh tác đạt 400 triệu đồng/ha mỗi năm.

Sự năng động của “sếp” Mường

Ở chị Đinh Thị Quyết, Chủ nhiệm HTX RAT Quyết Chiến luôn toát lên sự mạnh mẽ, năng động của cô gái đất Mường.

Từ khi ở phố rộ lên phong trào sử dụng sản phẩm sạch, qua báo, đài, Quyết đã nhận ra lợi thế của quê hương mình. Năm 2014, Quyết khi đó là Chi hội trưởng phụ nữ xóm Biệng đã tích cực tuyên truyền, vận động chị em phát triển các loại rau phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng xứ lạnh ở địa phương, đảm bảo liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Đặc biệt, Quyết vận động chị em trồng rau su su và các loại rau khác theo quy trình VietGAP, và sau đó thành lập Tổ hợp tác trồng rau.

Rau su su ở vùng cao Quyết Chiến được bà con sản xuất theo phương pháp an toàn. Tuy nhiên, cách đây vài năm, điều này chưa được kiểm chứng và chưa có tổ chức nào đánh giá, xác nhận. Đến tháng 8/2016, sau nhiều nỗ lực, nhãn hiệu tập thể "Su su Tân Lạc” được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ trên toàn lãnh thổ quốc gia với chủ sở hữu là Tổ hợp tác Quyết Chiến.

Không chỉ dừng lại ở cây su su, được sự hỗ trợ của Tổ chức Good Neighbors Hàn Quốc (GNI), nhóm trồng rau của Quyết triển khai trồng củ cải xanh Hàn Quốc và hành Hàn Quốc. Củ cải giống Hàn Quốc được trồng ở Quyết Chiến cho củ rất to, trọng lượng 1,7-2 kg/củ; hành giống của Hàn Quốc trọng lượng khi thu hoạch có thể đạt trên 0,2 kg/cây. Củ cải xanh thu hoạch được Dự án thu mua hết với giá 12.000 đồng/kg rồi phân phối vào các siêu thị ở Hà Nội.

Bước ngoặt quan trọng là sau khi hình thành vùng sản xuất rau được chứng nhận VietGAP với diện tích 17ha, HTX sản xuất RAT Quyết Chiến đã chính thức thành lập vào năm 2017. Xác định không ai có thể làm thay việc tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, Quyết tự thuê xe ô tô, có những khi phải lặn lội từ 2 - 3 giờ sáng để kịp xuống các điểm tiêu thụ chào hàng và tiếp cận các đầu mối. Mặt khác, Quyết đặt vấn đề với các tổ chức Liên minh HTX, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đưa sản phẩm đi chào hàng, tham gia các hội chợ để kết nối thị trường, quảng bá thương hiệu.

Cũng từ đây, với sự quản lý, điều hành của cô gái người dân tộc Mường Đinh Thị Quyết, HTX sản xuất RAT Quyết Chiến đã có những bước đi và hiệu quả đầu tiên. Sản phẩm rau su su của HTX với chất lượng an toàn VietGAP, có đầy đủ tem nhãn, bao bì đã vươn tới thị trường lớn, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Các đơn vị phân phối lớn như Vinmart và một số siêu thị, cửa hàng rau sạch ở Thủ đô Hà Nội ký hợp đồng nhập hàng của HTX Quyết Chiến. Đến nay, HTX sản xuất RAT Quyết Chiến đã tạo được thị trường đầu ra ổn định, đảm bảo cuộc sống cho 53 hộ xã viên sản xuất trồng rau. Năm 2019, bình quân mỗi ha diện tích đất trồng rau của các hộ thành viên HTX đạt lợi nhuận lên tới 400 triệu đồng. 

Màu xanh trên đỉnh núi

Xã vùng cao Quyết Chiến bốn mùa mây mù giăng kín, là khu vực đỉnh núi cao nhất của huyện Tân Lạc, cao hơn 1000m so với mặt nước biển. Nơi đây khí hậu mát mẻ quanh năm chẳng khác gì Tam Đảo. Trước mắt chúng tôi là miên man những vườn rau su su, cải bắp, củ cải Hàn Quốc… thuộc khu vực trồng rau của HTX RAT Quyết Chiến.

Anh Dũng trên vườn vườn trồng củ cải Hàn Quốc ở HTX RAT Quyết Chiến

Anh Dũng, một hộ xã viên, cũng đồng thời là kỹ thuật viên của HTX, dẫn chúng tôi thăm vườn trồng su su, củ cải của gia đình. Anh cho biết, tất cả rau trồng ở đây đều là rau trái vụ. Chẳng hạn, su su ở dưới xuôi thường được trồng để thu hoạch quả, nhưng nông dân ở Quyết Chiến trồng su su chỉ để lấy ngọn. Vườn trồng su su của gia đình anh Dũng rộng 1ha, ngày nào cũng thu hoạch 4 tạ ngọn, xuất bán cho HTX với giá 5.000 đồng/kg, thu về 2 triệu đồng. Mỗi tháng, riêng tiền bán ngọn su su của gia đình đã lên tới 60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí công lao động chăm sóc, hái rau, nước tưới, lợi nhuận còn lại 38 triệu đồng.

Anh Dũng kể, trước kia, bà con người Mường ở đây không biết trồng rau hàng hóa, chỉ biết bới đất, lật cỏ, chịu khó làm lụng, vậy mà cuộc sống vẫn khó. Tình cờ vào năm 2007, đoàn cán bộ của một tổ chức phi chính phủ đến đây, thấy giữa mùa hè có những cây su su leo trên hàng rào của các gia đình rất xanh tốt. Lúc đó, dân ở đây mỗi nhà chỉ trồng một vài cây su su cho leo lên bờ rào, thỉnh thoảng có quả ăn. Cán bộ của tổ chức phi chính phủ đó hỏi dân: Sao ngọn tốt thế này, không hái ăn như rau bí? Rồi từ đó, họ triển khai một dự án phát triển trồng su su lấy ngọn tuân thủ theo quy trình trồng rau hữu cơ tại Quyết Chiến.

Nhờ khí hậu mát lạnh về mùa hè, cùng với đất đai giàu dưỡng chất, những vườn cây su su ở đây mọc nhanh, xanh tốt, mà không cần phải bón bất cứ loại phân gì, càng không không cần phun thuốc trừ sâu.

Hiện, mỗi ngày toàn HTX RAT Quyết Chiến xuất bán 20 tấn ngọn rau su su, với 6 xe ô tô chở đi giao cho một số siêu thị ở Hà Nội và chở ngược lên Tam Đảo.

“Ở Tam Đảo, trước đây người ta trồng rau su su trên đỉnh núi, nhưng nay trên đỉnh núi đầu tư làm du lịch hết, nên cây su su chỉ được trồng ở các xã dưới chân núi. Tuy nhiên, vì Tam Đảo đã có thương hiệu về su su từ lâu, nhiều thương lái khắp nơi đến mua hàng mà họ không có, nên phải đặt hàng từ Quyết Chiến lên để bán lại cho khách. Mỗi ngày bình quân có 8 tấn su su từ Quyết Chiến được chở qua Hà Nội ngược lên Tam Đảo, rồi sau đó lại phân phối về Hà Nội”, anh Long chia sẻ.

Nhiều loại rau quả khác cũng đang là hàng hóa thế mạnh của Quyết Chiến, như cải bắp, bí ngồi, củ cải Hàn Quốc. “Bắp cải dưới xuôi trồng mùa đông, nhưng ở đây trồng và thu hoạch quanh năm. Đất đai rộng, trồng không phải đầu tư mua phân bón, thuốc trừ sâu nên chi phí rất thấp, chúng tôi xuất bán bắp cải với giá 6.500 đồng/kg là lãi to rồi”, anh Long nói.

thoibaokinhdoanh.vn

Video