HTX Tâm An đánh thức tiềm năng vùng đất trũng

04/05/2020
Tận dụng lợi thế của địa phương, HTX Tâm An (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội) lựa chọn cây dược liệu để khai thác, kinh doanh, phát triển kết hợp với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ nên đã gặt hái được nhiều thành công.
Các sản phẩm từ thảo dược của HTX Tâm An được người tiêu dùng công nhận

Thương hiệu “Tâm An” với các sản phẩm trà và mỹ phẩm thảo dược từ lâu đã khá quen thuộc với người tiêu dùng, có mặt tại hầu hết hệ thống siêu thị lớn như: Lotte, Aeon Mall, Vinmart, T-mart… Nhờ có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nên đến nay, các thành viên HTX đã không phải lo lắng tìm kiếm đầu ra cho vùng nguyên liệu.

Những năm gần đây, bên cạnh hướng đi với các loại dược liệu, HTX Tâm An cũng đẩy mạnh phát triển mô hình rau hữu cơ. Dù quy mô và sản lượng còn hạn chế nhưng nông sản hữu cơ của HTX Tâm An đang có nhiều thế mạnh và được ưa chuộng trên thị trường.

Lựa chọn đúng đắn

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thu – Giám đốc HTX, xã Khánh Hà là địa phương rất có tiềm năng về trồng và phát triển cây dược liệu, cộng với nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp trong nước rất lớn.

Do đó, chị đã quyết định thành lập HTX Tâm An vào tháng 7/2017 với mục tiêu ban đầu là tạo vùng nguyên liệu cho một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại trà và mỹ phẩm từ thảo dược.

Trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, chị Thu đã ký hợp đồng thu mua nguyên liệu trước rồi cùng 6 thành viên khác của HTX góp đất, chung vốn mua cây giống và canh tác các loại thảo dược để cung cấp cho doanh nghiệp.

Thời gian khởi đầu, HTX lựa chọn những cây dược liệu quen thuộc như: đinh lăng, cà gai leo, chùm ngây... để canh tác do đều là những loại cây dễ trồng, chăm sóc đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt trong bối cảnh HTX mới hình thành, nguồn vốn còn hạn hẹp thì những loại cây này là khá phù hợp. Sau khi trồng, HTX thực hiện bán thô cho các công ty dược tại Hà Nội và các tỉnh lân cận để “lấy ngắn nuôi dài”.

Cũng theo chia sẻ của chị Thu, sau khi tích lũy được nguồn vốn, HTX đầu tư dây chuyền sản xuất các loại trà đóng gói từ dược liệu như: trà chùm ngây, trà cà gai leo và một số mỹ phẩm chiết xuất từ dược liệu được phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn.

Nhờ có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nên đến nay, các thành viên HTX đã không phải lo lắng tìm kiếm đầu ra cho vùng nguyên liệu. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của Liên minh HTX TP Hà Nội, HTX Tâm An được tham gia vào nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, được nhiều đối tác quan tâm, mở rộng kênh tiêu thụ các sản phẩm thảo dược mang nhãn hiệu “Tâm An”.

Nói về mô hình trồng cây dược liệu của HTX Tâm An, ông Đinh Văn Khang, Trưởng thôn Khánh Vân (xã Khánh Hà) cho biết, hơn 1ha canh tác cây thảo dược hiện nay của HTX từng là vùng đất trũng thấp, năng suất trồng lúa kém hiệu quả, một số diện tích thậm chí còn bị bà con bỏ không. Tuy nhiên, khi có dự án canh tác thảo dược của HTX , khu đất này đã được cải tạo, mang lại giá trị kinh tế cao.

Đa dạng hóa sản phẩm

Bên cạnh cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, đóng gói trà, mỹ phẩm thảo dược, thời gian qua, HTX Tâm An cũng đẩy mạnh phát triển mô hình rau hữu cơ. Dù sản lượng vẫn còn khá hạn chế nhưng nông sản hữu cơ của HTX hiện cho giá trị cao gấp 3 lần sản phẩm cùng loại được canh tác theo phương thức truyền thống.

Theo thống kê của HTX, từ gần 5 sào trồng rau, củ theo mùa vụ, trung bình thu nhập đạt khoảng 3,8 triệu đồng/sào/vụ, đến nay HTX Tâm An đã mở rộng diện tích gieo trồng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bên cạnh dược liệu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng là định hướng mà HTX Tâm An đang hướng đến

Giám đốc Nguyễn Thị Thu chia sẻ, sau dược liệu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính là định hướng mà HTX đang nỗ lực theo đuổi. Hiện nay, canh tác nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, các loại phân bón hóa học còn tồn dư gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, trên thị trường có rất nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao để mua được nông sản có uy tín, bảo đảm chất lượng. Bởi vậy, chị Thu và các thành viên trong HTX quyết tâm tìm hướng đi mới cho nông nghiệp, rồi bén duyên với nông nghiệp hữu cơ.

Từ đó tìm tòi, suy nghĩ xem phải trồng những loại cây rau củ như thế nào, chăm sóc ra sao, sau đó chế biến thế nào để bảo đảm được giá trị dinh dưỡng cao nhất. Và sản phẩm Bột rau củ sấy lạnh Tâm An ra đời.

Bột rau củ sấy lạnh là sản phẩm được kiểm soát từ khâu trồng, đến chế biến và phân phối sản phẩm. Tại vùng nguyên liệu, HTX Tâm An ứng dụng phương pháp “nuôi trồng phân bón tại chỗ”, nghĩa là tận dụng nguồn tài nguyên bản địa, phụ phẩm nông nghiệp như: ốc, cá, thân chuối, bèo tây, rác thải hữu cơ… để tạo giá trị dinh dưỡng cho đất.

Bên cạnh đó, sử dụng các chế phẩm vi sinh để ủ phân giúp cây trồng dễ hấp thu. Thông qua các phương pháp đó, chị Thu cùng các cộng sự của mình không chỉ khiến vùng đất vốn khô cằn trở nên màu mỡ, tạo nguồn dinh dưỡng tự nhiên giúp cây trồng phát triển tốt, mà còn giảm tối đa chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất.

Thông qua việc trồng và chế biến các loại rau củ bằng các phương pháp hữu cơ, HTX Tâm An đã góp phần tận dụng các nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp để tạo thành nguyên liệu sản xuất phân bón trong trồng trọt, giảm tỷ lệ phát thải tại địa phương. Đồng thời, HTX còn tạo công ăn việc làm cho người lao động là phụ nữ, góp phần khuyến khích nông dân canh tác cải tạo ruộng đất không để ruộng hoang.

thoibaokinhdoanh.vn

Video