Những phụ nữ Kiên Giang khởi nghiệp thành công với hoa kiểng

07/04/2020
Kiên Giang không phải là địa phương có thế mạnh về hoa kiểng như các địa phương khác, nhưng vẫn có những tấm gương khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này. Và hai chị Nguyễn Thị Mỹ Trang, Nguyễn Thị Thanh Trúc là hai điển hình như thế.
Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, chủ cửa hàng kinh doanh hoa lan, cây kiểng Thanh Trúc, tọa lạc tại địa chỉ D5 lô 18 đường Ba Tháng Hai, phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá).

BÉN DUYÊN CÙNG HOA, KIỂNG

Sau gần 5 năm khởi nghiệp với nghề kinh doanh hoa kiểng, chị Nguyễn Thị Mỹ Trang (40 tuổi), chủ cửa hàng hoa kiểng Tấn Lầu, ngụ khu phố Phước Hưng 1, thị trấn Gò Quao (Gò Quao) đã thành công bước đầu khi được khách hàng ngày càng tín nhiệm. Chị Trang kể, năm 2014, chị quan sát trên địa bàn thị trấn Gò Quao thấy chưa ai bán hóa kiểng nên chị chọn nghề này để kinh doanh. Vốn yêu hoa kiểng từ nhỏ, càng chăm sóc, chị càng thấy mê, vậy là đeo luôn nghề hoa kiểng từ đó.

Nhà có xe tải, chị Trang trực tiếp đến các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre tìm hiểu, mua hoa kiểng về kinh doanh. Những ngày đầu kinh doanh, vì chưa có kinh nghiệm nên nhiều lần lấy hàng về, hoa kiểng bị chết, không bán được khiến chị Trang chịu thua lỗ. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi nên dần dà, chị Trang nắm được đặc tính của từng loại cây và chăm sóc đúng kỹ thuật. “Nghề dạy nghề, dần lâu tôi nhìn hoa, cây có thể đoán được chúng cần gì…”, chị Trang nói. Ngoài ra, chị Trang còn nghiên cứu thị trường hoa kiểng để lấy sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ có khiếu thẩm mỹ, chị trang trí và kết hợp giữa hoa hoặc cây kiểng với chậu nhìn rất đẹp mắt, được nhiều khách hàng ưu chuộng. Hiện cửa hàng của chị Trang có trên 20 loại sản phẩm hoa kiểng, chủ yếu các loại cây phong thủy như: Kim ngân, phát tài, lưỡi hổ, kim tiền… Trung bình mỗi ngày, chị Trang bán từ 5-10 sản phẩm, vào những dịp tựu trường, tết thì số lượng bán tăng lên gấp đôi, gấp ba lần do nhu cầu trang trí nhà, trường học. Cửa hàng hoa kiểng của chị Trang còn cung cấp hoa kiểng trang trí cho các quán cà phê, văn phòng làm việc...

TỪ ĐAM MÊ HÁI RA TIỀN

Tình yêu mãnh liệt với loài hoa lan đã thôi thúc chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (43 tuổi), chủ cửa hàng hoa kiểng Thanh Trúc tọa lạc tại địa chỉ D5 lô 18 đường Ba Tháng Hai, phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá) tự tay thiết kế, chăm sóc vườn lan không khác gì những vườn lan của xứ hoa Đà Lạt. Ngoài 3 cửa hàng kinh doanh lan, hoa hồng và kiểng lá các loại trên đường Ba Tháng Hai, Lâm Quang Ky, chị Trúc có hẳn một vườn lan trên đường Sư Vạn Hạnh, phường An Bình (TP. Rạch Giá) với nhiều giống lan rừng, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn giò lan các loại.

Đưa chúng tôi tham quan cửa hàng, chị Trúc nhẹ nhàng lấy từng giò lan xuống, nâng niu từng cánh hoa đang nở rồi giới thiệu với chúng tôi tên từng loại lan. Là phụ nữ tay yếu chân mềm, nhưng chị Trúc làm công việc chăm sóc lan hết sức nhẹ nhàng. Chị vẫn duy trì thói quen cứ vài tháng lại đi ra ngoài tỉnh để săn tìm những loài lan rừng về, sau đó tiến hành ghép giống. Không chỉ bán giò lan đã được chăm sóc ra hoa, chị còn bán cây lan con, phân bón, dụng cụ chăm sóc lan nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Không chỉ đa dạng về chủng loại, vườn lan của chị Trúc giữ chân khách hàng nhờ giá bán khá mềm và chất lượng hoa giữ được lâu. Hôm chúng tôi đến cửa hàng chị, chỉ trong vài giờ đã có hàng chục lượt khách đến tìm mua lan và cây kiểng. Tự tay đặt hoa vào chậu cho khách, chị Trúc dặn dò khách cách chăm sóc để hoa lâu tàn và cây khỏe mạnh. Mỗi khi có dịp ghé vườn lan hay các cửa hàng nơi chị bày bán, nhìn cách chị chăm sóc những giò lan tỉ mỉ và cần mẫn, với cách bố trí không gian vườn lan đẹp, thoáng mát, chúng tôi thật sự bị chinh phục bởi niềm đam mê và tình yêu của chị dành cho hoa lan, cây kiểng.

Quê Sóc Trăng, năm 2007, lúc đó chị Trúc tròn 30 tuổi, sau khi ly hôn chị chọn TP. Rạch Giá để tìm quên nỗi buồn đỗ vỡ hạnh phúc. Những ngày chân ướt chân ráo nơi đất khách, chị Trúc đã gom hết số tiền ít ỏi mang theo để mua vài giò lan rồi xin ngồi ở một góc cạnh Trung tâm Văn hóa tỉnh để bán. Những ngày đầu cơ cực không kể xiết, đêm đến chị phải che tạm cao su tại chỗ bán để ngủ. Kiếm được đồng lời nào, chị tiếp tục mua lan để bán. Nhờ thật thà, lại có duyên mua bán nên ngày càng nhiều khách hàng đến ủng hộ. Thấy chị ít vốn, nhiều vựa hoa kiểng bán rẻ, thỉnh thoảng lại cho thêm để chị có thêm đồng lời. Việc kinh doanh ngày càng phát triển, năm 2015, chị quyết định chuyển sang thuê một vị trí mới tại đường Ba Tháng Hai cũng là lúc đánh dấu một bước phát triển mới trong nghề trồng và kinh doanh lan của chị.

Ngoài mặt hàng hoa lan, chị Trúc còn có kinh doanh kiểng lá, hoa hồng ngoại nhập, đồng thời nhận trồng hoa kiểng cho các quán ăn, nhà hàng. “Làm hoài mà chẳng thấy dư vì cứ dư được đồng nào là đắp vô lan, kiếm thêm giống lan mới về nhân giống. Cũng có những chuyến lời ít đỉnh, cũng có chuyến chỉ huề vốn vì thấy khách hàng mê lan mà không có nhiều tiền giống mình ngày xưa nên thương mà bán rẻ”, chị Trúc tâm sự.

Chị Trúc cho biết, chị sẽ mở rộng diện tích trồng hoa cũng như tìm kiếm nhiều hơn nữa các giống lan đang đứng trước nguy cơ bị tiệt chủng. Đồng thời, khi đứa em gái út học xong nghề cắm hoa, chị sẽ mở thêm một cửa hàng kinh doanh hoa lan tại Phú Quốc để phục vụ du khách và cũng là để giúp đỡ em chị trong những đầu khởi nghiệp.

kiengiang.gov.vn

Video