Quảng Trị: Đối thoại thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển

04/03/2020
Những năm qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị chú trọng đẩy mạnh công tác đối thoại với cấp ủy, chính quyền và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đỗ Thị Lý chủ trì phiên đối thoại với người dân về chính sách hỗ trợ khởi sự, khởi nghiệp và phát triển kinh tế hộ sau sự cố môi trường biển năm 2016.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đỗ Thị Lý khẳng định: Hoạt động đối thoại với cấp ủy, chính quyền và người dân về chính sách phát triển phụ nữ luôn được các cấp hội quan tâm và tích cực thực hiện trong nhiều năm qua. Thông qua hoạt động này, các cấp hội phụ nữ đã tiếp nhận nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, qua đó đề xuất với cấp ủy, chính quyền nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tìm hướng mở để chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, giúp phụ nữ phát triển.

Theo đó, đã có hàng chục cuộc đối thoại với người dân do Hội LHPN tỉnh tổ chức trong những năm qua. Điển hình là hoạt động đối thoại “Người dân với chính sách hỗ trợ khởi sự, khởi nghiệp và phát triển kinh tế hộ sau sự cố môi trường biển”; đối thoại “Phát triển kinh tế tập thể - Những thách thức với hội viên phụ nữ”… Hoạt động đối thoại được thực hiện hầu hết tại các địa phương trong tỉnh và có sự tham gia của các sở, ban, ngành chức năng. Tại đây, các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của hội viên được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp nhận, xử lý nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đồng thời sớm ban hành chính sách cụ thể để hỗ trợ phụ nữ trong việc chuyển đổi các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả. Trong thời gian từ năm 2014 đến nay đã có nhiều mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, các hội viên phụ nữ hợp tác làm ăn cùng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh được chuyển đổi ở khu vực miền biển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của các cấp hội phụ nữ thông qua hoạt động đối thoại.

Chị Nguyễn Thị Loan, ở xã Hải An, huyện Hải Lăng là một trong những hội viên được tiếp cận với nhiều chính sách chuyển đổi mô hình kinh tế miền biển thông qua hoạt động đối thoại. Chị Loan cho biết, sau khi được các cấp hội phụ nữ hướng dẫn, chị đã tự chuyển đổi sang mô hình nuôi bò nhốt theo hình thức bán thâm canh và trồng cỏ để cung cấp thức ăn cho bò. Sau khi được tiếp cận kỹ thuật nuôi bò thâm canh từ Sở Khoa học và Công nghệ, gia đình chị đã quyết định đầu tư chuồng trại, mua thêm bò giống để nuôi. Sau hơn 3 năm hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình nuôi bò nhốt cao hơn rất nhiều so với các hình thức chăn nuôi khác. Hiện nay gia đình chị tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, diện tích trồng cỏ để tăng thu nhập cho gia đình.

Theo bà Đỗ Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, riêng trong năm 2019 Hội LHPN tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 16 cuộc đối thoại với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và cơ sở, đối thoại với cán bộ, hội viên phụ nữ về các nội dung: Gặp gỡ, đối thoại giữa Thường trực Hội LHPN tỉnh với cán bộ, hội viên phụ nữ Quảng Trị; về chính sách “Hỗ trợ phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh”... Trong đó, có 14 cuộc đối thoại sau giám sát của 14 sáng kiến giám sát công trình đầu tư công, chính sách và dịch vụ công (do CDI hỗ trợ). Qua đối thoại, đã có 160 kiến nghị, đề xuất gửi các đơn vị chức năng, trong đó có 11 đề xuất được các cấp chính quyền và đơn vị liên quan cam kết thực hiện, đến nay có 4 cam kết đã được thực hiện.

Đặc biệt, thông qua các dự án “Thúc đẩy công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân trong quản lý ngân sách nhà nước” và dự án “Nâng cao vai trò và hiệu quả của y tế cơ sở nhằm gia tăng việc tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng của người nghèo, phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số”, công tác đối thoại tiếp tục được đẩy mạnh. Thông qua các dự án, các hội viên phụ nữ đã mạnh dạn đề xuất, xây dựng nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy sự minh bạch trong quản lý ngân sách, gia tăng việc tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ở cơ sở. Từ năm 2015 - 2018, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 34 cuộc đối thoại, trong đó 3 cuộc đối thoại cấp huyện; 1.630 lượt người tham gia, đóng góp 304 ý kiến, đề xuất của người dân được tiếp nhận, giải trình; có 36 cam kết của chính quyền và các ngành chức năng, đến nay có 12 cam kết đã được thực hiện. Tính đến nay, các cấp hội đã tổ chức 75 cuộc đối thoại, có gần 900 ý kiến, kiến nghị, đề xuất với các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành chức năng liên quan nghiên cứu xử lý.

Ngoài ra, để hoạt động đối thoại đi vào thực chất và hiệu quả, Hội LHPN tỉnh luôn tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội. Trong những năm qua, hoạt động giám sát được thực hiện theo các chuyên đề như về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số… Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ đã tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với 205 văn bản, đề án, kế hoạch, dự thảo liên quan đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, hoạt động đối thoại do các cấp hội phụ nữ trong tỉnh thực hiện ngày càng thường xuyên với nội dung phong phú, liên quan trực tiếp đến sự phát triển chung của phụ nữ.

Có thể nói, hoạt động đối thoại của các cấp hội phụ nữ tỉnh trong thời gian qua được thực hiện khá tích cực trên tinh thần trách nhiệm cao, đã tạo ra cầu nối giữa chính sách và thực tiễn, giữa cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng với hội viên phụ nữ. Qua đó, từng bước đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ phụ nữ phát triển trong tình hình mới đi vào cuộc sống, góp phần tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện.

http://www.baoquangtri.vn/

Video