Quảng Trị: Thiết thực hỗ trợ phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp

23/06/2022
60 đại biểu là phụ nữ, thanh niên 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị, đã được tham dự hội thảo "Giải pháp hỗ trợ phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp".
Chị Trần Anh Xuân giới thiệu các sản phẩm

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị Trần Thị Thanh Hà phát biểu tại hội thảo

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho phụ nữ và thanh niên 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông về phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, sáng ngày 22/6 Hội LHPN tỉnh Quảng Trị phối hợp với tổ chức Plan tổ chức hội thảo "Giải pháp hỗ trợ phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp" cho 60 đại biểu là phụ nữ, thanh niên 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông.

Dự có đồng chí Trần Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các UBMTTQ VN tỉnh, Ngân hàng CSX tỉnh, Ban Dân tộc tôn giáo, Tỉnh đoàn, Sở KH-CN, Sở LĐ, TB và XH tỉnh.

Chia sẻ tại Hội Thảo, các đại biểu mong muốn trên cơ sở những kết quả đã đạt Hội LHPN các cấp và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các hoạt động nhân rộng, tuyên truyền kinh nghiệm những mô hình điểm của phụ nữ, thanh niên trong sản xuất, kinh doanh; thành lập các nhóm, Câu lạc bộ khởi nghiệp; quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị để mở rộng hoạt động mô hình, sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà nhấn mạnh: Với vai trò là một tổ chức vận động, hỗ trợ phụ nữ, thời gian tới Hội LHPN tỉnh sẽ có sự kết nối với các đơn vị liên quan để có chương trình, kế hoạch hoạt động phối hợp, thúc đẩy phụ nữ và thanh niên nói chung, phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng phát triển kinh tế, tích cực tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh hiệu quả, cải thiện đời sống gia đình.

Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế; Hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác …cho doanh nhân nữ, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quan tâm đến phụ nữ khó khăn, phụ nữ khuyết tật, dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường tổ chức/phối hợp với các ngành chức năng để tổ chức các phiên chợ/triển lãm giới thiệu sản phẩm của hội viên phụ nữ; đầu tư, hỗ trợ các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ mới; vận động chủ hộ kinh doanh là phụ nữ tham gia sàn thương mại điện tử; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho hội viên phụ nữ… nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025".

Nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Giai đoạn 2017-2021 Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực không ngừng nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Từ các nguồn lực huy động, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 62 lớp tập huấn về kiến thức khởi sự và quản trị doanh nghiệp, kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới, kỹ năng điều hành tổ chức hoạt động hợp tác xã, tổ hợp tác, chuỗi giá trị,... cho 2.048 phụ nữ mong muốn khởi sự doanh nghiệp, phát triển kinh tế gia đình và nữ đang quản lý điều hành sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cực nhỏ. Các cấp Hội tổ chức và phối hợp tổ chức 3 hội thảo về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ; hội thảo Kết nối tiêu thụ sản phẩm của các mô hình Phụ nữ phát triển kinh tế; hội thảo xây dựng ý tưởng và lập kế hoạch kinh doanh, kế hoạch kinh tế hộ, kỹ năng chuẩn bị kinh doanh, kỹ năng mềm và sử dụng các kênh kỹ thuật số (digital); 2 diễn đàn "Phụ nữ với thành công" thu hút 2.160 cán bộ và hội viên phụ nữ tham gia.

Các cấp Hội trong tỉnh cũng tích cực tổ chức cuộc thi khởi nghiệp và hỗ trợ hiện thực hóa các dự án, ý tưởng khởi nghiệp như phát động 3 cuộc thi "Xây dựng ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp" cấp tỉnh; cuộc thi " Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế"... và tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn của hội viên phụ nữ đến với người tiêu dùng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm do hội viên phụ nữ sản xuất. Cụ thể, 74 hội chợ, phiên chợ nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn; tổ chức 12 phiên làm việc trực tiếp với Siêu thị Coopmart Quảng Trị, các khách sạn, nhà hàng, các công ty có tổ chức ăn trưa cho công nhân để kết nối tiêu thụ sản phẩm; ký kết 9 biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ gia đình/tổ hợp tác/HTX với các nhà hàng, khách sạn, trường học; xây dựng 20 trang facebook chuyên đề, vận hành 24 gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu thực phẩm an toàn của hội viên phụ nữ....

Cùng với sự đồng hành của tổ chức Plan, nhiều mô hình, hoạt động được các cấp hội triển khai đem lại quyền lợi thiết thực về vật chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Tiêu biểu có thể kể đến như: Mô hình tiết kiệm và vốn vay thôn bản với 7.517 hội viên phụ nữ tham gia là bước đầu thay đổi từ nhận thức đến hành vi của chị em phụ nữ, tạo thói quen thực hành tiết kiệm chi tiêu gia đình đến quản lý tài chính nhóm. Cùng với đó là các cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo phát triển sinh kế cho nhóm hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số"... tập huấn kỹ năng sử dụng mạng internet và kỹ năng viết thông tin quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên internet; tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn của hội viên phụ nữ đặc sản địa phương...

Từ những hỗ trợ đó, đã có nhiều ý tưởng khởi nghiệp mới, lạ, khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương như "Tour du lịch trải nghiệm 199k"; mô hình du lịch cộng đồng "Miền Viên thảo"; mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa...

Với những chương trình thiết thực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN tỉnh, bước đầu đã tạo ra những thay đổi trong tư duy và phương pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, khởi nghiệp; chú trọng xây dựng năng lực khởi nghiệp cho phụ nữ từ kiến thức, kỹ năng, kết nối các nguồn lực, tiêu thụ sản phẩm, đăng ký thương hiệu, nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất kinh doanh của chị em trong xu thế nền kinh tế số, kinh tế xanh, bền vững.

PNVN

Video