Sự nỗ lực vươn lên của đôi vợ chồng khuyết tật

28/06/2022
Tình yêu của vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Hương, 34 tuổi, và anh Nguyễn Minh Trung, 38 tuổi, nảy mầm sau cuộc gặp gỡ khi cả hai còn rất trẻ. Họ đã cùng nhau đi qua nhiều biến cố và đang từng ngày nỗ lực vun vén hạnh phúc gia đình.
Hội LHPN Q.Bình Tân tặng máy hấp dầu (dụng cụ làm tóc) và động viên vợ chồng chị Hương (thứ hai, từ trái qua) tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống

Sau một ngày lăn xe khắp các hẻm chợ bán tăm bông, hộp quẹt, giẻ chà nồi… anh Trung trở về tổ ấm của hai vợ chồng - căn phòng rộng chừng 12m2 nằm trên đường số 4, tổ 28, P.An Lạc A, Q.Bình Tân, TP.HCM. Tài sản lớn nhất của họ là một chiếc xe lăn, một chiếc xe ba bánh và bộ đồ nghề làm tóc. “Máy hấp dầu do Hội Phụ nữ quận tặng vợ tôi. Chúng tôi chỉ mới sắm được ít đồ làm móng và giường gội đầu, bấy nhiêu là mừng lắm rồi. Mười mấy năm qua vợ tôi rất cực, ngày nào cũng bước thấp bước cao đẩy xe lăn cho tôi đi bán vé số”, anh Trung bộc bạch. 

Anh Trung quê ở Tiền Giang, bị sốt bại liệt năm ba tuổi khiến hai chân anh bị teo, phải đi nạng. Học hết tiểu học, anh theo ba mẹ lên TP.HCM bắt đầu cuộc sống mới. Cuộc mưu sinh vất vả nơi đất khách, cộng với việc đi lại khó khăn nên anh Trung phải nghỉ học từ năm lớp 11 để xin làm công nhân vặn nắp chai. Vào những năm 2000, bàn chân phải của anh càng lúc càng lật ngược khiến mỗi bước đi chẳng khác nào bị tra tấn. Rồi anh được tài trợ vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn - ITO để phẫu thuật và gặp chị Hương - một người đồng cảnh ngộ - tại đây. Cả hai đều ở P.An Lạc A, Q.Bình Tân nên từ đó, anh Trung thường đến nhà thăm chị Hương. Anh kể: “Ngay sau khi rời bệnh viện, tôi tìm đến nhà thăm Hương. Lần nào gia đình cũng nói Hương đi vắng, nhưng tôi đã nhìn thấy bàn chân bó bột của Hương thõng xuống từ gác lửng. Biết Hương tránh mặt, nhưng tôi vẫn đến và lần nào cũng chỉ có mẹ Hương tiếp tôi. Về sau, nghĩ Hương không thích mình nên tôi không tới nữa. Bẵng đi mấy năm, Hương chủ động gọi cho tôi. Sau một tháng gặp gỡ trở lại, chúng tôi cưới nhau. Đó là năm 2009”. Nhắc chuyện xưa, chị Hương thú nhận thương anh Trung, nhưng sợ cả hai đều khuyết tật nặng, đến với nhau sẽ khổ. “Hồi còn nhỏ tôi bị té. Vì không có điều kiện điều trị dứt điểm nên xương chân thoái hóa dần. Tôi đi học được mấy năm, biết được mặt chữ thì nghỉ, xin đi phụ rửa chén, bưng bê trong quán ăn. Thấy mọi thứ đều bấp bênh nên đâu dám nghĩ tới chuyện hẹn hò, cưới hỏi. Nhưng lý trí không thắng được con tim” - chị cười.

Vợ chồng chị Hương - anh Trung

Hiện tại, nơi vợ chồng chị Hương tá túc là một trong bốn phòng trọ của gia đình anh Trung. Cưới nhau xong, hai vợ chồng họ cùng làm việc trong xưởng vặn nút chai, cứ 1.000 nút được trả 3.000 đồng. Thấy thu nhập quá thấp, khó lòng trang trải cuộc sống hằng ngày, nên đầu năm 2011 họ chuyển sang bán vé số. Bất kể nắng mưa, sớm tối, ngày nào chị Hương cũng đẩy xe lăn cho chồng. Họ đi từ Q.Bình Tân qua Q.10, Q.1 rồi ngược về. Ban đầu, mỗi ngày họ chỉ bán được khoảng 70 tờ, sau mới tăng dần lên 150, 200 tờ.

Đến khi dịch COVID-19 bùng phát, vé số tạm ngưng phát hành, anh Trung suy nghĩ rồi quyết định để vợ ở nhà, tự mình lăn xe đi bán tăm bông, hộp quẹt, giẻ chà nồi… Biết Hương thích làm tóc nên Hội LHPN Q.Bình Tân đã giúp phương tiện để chị mở tiệm. “Nhờ có Hội Phụ nữ tiếp thêm sức mạnh mà chúng tôi gượng dậy” - anh Trung thổ lộ.

Bên cạnh việc chăm lo làm ăn, chị Hương và anh Trung còn là vận động viên của đội tuyển cử tạ người khuyết tật TP.HCM. Mỗi ngày trôi qua dù có mệt mỏi, đuối sức thì tối đến, vợ chồng họ vẫn cùng nhau đến Trung tâm Văn hóa - Thể thao Q.Tân Bình luyện tập. Họ nhiều lần tham gia hội thao người khuyết tật toàn quốc và đã giành được nhiều huy chương các loại. Anh Trung nói, năm nào tới kỳ thi đấu cũng háo hức, bởi với anh chị mỗi chuyến đi dù xa hay gần, dù có đạt thành tích hay không thì đó vẫn là trải nghiệm quý báu minh chứng cho tình yêu của hai vợ chồng, dẫu gập ghềnh, sóng gió vẫn luôn bước cùng nhau.

phunuonline

Video