Thu nhập ổn định từ cây chổi lông gà

12/08/2022
Những cây chổi lông gà mềm mại, màu sắc sặc sỡ, được làm hoàn toàn thủ công đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình chị Nguyễn Thị Quàng (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) từ nguồn nguyên liệu tưởng chừng là rác thải.
Chị Quàng kết chổi lông gà.

Vốn là người dân vùng Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) rồi theo chồng về quê hương Hồng Dân sinh sống và lập nghiệp, chị Quàng nảy ra ý tưởng làm chổi lông gà khi nhận thấy bà con trong vùng sau khi làm thịt gà, vịt thường vứt bỏ lông hoặc bán rẻ cho thương lái thu mua. Trong khi, đây lại là nguồn nguyên liệu khá phổ biến được dùng làm chổi để quét dọn bàn thờ gia tiên hay vệ sinh nhà cửa rất bền và đẹp. Thấy vậy, chị liền bàn với chồng tìm đến các lò giết mổ gia cầm trong vùng để đặt hàng lông vũ mà chủ yếu là lông gà trống để về làm chổi bán thử. Lúc đầu, chị Quàng chỉ làm vài chục cây để thăm dò nhu cầu khách hàng, nào ngờ sản phẩm nhanh chóng bán hết do bà con trong xóm và người tiêu dùng rất thích. Vậy là chị bàn với chồng chọn nghề làm chổi lông gà để khởi nghiệp.

Cũng theo chị Quàng, để có được cây chổi lông gà đẹp thì công đoạn chọn và xử lý lông gà sau khi mua là quan trọng nhất. Lông gia cầm sau khi mua về phải phơi nắng để loại bỏ mùi hôi, đồng thời phải phân cỡ để khi kết chổi, những chiếc lông vũ sẽ đều, thẳng hàng và đẹp. Tiếp đến, người kết chổi phải tỉ mẩn dùng kẽm xâu lông lại thành từng đoạn dài từ 80 - 90cm. Trước khi kết chổi, để những chiếc lông không bị bung ra, chị Quàng còn quét lên cán chổi một lớp nhựa đường để khi kết vào lớp lông vũ sẽ kết dính lại và vì vậy cây chổi khi thành phẩm cũng sẽ bền hơn.

Chị Nguyễn Thị Quàng chia sẻ: “Làm nghề này phải tỉ mỉ và tốn khá nhiều thời gian mới hoàn thành được một sản phẩm. Bù lại, sản phẩm mình làm ra được bà con sử dụng đánh giá tốt và nhiều người còn tìm đến tận nơi để đặt hàng nên cũng giúp mình có thêm động lực làm nghề”. Hiện, mỗi cây chổi lông gà được chị Quàng bán ra thị trường với giá từ 60.000 - 150.000 đồng. Mỗi ngày chị Quàng làm được khoảng 10 cây, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi cây chổi lông gà bán ra chị Quàng còn lãi khoảng 30.000 - 50.000 đồng (tùy loại). Bên cạnh việc làm chổi lông gà, để tăng thêm thu nhập cho gia đình, chị Quàng và chồng còn làm thêm các sản phẩm chổi lông nhựa, chổi quét trần nhà…

Từ những nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi, nhưng nếu biết tận dụng và biến chúng trở thành những vật dụng thiết yếu trong gia đình hoặc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thì sẽ mang lại nguồn lợi ổn định cho người dân ở các vùng nông thôn. Từ đó, góp phần đa dạng hóa ngành nghề cho người dân cũng như góp phần xử lý môi trường nông thôn một cách hiệu quả.

baobaclieu

Video