Đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ, trẻ em tiếp cận nước sạch và vệ sinh hiệu quả nhất
Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu dự thảo Kế hoạch hành động của Hội LHPN các cấp thực hiện 3 sạch trong chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời tham vấn với các Bộ/ Ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế để hoàn thiện kế hoạch và thống nhất các giải pháp phối hợp với Hội LHPN Việt Nam trong quá trình thực hiện.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho mọi người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết bởi nó tác động trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của họ. Nội dung này đã được đưa vào mục tiêu số 6 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của các quốc gia Liên hợp quốc. Đồng thời, việc vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và nước sạch đã được Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện trong nhiều văn bản.
Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho mọi người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết
“Hơn 10 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan, đối tác trong nước, tổ chức quốc tế, các cấp Hội đã tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu quốc gia về vệ sinh và nước sạch giúp hàng triệu hộ gia đình phụ nữ cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhằm đóng góp có hiệu quả vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí 17.8: Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chí 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ theo nội dung cuộc vận động “Xây dựng gia định 5 không, 3 sạch” do Hội LHPN phát động, TW Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện 3 sạch, với mục tiêu đóng góp ít nhất 10% vào mục tiêu chung của cả nước. Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở phát huy vai trò của các cấp Hội thông qua việc thực hiện thí điểm hỗ trợ kỹ thuật tại 4 tỉnh (Sóc Trăng, Cà Mau, Thái Nguyên, Gia Lai)” – theo Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh.
Bà Anjanette Saguisag, Quyền Phó trưởng đại diện UNICEF chia sẻ về tầm quan trọng của NSVS tới sức khỏe của phụ nữ và trẻ em
Chia sẻ về tầm quan trọng của NSVS tới sức khỏe của phụ nữ và trẻ em, bà Anjanette Saguisag, Quyền Phó trưởng đại diện UNICEF cho biết: “Ở Việt Nam, việc tiếp cận NSVS đã được cải thiện nhanh chóng tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cho phụ nữ, trẻ em tại các vùng khó khăn. Nếu không có điều kiện về NSVS tốt thì phụ nữ và trẻ em sẽ mắc phải nhiều bệnh tật, trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là các trẻ em gái sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe khi đến kỳ kinh nguyệt nếu không được tiếp cận với điều kiện nhà vệ sinh sạch sẽ; phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng đến năng suất lao động và các phúc lợi nói chung”. Do đó, bà khuyến nghị Hội LHPN Việt Nam và các cơ quan liên quan cùng phối hợp hành động để ưu tiên những đối tượng nào còn đang khó tiếp cận được với NSVS; lồng ghép NSVS vào các Chương trình MTQG, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; nâng cao nhận thức cho phụ nữ về hệ thống NSVS môi trường.
Các đại biểu tham gia hội thảo
Thực trạng và rào cản trong tiếp cận NSVS của phụ nữ và trẻ em
Hiện nay, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu HVS có xu hướng tăng khoảng 1 – 2% tại tất cả các vùng miền, tuy nhiên việc thực hành rửa tay với xà phòng còn thấp, chưa duy trì được thành thói quen thường xuyên. Do đó, theo TS. BS. Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe môi trường, Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, cần phải đẩy mạnh truyền thông vận động chính sách về tầm quan trọng của vệ sinh; truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh, tạo ra nhu cầu xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh với thông điệp như: sự riêng tư, văn minh, an toàn, cải thiện sức khỏe, kinh tế gia đình…; tiếp xúc trực tiếp với người sử dụng; tạo nguồn cung và huy động nguồn lực đầu tư.
TS. BS. Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe môi trường, Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế chia sẻ thực trạng về Vệ sinh ở Việt Nam
Được biết, đến năm 2022, cứ 58 người trong 100 người chưa được tiếp cận được với các dịch vụ nước sạch từ công trình cấp nước tập trung nông thôn (số liệu từ UNICEF). Thách thức trong những năm tiếp theo xoay quanh việc thiếu vốn đầu tư công trình để tăng thêm tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; thiếu vốn đầu tư cho các công trình để đảm bảo duy trì tỷ lệ dân số nông thôn đã sử dụng nước sạch và môi trường pháp lý để thực hiện được các chính sách xã hội hóa cho lĩnh vực cấp nước nông thôn.
Bà Trần Kim Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại chương trình
Đối với tỉnh Sóc Trăng, theo số liệu thống kê của UNICEF năm 2019, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh của tỉnh là 65%. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đặc biệt còn thấp tại một số huyện trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân chủ yếu do tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn khá cao, nhiều hộ gia đình vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận với nước sạch ở các huyện chỉ ở mức 60-70%, đa số những xã có tỷ lệ tiếp cận nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh thấp hiện nay đều là những xã có tỷ lệ nghèo cao, vùng nhiều đồng bào DTTS sinh sống. “Những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh trong thời gian đến từ việc nhận thức của hội viên phụ nữ về vệ sinh nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung và cuộc vận động ở một số địa bàn chưa đầy đủ, phong tục tập quán của đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa còn lạc hậu, khó xóa bỏ, nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế; kinh phí đầu tư cho “các công trình phụ” của hộ gia đình còn thấp; công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến xây dựng NTM và CVĐ ở một số cơ sở Hội chưa thực sự sâu rộng...”, theo bà Trần Kim Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Giải pháp và nguồn lực
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Trần Nhật Lam, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới TW chia sẻ về Định hướng chương trình MTQG Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cũng như vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN trong thực hiện tiêu chí 17.8, Bộ tiêu chí Quốc gia về Nông thôn mới và nghe bà Trương Thị Thu Thủy, UV ĐCT, Trưởng ban Gia đình - xã hội, TW Hội LHPN Việt Nam trình bày Dự thảo kế hoạch hành động của Hội LHPN các cấp thực hiện 3 sạch, góp phần thực hiện tiêu chí 17.8 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025.
Bà Trương Thị Thu Thủy, UV ĐCT, Trưởng ban Gia đình - xã hội, TW Hội LHPN Việt Nam trình bày Dự thảo kế hoạch hành động của Hội LHPN các cấp thực hiện 3 sạch, góp phần thực hiện tiêu chí 17.8 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025
Bà Hoàng Thị Tây Ninh, Quản lý vận động và truyền thông tổ chức Save Children cũng đã chia sẻ về kinh nghiệm mô hình thu trữ nước mưa hộ gia đình, một giải pháp góp phần thực hiện hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với NSVS. Thông qua mô hình, các hộ gia đình được cung cấp bồn chứa nước bằng nhựa đã được kiểm định chất lượng, dễ vận chuyển để trữ nước mưa. Đây là hệ thống khép kín làm hạn chế ô nhiễm trong quá trình thu và trữ nước, người dân không quá tốn kém chi phí cho việc duy trì, bảo quản đặc biệt đối với hộ gia đình nghèo.
Bà Hoàng Thị Tây Ninh, Quản lý vận động và truyền thông tổ chức Save Children cũng đã chia sẻ về kinh nghiệm mô hình thu trữ nước mưa hộ gia đình
Đối với các cấp Hội phụ nữ Hà Nội, vấn đề nước sạch và vệ sinh an toàn cho phụ nữ, trẻ em được triển khai lồng ghép, gắn với thực hiện CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Chương trình MTQG xây dựng NTM, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Có được kết quả “3 sạch” nổi bật hiện nay, Hội LHPN TP. Hà Nội chú trọng việc chỉ đạo điểm, hướng dẫn các cấp Hội lồng ghép các tiêu chí “3 sạch” với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các chuyên đề công tác của Hội, lựa chọn các nội dung cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tình hình hội viên để triển khai như: tuyên truyền trên các nền tảng truyền thông của Hội và phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông kiến thức về nước sạch, vệ sinh môi trường, truyền thông các mô hình về bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, các đại biểu đã cùng thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn một cách hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cũng nêu ra một số ý kiến trong quá trình hỗ trợ các tỉnh xây dựng đề án/kế hoạch: - Cần quán triệt đây là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, các ngành các cấp, chứ không phải của riêng Hội. - Mặc dù số liệu thực hiện các chỉ tiêu về nước sạch, vệ sinh có vẻ khá khả quan nhưng tại các địa bàn tỷ lệ hộ gia đình (HGĐ) có nhà tiêu hợp vệ sinh cao thì những đối tượng còn lại là những hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, khuyết tật khó có điều kiện cải thiện công trình nước sạch và vệ sinh, rất cần có sự hỗ trợ, vào cuộc của các cấp, các ngành trong đó có Hội LHPN các cấp. - Để không có ai bị bỏ lại phía sau, cần phân nhóm địa bàn, xây dựng phương án tiếp cận và giải pháp can thiệp phù hợp, hiệu quả: Nhóm 1: Các tỉnh còn nhiều xã chưa đạt NTM, tỷ lệ HGĐ có thiết bị chứa nước, nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) còn thấp, tỷ lệ HGĐ chưa có nhà tiêu còn cao -> nhóm này chúng ta tiếp cận theo hướng tăng tỷ lệ HGĐ có nhà tiêu HVS Nhóm 2: Các tỉnh có số lượng xã đạt Nông thôn mới cao, tỷ lệ HGĐ có thiết bị chứa nước, nhà tiêu HVS đáp ứng tiêu chí của các chương trình MTQG nhưng vẫn còn HGĐ không có nhà vệ sinh -> nhóm này chúng ta tiếp cận theo hướng tất cả các HGĐ đều sử dụng nước sạch và nhà tiêu HVS. - Kế hoạch/Đề án của Hội LHPN các tỉnh/thành cần có sự quan tâm về công tác chỉ đạo, cơ chế và nguồn lực của UBND các tỉnh, sự phối hợp hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực của các sở ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. - Cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề nước sạch và vệ sinh để chính người dân thấy được sự cần thiết mà thay đổi hành vi, thói quen, tập quán không tốt của mình. Đây là yếu tố tự thân và rất quan trọng. - Phát huy kinh nghiệm, chia sẻ và vận dụng sáng tạo, phù hợp cách làm của những mô hình đã thành công; - Cần xây dựng được mô hình mới, sáng tạo, thực hành tốt phù hợp với đặc điểm văn hóa người dân ở từng vùng miền. - Cần xác định ưu tiên, lựa chọn các hoạt động phù hợp, ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả quá trình thực hiện để đạt hiệu quả nhất, tránh dàn trải. |
*) Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho người dân, tuy nhiên chất lượng/điều kiện vệ sinh ở các hộ gia đình khu vực nông thôn vẫn là vấn đề cần được quan tâm; hiện nay, còn 22% hộ gia đình nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh (khoảng gần 14 triệu người dân ở khu vực nông thôn đang sử dụng các nhà vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn), 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn, điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt phụ nữ và trẻ em. Hàng năm, tại Việt Nam có khoảng 20.000 ca tử vong do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, 9.000 người tử vong do nguồn nước bị ô nhiễm.. Vệ sinh môi trường yếu kém sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại khoảng gần 800 triệu USD do tình trạng vệ sinh kém gây nên. |