Quảng Nam: Tiếp sức để phụ nữ tự tin khởi nghiệp

03/05/2024
Sự tiếp sức, đồng hành của Hội LHPN các cấp trong tỉnh Quảng Nam trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp đã tạo động lực, thúc đẩy phụ nữ tự tin khởi sự kinh doanh, đổi mới sáng tạo.
Hội LHPN tỉnh phát động cuộc thi “Phụ nữ KNST và chuyển đổi xanh” năm 2024

Sát cánh đồng hành cùng chị em trên con đường khởi nghiệp

Năm 2020, đại dịch COVID-19 ập đến cũng là thời điểm chị Thái Thị Nhị (Công ty TNHH Thực phẩm Mẹ Mít Hội An) quyết định khởi nghiệp. Trước đây, chị Nhị làm việc trong ngành du lịch, tranh thủ thời gian kinh doanh thêm các sản phẩm “nhà làm”. Bằng đam mê và sáng tạo không ngừng, đến năm 2022, chị Nhị gặt hái được nhiều thành quả. Trong đó, nổi bật là giải Ba Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia 2022 (tiền thân là Cuộc thi khởi nghiệp quốc gia). Cùng năm, công ty của chị có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Chị tâm sự: “Từ những ngày đầu khởi nghiệp, tôi nhận được sự hỗ trợ từ Phòng Kinh tế, Hội LHPN, Hội khởi nghiệp thành phố. Điều đó tiếp thêm động lực giúp tôi mạnh mẽ, tự tin có những bước tiến như hôm nay”.

Tại Quảng Nam, phong trào phụ nữ khởi nghiệp được hưởng ứng mạnh mẽ, dễ nhận thấy nhất là trong những năm gần đây, số lượng dự án khởi nghiệp, sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ thể chiếm đa số. Thông qua hoạt động phụ nữ khởi nghiệp, nhiều chị em đã tâm huyết, kiên trì, bứt phá để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đến nay, toàn tỉnh có gần 70% dự án khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ. Nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp thành công, nhiều sản phẩm đã có mặt tại hầu hết tỉnh thành trong cả nước. Qua 6 lần phát động Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp (2018-2023), Hội LHPN tỉnh đã tiếp nhận 316 dự án của các tác giả/đồng tác giả là nữ. Trong đó, số dự án đạt giải cấp vùng, quốc gia và được UBND tỉnh công nhận 92 dự án. Nhiều gương phụ nữ khởi nghiệp xuất sắc đã được tôn vinh, biểu dương. Đơn cử, năm 2023, trong 6 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích đoạt giải trong các chương trình, cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia và cấp vùng, thì có đến 5 cá nhân là phụ nữ.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã vào cuộc tuyên truyền thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đồng thời trực tiếp tham gia hỗ trợ bằng nhiều hình thức. Cuối năm 2023, tại Ngày hội khởi nghiệp thị xã Điện Bàn lần thứ I-TechFest Điện Bàn 2023, Hội LHPN thị xã và Câu lạc bộ Phụ nữ Điện Bàn khởi nghiệp đã tổ chức 2 buổi livestream tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Qua đó đã thu hút gần 6.000 lượt người xem cùng hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ… góp phần lan tỏa, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, ý tưởng này cũng được Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp TP. Tam Kỳ tổ chức livestream đã giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng như sản phẩm Nhàu Best One, yến sào Bảo Trân, mỳ Quảng Cô Huệ, yến sào BT Group, nước mắm Ngọc Lan… Toàn bộ lợi nhuận từ chương trình livestream được trao tặng phụ nữ khuyết tật và bị ung thư trên địa bàn thành phố.

Khởi nghiệp Phụ nữ xứ Quảng vươn xa

“Xuất khẩu chính ngạch” trở thành cụm từ cảm xúc, ấn tượng của phong trào khởi nghiệp Phụ nữ xứ Quảng, được bắt nguồn từ dự án như: HTX chế biên nông sản thực phẩm Bà Ba Hội , HTX nhàu Best One (Tp. Tam Kỳ), cơ sở phở sắn tại làng nghề Đông Phú (Quế Sơn)… đã có sản phẩm tại các thị trường quốc tế nhưng để thành xu hướng mới, vươn xa là cả một quá trình. Khởi nghiệp mở và sản phẩm vươn ra biển lớn của phụ nữ Quảng Nam luôn khơi dậy, khuyến khích và đề cao khát vọng; cụ thể là các dự án: Mang hương rừng ra phố (Hiếp Đức), Quế Trà My Minh Phúc (Bắc Trà My), Nông sản Hồng Anh (Đại Lộc), Bánh dừa nướng Quý Thu (Quế Sơn);v… đặc biệt nhất là các món ẩm thực của Phụ nữ Quảng Nam hiện luôn là bếp ăn của khách Tây và được mệnh danh “Từ làng ra thế giới” luôn là nguồn cảm hứng…

Chị Huỳnh Thị Thu Thủy (Tam Kỳ), người sáng lập thương hiệu “Bà Ba Hội” chia sẻ: “Hành trình đưa mỳ Quảng, các sản phẩm bản địa vượt đại dương hàng tháng trời để đến với thị trường sôi động, khó tính và mở ra cơ hội toàn cầu là hành trình dấn thân, không ngừng đổi mới và hoàn thiện sản phẩm. Với tôi, đó là hạnh phúc và cũng là hành trình từ trái tim đến trái tim. Chúng tôi cảm ơn đối tác phía bên kia bán cầu và luôn cam kết về sản phảm đảm bảo chất lượng, uy tín”. Chị Võ Thị Thu Thôi (Tiên Phước), tác giả dự án “Trang sức mo cau xứ Tiên” hào hứng: “Năm đầu tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp, tôi xác định tham gia nhiều sự kiện, nhiều nơi để tích lũy kiến thức và kết nối. Nhưng tôi rất ấn tượng với cách kết nối và lan tỏa của phụ nữ tỉnh nhà”…

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh sẽ nỗ lực khắc phục những trở ngại nhằm tạo lập môi trường thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, khai thác các lợi thế của công nghệ số, công nghệ thông tin để tiếp sức cho chị em phụ nữ trên con đường khởi sự kinh doanh, góp phần thực hiện thành công Đề án 939 giai đoạn II (2021-2025).

Minh Ánh

Video