Xây dựng hệ sinh thái toàn diện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp hiệu quả góp phần vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nhiều chị em phụ nữ tự tin khi bước ra từ Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương cho biết, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (gọi tắt là Đề án 939) được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 không chỉ tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển sự nghiệp, mà còn góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Trong giai đoạn triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, tính đến năm 2024, đã có 4/5 mục tiêu của Đề án đã hoàn thành và vượt mức so với kế hoạch đề ra, có những mục tiêu hoàn thành vượt mức gấp 3, gấp 4 lần.
Đề án với điểm nhấn là Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp hàng năm đã tạo thành sức lan tỏa mạnh mẽ trong phụ nữ cả nước. Nhiều chị em đã mạnh dạn cống hiến và tự tin hơn rất nhiều khi bước ra từ Cuộc thi để mở rộng quy mô, tăng trưởng doanh thu lớn mạnh và vươn tầm ra quốc tế.
Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp hàng năm đã tạo thành sức lan tỏa mạnh mẽ trong phụ nữ cả nước
Trong Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, Hội LHPN Việt Nam được giao là cơ quan chủ trì phối hợp với một số bộ ngành, ngân hàng để dự thảo xây dựng Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2026-2035; đây là điểm sáng khi Hội được Chính phủ ghi nhận nỗ lực của Hội LHPN các cấp trong triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2017-2025. Thời gian qua, để Đề án đáp ứng được nhu cầu khởi nghiệp, phát triển kinh tế của phụ nữ, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, và xu thế định hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể; nhận được sự đồng hành của các chuyên gia trong và ngoài nước đã đóng góp các nghiên cứu, tư vấn về chiến lược, giải pháp, tạo nền tảng khoa học và thực tiễn để triển khai Đề án; nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp, tổ chức quốc tế giúp tạo thêm nguồn lực cho các hoạt động và đặc biệt là sự nỗ lực, kiên trì của chính phụ nữ khởi nghiệp khi nhiều chị em đã vượt qua rào cản định kiến giới, tự tin khẳng định mình trên thương trường.
Phó Chủ tịch Trần Lan Phương mong muốn các đại biểu nghiên cứu, đưa ra ý kiến bám sát chủ trương, chính sách phát triển nền kinh tế của đất nước
Tại đây, Phó Chủ tịch Trần Lan Phương đề nghị các đại diện bộ, ngành, cơ quan TW, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Hội LHPN các tỉnh, thành phố đã trực tiếp triển khai Đề án ở các cấp tập trung vào một số nội dung: phân tích rõ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để xây dựng Đề án giai đoạn mới; đánh giá điểm manh, điểm yếu, cơ hội, thách thức khi triển khai Đề án để có tính khả thi cao hơn trong thời gian tới. Bà cũng đề nghị, hội thảo cần xác định đâu là điểm mới, nội dung mới để đưa vào Đề án cũng như gợi ý cân nhắc đối tượng thụ hưởng đề án giai đoạn tới mở rộng tới hội viên phụ nữ khu vực nông thôn; phụ nữ cao tuổi; nữ công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; nữ vận động viên… thể hiện rõ nét vai trò trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là gắn với thế mạnh, bản sắc, văn hóa, tài nguyên bản địa của mỗi địa phương... trong bối cảnh phát triển bền vững, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là xu thế bao trùm ở Việt Nam và trên thế giới.
Phó Chủ tịch mong muốn các đại biểu nghiên cứu, đưa ra ý kiến bám sát chủ trương, chính sách phát triển nền kinh tế của đất nước. “Chúng ta phải đi tắt, đón đầu, ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ xanh, kinh tế số… và tạo dựng một hệ sinh thái toàn diện hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp hiệu quả để đảm bảo phụ nữ là nhân tố đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Phó Chủ tịch Trần Lan Phương khẳng định.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Nhiều giải pháp gợi mở cho Đề án giai đoạn 2026-2035
Về đối tượng của Đề án giai đoạn 2026-2035, một số ý kiến cho rằng mô hình HTX do phụ nữ làm chủ nên được quan tâm chú trọng, quan tâm hơn đến phụ nữ khuyết tật, phụ nữ yếu thế, phụ nữ cao tuổi… Cần làm rõ hệ sinh thái của phụ nữ khởi nghiệp và bám sát các tiêu chí khởi nghiệp xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, đối tượng của Đề án giai đoạn mới cần bổ sung phụ nữ trẻ, sinh viên mới ra trường có độ tuổi từ 18-30 và có khát vọng khởi nghiệp ở phạm vi trên toàn quốc. Ông cũng đề xuất cân nhắc về các đối tượng hỗ trợ như Trường Đại học, Viện Nghiên cứu, các đối tác quốc tế để có chương trình đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp. Bên cạnh đó, ông gợi mở 4 nhiệm vụ và giải pháp quan trọng cần tập trung cho giai đoạn tới là thành lập Ban Đề án và có thể mời các chuyên gia nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ tham gia; phát triển mạng lưới cố vấn; mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và quốc tế; tăng cường hỗ trợ pháp lý và chính sách.
ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội gợi mở các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng cần tập trung cho giai đoạn tới
Đại diện Hội LHPN các tỉnh, thành phố đều đồng tình với giải pháp: chủ trương chỉ đạo của Chính phủ cần quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành để Hội LHPN các cấp có cơ sở phối hợp thực hiện Đề án; truyền thông nâng cao năng lực phù hợp cho các nhóm đối tượng; tăng cường các hoạt động đào tạo, kết nối, hỗ trợ khai thác thị trường tiềm năng của phụ nữ; nhân rộng gương điển hình… Ngoài ra, Hội LHPN một số tỉnh, thành cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Ngân hàng tham mưu được chính sách đặc thù riêng cho phụ nữ khởi nghiệp cũng đang là sự thuận lợi trong thực hiện Đề án và cần tiếp tục được triển khai trong giai đoạn tới.
Đại diện Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh chia sẻ ý kiến
Trong giai đoạn triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, đã có nhiều kết quả ấn tượng, vượt xa mục tiêu đề ra: - Hơn 100.000 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, gấp hơn 5 lần kế hoạch ban đầu. - Hơn 6.000 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý được thành lập, vượt hơn 5 lần mục tiêu đề ra. - Nhiều phụ nữ tại các vùng sâu, vùng xa đã mạnh dạn thay đổi tư duy, áp dụng mô hình kinh doanh sáng tạo, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống gia đình. Những thành tựu này không chỉ góp phần thay đổi nhận thức về vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế mà còn khẳng định phụ nữ là nhân tố quan trọng, đóng góp vào sự bền vững của nền kinh tế đất nước. |