“Hoa xương rồng” giữa đời thường

12/01/2010
Sáu tháng tuổi bị sốt bại liệt, Nguyễn Thị Thúy Hoa (SN 1974, ngụ TP. Qui Nhơn, Bình Định) lớn lên trong vất vả. Dù không thể đi lại trên đôi chân của mình, nhưng nghị lực vượt lên số phận của chị khiến nhiều người phải nể phục. Là chủ câu lạc bộ giao lưu văn thơ và ngoại ngữ mang tên “Hoa xương rồng” dành cho những người khuyết tật, chị đã chứng minh cho mọi người biết rằng dù trong khó khăn, khắc nghiệt, loài hoa ấy vẫn nhú lên lặng lẽ, lung linh giữa đất trời...

LỚN LÊN TỪ KHỐN KHÓ VÀ BỆNH TẬT

Hoa là con út trong một gia đình có bảy anh chị em (mất hết ba người). Cả nhà sinh sống ở tận bên đảo Cù Lao Xanh, TP. Qui Nhơn. Anh cả Hoa là liệt sĩ. Hàng ngày, cha Hoa làm nghề đánh cá và nuôi quân (chở bộ đội qua biển). Khi được sáu tháng tuổi, trong lúc cha vắng nhà, Hoa đã bị một trận sốt cao. Kể từ đó, Hoa không thể phát triển giống như những đứa trẻ bình thường khác. Tay chân Hoa ngày càng teo tóp lại, nên mọi sinh hoạt cá nhân đều do một tay mẹ cáng đáng. Cả gia đình gom góp tiền bạc để chạy chữa cho Hoa nhưng không có kết quả. Biết con gái chịu thiệt thòi nên ba rất cưng Hoa. Sống trên đảo nghèo, điều kiện để được đi học vốn đã khó khăn thì với Hoa lại càng khó khăn gấp bội phần. Càng lớn, Hoa càng muốn được đến trường. Mẹ và anh trai kế đã trở thành giáo viên của Hoa. Từ ngày biết đọc, Hoa xem những cuốn sách như là người bạn nhỏ. Hoa đã mơ ước viết văn.

Bất hạnh lại đổ ập xuống cuộc đời Hoa lần nữa. Cha Hoa mất vì chứng bệnh ung thư gan. Mẹ Hoa cũng đột ngột qua đời một năm sau đó. Hoa đã qụy ngã thật sự. Đã có lúc Hoa muốn chết để không trở thành gánh nặng cho người thân. Nhưng sợ anh trai không thể chịu đựng thêm nỗi đau mất Hoa, nên Hoa đã cố gắng gượng dậy. Hai anh em về sống tại căn nhà (số 5 - Trần Cao Vân, TP. Qui Nhơn) do cha mẹ để lại.

Sau đó, Hoa gặp được một người chú tốt bụng. Chú giới thiệu Hoa vào cơ sở dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật Nguyễn Nga. Được sống, học nghề và giao lưu với những bạn trẻ cùng cảnh ngộ, Hoa nghĩ cuộc đời mình vẫn còn rất may mắn. Tại đây, Hoa được học nghề thêu, đan len. Dù đôi tay bị khuyết tật, nhưng Hoa rất có năng khiếu. Những sản phẩm do Hoa làm ra đều rất đẹp và tỉ mỉ. Nhưng sau đó, vì căn bệnh suy tim mãn tính, Hoa phải nghỉ học ở trường Nguyễn Nga để nhập viện.

Khi được biết có cuộc thi viết văn xuôi quốc tế dành cho người khuyết tật với chủ đề “Vượt lên số phận”, Hoa đã xin tham gia. Nhưng bài viết của Hoa bị gởi nhầm địa chỉ nên không đến được tận nơi. Tuy nhiên, tác phẩm của Hoa đã được các nhà thơ, nhà văn trong Hội Nhà văn thành phố Qui Nhơn chú ý. Họ đã động viên Hoa sáng tác. Một số tác phẩm của Hoa được đăng trên báo Áo trắng, báo Bình Định và đài phát thanh.

KHÔNG ĐẦU HÀNG SỐ PHẬN

Dù mọi di chuyển phải nhờ vào xe lăn, nhưng Hoa vẫn không muốn trở thành gánh nặng cho các anh chị. Hoa muốn tự xoay sở và nuôi sống bản thân. Cách đây mấy tháng, tại TP. Qui Nhơn có tổ chức một buổi tọa đàm dành cho người khuyết tật. Cô Nguyễn Nga đã giới thiệu Hoa cho một tổ chức của người nước ngoài. Sẵn mặt bằng của căn nhà, được sự đồng ý của anh trai, Hoa đã có ý tưởng mở quán cà phê. Vì thế, Hoa lập một kế hoạch dự trù kinh phí và xin được tài trợ. Một quán cà phê bé nhỏ mang tên Thúy Hoa ra đời. Thương cảm cho hoàn cảnh của Hoa, các em học sinh đã tìm đến để giúp chị trang trí quán. Để tiết kiệm kinh phí, nếu có gì tự tay làm được, Hoa làm tất, từ những bức tranh treo tường, thắt những con hạc, đến thiết kế kiểu dáng cho đèn...

Tác phẩm do Hoa thêu bằng tay

Biết chút ít vi tính, Hoa đã lên mạng để tìm học cách pha trà sữa để tự tay pha chế. Ngoài ra, Hoa còn làm bánh flan, yaourt rất ngon. Chị cho biết: những món ấy, chỉ được học qua sách vở.

Dù tự lo kinh tế nhưng niềm đam mê được viết văn, thơ vẫn luôn thôi thúc Hoa. Chị đã thành lập câu lạc bộ giao lưu văn thơ và ngoại ngữ ngay tại quán dành cho những người đồng cảnh ngộ. Khi còn học ở trung tâm, khả năng học ngoại ngữ của chị rất tốt. Bởi theo chị, dù không có điều kiện nhưng chị đã từng ấp ủ ước mơ làm dịch thuật. Hiện Hoa đang theo học chương trình tiếng Anh giao tiếp miễn phí. Theo chị, mục đích hình thành câu lạc bộ này là nhằm giúp người khuyết tật vượt qua mặc cảm, sống hòa đồng; mong muốn có thêm bạn bè và có cơ hội giao tiếp, học hỏi.

Câu lạc bộ của chị có một nhóm bút mang tên Hoa xương rồng. Cái tên chất chứa bao nỗi niềm của chị và những người khuyết tật biết vượt lên trên số phận. Chị giải thích rằng: cuộc sống của người khuyết tật giống như hoa xương rồng mọc lên trên cát. Dù trong điều kiện khô cằn nhưng nó vẫn nở hoa. Nhóm bút gồm chín người đã cho ra đời một tuyển tập ngắn mang tên Những vì sao mơ ước. Thơ, văn các bạn rất hồn nhiên, mộc mạc, không gọt giũa câu chữ, làm xúc động lòng người bằng những tình cảm chân thành và khát vọng sống bình dị.

Gặp Hoa, chúng tôi rất ngỡ ngàng vì khuôn mặt chị trẻ hơn nhiều so với tuổi. Hoa trắng trẻo, xinh xắn và đặc biệt nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi. Nhìn các bức tranh thêu tay treo trên tường, chúng tôi không nghĩ rằng đó chính là những tác phẩm của chị, bởi vì chúng quá đẹp và sắc sảo. Hoa cho biết trước kia chị làm nhiều hơn thế nữa, có thể thêu tranh, đan mũ, áo len để bán. Nhưng ba năm trở lại đây, bệnh tim của chị trở nặng, cánh tay phải yếu dần nên bây giờ chỉ có thể thêu bằng tay trái.

Cuộc sống với những người khuyết tật như Hoa vẫn còn là một chặng đường dài và đầy chông gai phía trước, nhưng chúng tôi tin rằng Hoa “xương rồng” với sức sống mãnh liệt vẫn sẽ nhú lên lặng lẽ và tỏa sáng.

MỸ THANH
Theo Báo Công an Nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video