24 tác giả dự án xuất sắc dự thi vòng thuyết trình Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp toàn quốc 2021

08/10/2021
Vòng thi thuyết trình Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp toàn quốc 2021 do TW Hội LHPN tổ chức diễn ra vào sáng ngày 8/10/2021 với sự tham gia của 24 dự án/ý tưởng xuất sắc, tiêu biểu.
Phần thi thuyết trình của Dự án "Xây dựng chuỗi liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum để phát triển kinh tế bền vững" ((Ảnh KL)

Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4, năm 2021 có chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP"đã thu hút hơn 1.500 dự án/ý tưởng tham gia, gấp 1,7 lần so với năm 2020 và 11 lần so với năm đầu tiên (2018).

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo trân trọng chúc mừng các tác giả của 24 dự án/ý tưởng xuất sắc tham gia vòng thi thuyết trình; đồng thời ghi nhận, đánh giá cao sự nghị lực, đam mê của các chị đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 để kiên trì theo đuổi ước mơ trên con đường khởi nghiệp, tạo ra những sản phẩm/dịch vụ sáng tạo, mô hình kinh doanh tiêu biểu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và yêu cầu của thời kỳ kinh tế số. 

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu khai mạc vòng thi thuyết trình

Do điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và các điểm cầu tại các tỉnh có dự án của thí sinh tham gia.

Các thí sinh tham gia dự thi có 5 phút trình bày về dự án của mình, sau đó Hội đồng Giám khảo sẽ đặt câu hỏi và các thí sinh sẽ trả lời trong thời gian 10 phút. Ban Tổ chức sẽ sử dụng đồng hồ đếm ngược, hết thời gian các thí sinh sẽ kết thúc phần thi.

Chuẩn bị kỹ càng nội dung, các thí sinh tự tin trình bày đề án/ ý tưởng của mình để thu hút sự chú ý của ban giám khảo. Qua tranh tài cho thấy, dự án/ý tưởng của các chị đều là những sản phẩm độc đáo, mới lạ, tạo được sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường về đặc điểm, phương thức sản xuất, chất lượng, giá cả cạnh tranh, bao bì, màu sắc. Đặc biệt, chiến lược marketing của chị em ứng dụng công nghệ số trên các trang mạng xã hội và các nền tảng sàn thương mại điện tử đã thực sự mang lại hiệu quả giúp nâng cao doanh số bán hàng, thu về lợi nhuận hơn mong đợi trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp hàng năm là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" do TW Hội LHPN tổ chức, qua đó nhằm tìm kiếm và hỗ trợ hiện thực hóa các dự án/ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ. 

Qua 4 năm tổ chức, Cuộc thi đã nhận được gần 3,500 ý tưởng, dự án trên nhiều lĩnh vực và thuộc nhiều đối tượng khác nhau tham gia. Riêng Cuộc thi ở cấp Trung ương đã có 139 dự án/ý tưởng được hỗ trợ hiện thực hóa với tổng kinh phí trên 38 tỷ đồng.

Ban Giám khảo tham gia chấm thi tại hội đồng Doanh nghiệp (Ảnh KL)

 

Danh sách 24 dự án/ ý tưởng lọt vào vòng Chung kết thuyết trình Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp toàn quốc 2021:

1. Hợp tác xã sản xuất thương mại nông nghiệp sạch Hoằng Đạo: dự án "Chế phẩm sinh học EM"

2. Hợp tác xã Thái Minh: dự án "Đổi mới kỹ thuật trồng và chế biến trà xanh ướp hoa Mộc theo định hướng hữu cơ"

3. Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vy: dự án "Trà diếp cá Lụa Vy"

4. Hợp tác xã nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam: dự án "Sản xuất và phân phối các sản phẩm gia dụng làm từ mo cau"

5. Hợp tác xã Trần Phú: dự án "Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng chuồng lạnh trong nuôi gà sinh sản và liên kết theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi gà sử dụng thức ăn hữu cơ"

6. Công Ty Cổ phẩn 5S: dự án "Ống hút ngũ cốc"

7. Công ty TNHH Thực Phẩm Nhân Hậu: dự án "Sản xuất và cải tiến đặc sản Cá kho Vũ Đại Hà Nam và các sản phẩm về cá đi kèm"

8. Công ty TNHH Enosta: dự án "SMARTOS – nền tảng tích hợp quản lý không gian làm việc"

9. Công ty TNHH Hoan Kiều: dự án "Sản xuất miến dong sạch và chế biến phân bón vi sinh từ bã thải dong riềng"

10. Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên: dự án "Xây dựng chuỗi liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum để phát triển kinh tế bền vững"

11. Công ty TNHH DaLa Group: dự án "Dalahouse Farm & Food"

12. Công ty TNHH MTV Ba Tre: dự án "Bột sữa hạt sen Ba Tre"

13. Chị Bùi Thị Hiền Lương: dự án "Nâng cao giá trị của con cá trích – hướng tới xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm "Chả cá trích Quỳnh Phương""

14. Chị Nguyễn Thị Nhài: dự án "Trồng nho sạch"

15. Chị Nguyễn Thị Như: dự án "Trồng cây nông nghiệp công nghệ cao"

16. Chị Nguyễn Thị Huyền: dự án "Tổ hợp tác liên kết chuỗi sản xuất rau, củ, quả tiêu chuẩn OCOP, theo hướng PGS"

17. Chị Nguyễn Thị Sâm: dự án "May gia công công nghiệp túi siêu thị xuất khẩu"

18. Chị Trần Thị Ngọc Hiếu: dự án "Hoa Ốc"

19. Chị Lê Thị Mùi: dự án "Nghệ thuật tranh giấy xoắn"

20. Chị Nguyễn Thị Mười: dự án "Trồng và đan lục bình thành hàng thủ công mỹ nghệ đạt theo quy chuẩn OCOP"

21. Chị Tống Thị Thu Yến: dự án "Thu mua thanh long đạt tiêu chuẩn VietGap làm nước ép"

22. Chị Nguyễn Thị Dung: dự án "Sản xuất và chế biến đậu phụ trên công nghệ dây chuyển hiện đại"

23. Chị Vàng Thị Mỷ: dự án "Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm tổng hợp gắn với phát triển du lịch cộng đồng"

24. Chị Bùi Thị Mích: dự án "Mô hình sản xuất và trồng rau, củ, quả theo hướng an toàn sinh học"

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video