Những góa phụ bên dòng sông Công

13/08/2007
Họ đều là những góa phụ còn trẻ ở độ tuổi 22-32, đều phải sống trong những căn nhà rỗng tuếch, không còn một thứ đồ đạc gì. Họ đều phải gánh những khoản nợ nần mà họ không vay, cũng không là người được hưởng.

Điều nổi bật của sự giống nhau nữa là ở những người phụ nữ này đều có các ông chồng quá cố là những người nghiện có HIV. Nhiều góa phụ còn phải chịu thêm nỗi bất hạnh khi bị lây căn bệnh này từ chồng. Nụ cười đã sớm tắt trên môi họ.

Dự báo thời gian tới, số góa phụ ở đây còn tăng nhanh, tỉ lệ thuận với những nấm mồ đang dày thêm nơi nghĩa trang. Thực trạng đau xót này đang diễn ra ở xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - một vùng đất nằm bên bờ con sông Công huyền thoại.

Đồng chí Triệu Bình Lực, Phó trưởng Công an huyện Đại Từ trầm giọng: "Có thời điểm, chỉ trong một tháng, Hùng Sơn đã có 5 người nhiễm HIV chết. Thế nghĩa là thêm 5 người vợ phải thành góa phụ và hàng chục đứa trẻ phải chịu cảnh mồ côi.

Họ là nạn nhân của cơn bão ma túy ập đến gần chục năm nay, khi các điểm khai thác khoáng sản rộ lên ở Khau Âu (Phú Lương), Na Rì (Bắc Kạn), Bản Ná (Võ Nhai)… và trai tráng trong xã đua nhau đi bãi với hy vọng đổi đời.

Nhưng vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy những thanh niên khỏe mạnh hôm nào, nay trở về "vàng mắt", dặt dẹo vì nghiện ma túy và có HIV. Nhiều kẻ còn trở thành trộm cắp. Của cải trong nhà họ bắt đầu "đội nón ra đi".

"Bần cùng hóa" gia đình xong, cũng là lúc bệnh của họ trở nặng và khi chết, tài sản họ để lại cho vợ con chỉ là sự túng thiếu, nợ nần chồng chất. Vì thế, cuộc sống của những góa phụ, con côi này cực kỳ lay lắt".

Dẫu biết rằng họ nghèo, nhưng bước chân vào căn nhà lụp xụp, nằm chênh vênh trên sườn núi của chị Bùi Thị H. ở xóm 7, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên.

Trống trơn. Không bàn ghế hay bất kỳ đồ vật nào. Một góc nhà kê chiếc giường ngủ của 2 mẹ con, còn một góc kê 3 viên gạch làm bếp, chiếc chạn bát được làm bằng mấy thanh tre cong queo, treo xộc xệch trên bức tường ám khói.

Trời nắng nóng mà không có lấy chiếc quạt điện nhỏ. Tôi ái ngại nhìn đứa bé khóc ngằn ngặt trên tay mẹ vì nóng bức và rôm sảy. Thứ đáng tiền nhất trong căn nhà có lẽ là "thạ" chè tươi vừa hái về đổ ở cửa giường.

Tấm ri-đô ngăn giường nằm với bếp, được sắm trong dịp cưới của 2 vợ chồng còn chưa kịp phai màu cứ gợi lên nỗi nhức nhối.

Mới 22 tuổi nhưng trông H. như đã ngoài 30. Ánh nhìn xa xăm trên gương mặt trĩu nặng ưu tư. H. kể: Năm 2005, lúc sinh con, bệnh viện làm xét nghiệm mới biết chồng có HIV. H. choáng váng. Mất một thời gian dài H. luôn trong tâm trạng hoảng loạn. Nhưng chưa kịp bình tâm thì chỉ 3 tháng sau, chồng H., anh Nguyễn Văn L. đã chết ở tuổi 32, vì phát bệnh.

Mới làm vợ 1 năm đã thành góa bụa, lại gánh thêm “bản án tử hình” do chồng mang đến, đứa con gái duy nhất có thể mồ côi cả cha lẫn mẹ lúc nào không hay, hỏi còn gì khủng khiếp hơn với một người phụ nữ vừa mới qua tuổi hai mươi như H.?

Cuộc sống của H. trở nên trầm lặng. Cuộc sống của hai mẹ con giờ đây chủ yếu trông vào gia đình ngoại, vì bố mẹ chồng đều đã ngoài 80 tuổi, chị gái chồng lại bị bệnh nặng.

Muốn nỗi đau mà mình đã chịu sẽ không còn nhiều người phải gánh nữa, H. đã tham gia vào "CLB phụ nữ tình nguyện” ở xã và trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong phòng và tránh HIV/AIDS.

Ánh mắt buồn thăm thẳm, H. tâm sự: "Cũng như các chị em trong CLB, nỗi lo âu lớn nhất của em lúc này là tương lai của con gái em. Cháu có bị nhiễm bệnh không và nếu chẳng may em mệnh hệ gì thì cháu sẽ ra sao?".

Cách nhà H. không xa là nhà chị Đặng Thị T. Ở tuổi 32, T. cũng đã chịu cảnh góa bụa. Chồng T., anh Đỗ Sĩ L. mới mất. Trong căn nhà chị đang ở, tài sản có giá nhất là 6 chiếc ghế nhựa nhỏ.

Ông Đỗ Thế Hằng, Trưởng xóm, chép miệng: "Chỉ có mỗi chiếc giường ngủ của 3 mẹ con không bán được thì mới còn thôi!". T. càng như chông chênh giữa căn phòng trống, nước mắt giàn giụa khi kể lại những đau khổ vừa trải: L. nghiện hút nên thóc, lúa, ngô, khoai, mèo, chó, lợn, gà v.v… đều giấu vợ con bán sạch. Nhà có vạt chè, mảnh ruộng 2 sào là nguồn sống chính cũng bị đem cắm từ lâu.

Có hôm, đứa con gái lớn đi học, còn bị bố đón đường bắt đưa xe đạp cho để cắm. Thương con, chị vay mượn chuộc về, rồi gửi ở dọc đường, để con đi học thì lấy, về lại gửi, thì chồng chị đến tận trường cháu, giằng co để lấy bằng được. Không có tiền chuộc, con chị phải cuốc bộ đi học 5-6 cây số mỗi ngày.

Chúng tôi hỏi chị có đi xét nghiệm để biết mà có những biện pháp phòng tránh cho 2 đứa con không, chị buồn bã cho biết: "Cuộc sống của mẹ con em quá khổ nên em chán lắm, cũng không muốn biết sự thật nữa!".

Cảnh ngộ của chị H., chị T. hay các chị Nguyễn Thị S., Trần Thị M., Vũ Thu V.… là cảnh ngộ chung của những góa phụ là nạn nhân của ma túy ở Hùng Sơn.

Thế mà theo ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Công an xã Hùng Sơn, thì xã vẫn còn gần 100 người có HIV, ở độ tuổi 35-47. Hùng Sơn có tới 3 CLB: "CLB đồng đẳng" cho những người có HIV, "CLB phụ nữ đồng cảm" dành cho những người vợ có chồng có HIV và "CLB phụ nữ tình nguyện" dành cho những phụ nữ có HIV.

Song, đây chỉ là số người trong diện quản lý, tức mới là "phần nổi của tảng băng chìm", bởi xã vẫn chiếm vị trí thứ 2 ở huyện về số người nghiện, còn số người từng đi "bãi" thì lớn hơn nhiều. Một lý do cho thấy, danh sách người có HIV hẳn còn dài, bởi vì nhiều nguyên nhân, vợ của nhiều người có HIV đã không đi xét nghiệm.

Cơn bão ma túy đã tạm qua ở Hùng Sơn, nhưng hoang tàn còn để lại. Dẫu đã yên phận dưới suối vàng, song nỗi đau mà các ông chồng nghiện có HIV để lại cho vợ, con, cha, mẹ vẫn còn dai dẳng, cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi bước chân xuống núi ra về, gặp những người đàn ông hì hục vác quặng ngược lên, chúng tôi cứ thầm mong, đừng có ai nữa kết thân với "nàng tiên nâu"…

Thanh Hằng
CAND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video