Thanh thiếu niên Việt Nam: Hiện tại và Tương lai (Tiếp theo và hết)

27/03/2006
 

Phần II: Giải pháp cho sự phát triển

Trong mục “Tâm điểm” của trang web ngày hôm qua, chúng tôi đã đề cập đến một số thông tin về thực trạng thanh niên và vị thành niên ở Việt Nam thông qua cuộc điều tra Quốc gia Vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2003 do Bộ Y tế và Tổng cục thống kê thực hiện với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF). Kết quả cuộc điều tra vừa mới được công bố vào tháng 3 năm 2006.

 

Để vị thành niên và thanh niên Việt Nam có thể phát triển xứng đáng là thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng cha ông, và phù hợp với xu thế đi lên củathời đại; Hôm nay chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đến bạn đọc về những ước vọng, nguyện vọng của thanh thiếu niên với Nhà nước, những hy vọng và suy nghĩ về tương lai của chính bản thân các em.

 

... Một loạt câu hỏi và nhận định đã được đưa ra trong bảng hỏi nhằm tìm hiểu nhận thức của thanh thiếu niên về giá trị bản thân, lòng tự trọng, ước muốn và hoài bão tương lai. Nhìn chung, cuộc điều tra cho thấy thanh thiếu niên Việt Nam có suy nghĩ tích cực về tương lai, có nhiều kỳ vọng, đánh giá cao bản thân và cảm thấy có giá trị đối với gia đình.

 

Tự đánh giá một cách tích cực về bản thân là một trong những nội dung của bảng hỏi để tìm hiểu mức độ vươn lên ngay từ ý thức của thanh thiếu niên. Xét về mặt tổng thể, nghiên cứu này cho thấy một tỷ lệ lớn thanh thiếu niên nghĩ họ có một số phẩm chất tốt hoặc “tôi có khả năng làm được những việc mà người khác làm được”. Các yếu tố và lý do dẫn đến sự tự ti đã được nghiên cứu khá kỹ, chúng đa dạng, phức tạp có tác động qua lại lẫn nhau giữa và trong nội tại các yếu tố. Buồn chán có thể là một vấn đề thông thường của sức khoẻ thanh thiếu niên, khả năng ứng phó của giới trẻ là những vấn đề cần quan tâm trong tương lai và có thể sẽ là những vấn đề nổi cộm đối với thanh thiếu niên ở Việt Nam. Vì vậy, cần nhanh chóng có thêm các nghiên cứu sâu để làm sáng tỏ mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố.

 

Mức độ lạc quan có vẻ như tăng theo độ tuổi mà không có sự khác biệt giới, thành thị và nông thôn. Tuy nhiên mức độ lạc quan về kinh tế gia đình ở thanh thiếu niên người Kinh cao hơn người dân tộc thiểu số. Để củng cố sự lạc quan của thanh thiếu niên cần có các hướng dẫn bổ sung, các kỹ năng tự chủ và tự bảo vệ mình cũng như các tư vấn và tạo một môi trường tình cảm tốt cho các em.

 

Nguyện vọng đầu tiên của thanh thiếu niên với Nhà nước là tăng các cơ hội việc làm sau đó là tạo/tăng các cơ hội giáo dục. Tỷ lệ khá cao ở nhóm 22 – 25 tuổi muốn có thêm các cơ hội việc làm. Chỉ có một tỷ lệ thấp thanh thiếu niên muốn có thêm cơ hội tiếp cận với các dịch vụ CSSK. Điều này có thể là do thanh niên bức xúc về vấn đề kinh tế hoặc phần đông thanh niên không cần đến các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, việc thiếu vắng các dịch vụ y tế có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới một số nhóm đối tượng trong các trường hợp khẩn cấp (đặc biệt là nữ thanh niên mang thai và thanh niên bị tai nạn).

 

Nguyện vọng thứ hai là Nhà nước cần khuyến khích giới trẻ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội. Một điều thú vị là thanh thiếu niên ít chọn vui chơi giải trí làm vấn đề ưu tiên. Điều này không có nghĩa là dịch vụ giải trí đã đầy đủ mà có thể là thanh thiếu niên quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về việc làm, học hành hơn là giải trí, thể thao. Thực ra tham gia những hoạt động này cũng mang lại một số lợi ích xã hội và có ý nghĩa về mặt y tế dự phòng. Điều này đã được ghi nhận ở một số nghiên cứu và cũng cần được lưu ý khi xem xét các yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ nhằm thúc đẩy môi trường thuận lợi cho thanh niên. Sự gắn bó với gia đình, có suy nghĩ tích cực và lạc quan, sự gắn bó với nhà trường là những yếu tố bảo vệ có hiệu quả đối với sự phát triển tốt của thanh thiếu niên.

 

Sau đây là 3 nhóm khuyến nghị chủ yếu nhằm khuyến khích thảo luận để xác định hướng xây dựng chính sách và chương trình trong tương lai:

Khuyến nghị cho những vấn đề ưu tiên:

 

- Triển khai thêm các cơ sở dạy nghề cho thanh thiếu niên.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chuyên môn với các tổ chức đoàn thể trong đó có Đoàn Thanh niên là đối tượng ưu tiên để triển khai các chương trình cung cấp thông tin chính xác và tập trung phát triển kỹ năng, nhằm các lĩnh vực ưu tiên như HIV/AIDS, sức khoẻ tình dục và SKSS, lạm dụng các chất gây nghiện, tai nạn giao thông...

- Xây dựng chính sách quốc gia về thiết lập mạng lưới truyền thông giáo dục, dịch vụ hỗ trợ, tư vấn và chăm sóc SKSS cho thanh thiếu niên trong trường học và tại cộng đồng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế trong xã hội.

- Xem xét bổ sung, sửa đổi các chính sách/luật (và các chế tài liên quan) về vấn đề thanh thiếu niên tiếp cận với rượu, bia và thuốc lá.

 

Khuyến nghị nhằm vào nhóm thanh thiếu niên cụ thể:

 

- Tăng cường và mở rộng các chương trình can thiệp nhằm cung cấp các thông tin và dịch vụ về SKSS, phòng chống HIV/AIDS... dành cho thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số.

- Các chương trình giáo dục SKSS, sức khoẻ tình dục cần được thiết kế nhằm nâng cao kiến thức và giáo dục hành vi tình dục an toàn, lành mạnh, đặc biệt cho đối tượng nữ thanh niên trong và ngoài trường học kể cả những nữ thanh niên tiền hôn nhân.

- Thiết kế các chương trình và các can thiệp chuyên biệt cho nam thanh thiếu niên nhằm hạn chế các hành vi có hại cho sức khoẻ thường song hành tồn tại như hút thuốc và uống rượu, bia, tình dục nguy cơ cao và sử dụng bao cao su, phòng chống HIV/AIDS, bạo lực và tai nạn giao thông.

 

Khuyến nghị nhằm xây dựng môi trường thân thiện và hỗ trợ thanh thiếu niên

 

- Mô hình các yếu tố nguy cơ - bảo vệ và môi trường thân thiện hỗ trợ cần được giới thiệu tới các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu nhằm tăng cường nhận thức về cách tiếp cận này.

- Nghiên cứu đánh giá môi trường học đường để xây dựng môi trường thân thiện hỗ trợ, sao cho học sinh học hành tốt, không bỏ học sớm.

- Xây dựng các chương trình tại cộng đồng giúp thanh thiếu niên có thể giải trí lành mạnh, có cơ hội hoạt động, giảm stress, không thử các hành vi nguy hiểm có hại cho sức khoẻ.

- Đầu tư vào các chương trình can thiệp nhằm củng cố mối quan hệ với gia đình vì đây là yếu tố bảo vệ quan trọng giúp cho thanh thiếu niên gắn bó hơn nữa với cha mẹ và những người lớn khác, được quan tâm chăm sóc đầy đủ, được phát triển tính độc lập và có cơ hội tham gia vào các hoạt động của gia đình.

- Mở rộng cung cấp các dịch vụ thân thiện và các hình thức tư vấn cho thanh thiếu niên, nhất là với đối tượng thanh thiếu niên chưa có gia đình.

- Tăng cường các chương trình truyền thông với cha mẹ để thúc đẩy sự trao đổi cởi mở giữa thanh thiếu niên với gia đình.

- Phát huy vai trò tích cực của nhóm bạn bè trong việc hạn chế các yếu tố nguy cơ đối với thanh thiếu niên.

 

Trên đây là một số thông tin từ kết quả của cuộc điều tra quốc gia về thanh thiếu niên Việt Nam. Là thế hệ đi trước chúng ta có thể tin tưởng vào giới trẻ bởi vì họ lạc quan và tràn đầy hy vọng. Họ nhìn thấy tương lai với những cơ hội rộng mở hơn cha mẹ mình ngày trước. Họ thấy được giá trị của nhà trường, công việc và phần lớn không có hành vi gây hại cho bản thân. Việt Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội mạnh mẽ với những cơ hội và thách thức. Sự thịnh vượng khá giả về vật chất lại có thể kéo theo những vấn đề về ma túy, mại dâm, xung đột giữa các cá nhân và căng thẳng tâm lý. Mặc dù hiện tại tỷ lệ thanh thiếu niên sa vào nguy cơ tiềm tàng này chưa cao như ở một số nước khác song cũng cần có biện pháp để ngăn ngừa và phòng chống tích cực hơn nữa. Mục tiêu trong thời gian tới phải là tiếp tục duy trì sức khoẻ và hạnh phúc của giới trẻ đồng thời cải thiện các cơ hội kinh tế và xã hội nói chung cho họ.

Hạnh Sâm (Tổng hợp)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video