Xây dựng Luật Bình đẳng giới

11/03/2005
Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 (năm 2003) bổ sung vào chương trình xây dựng Luật nhiệm kỳ 2002-2007. Quốc hội đã giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Luật cho Hội LHPN Việt Nam.

Ban soạn thảo Luật Bình đẳng giới được chính thức thành lập tháng 3/2005 gồm 10 thành viên là: lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Toàán nhân dân tối cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban Quốc gia Vì Sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

 

Để giúp việc cho Ban soạn thảo, Tổ Biên tập gồm 12 thành viên là lãnh đạo cấp Vụ và chuyên viên các Bộ, ngành tham gia Ban soạn thảo do Phó Ban thường trực Ban soạn thảo trực tiếp làm Tổ trưởng cũng đã được thành lập trong tháng 3/2004.

 

Từ tháng 4 đến tháng 12/2004, Hội LHPN Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động chuẩn bị cho việc xây dựng Luật, đặc biệt là 6 hoạt động lớn đã được hoàn thành gồm:

 

- Tập huấn giới cho thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập.

 

- Thu thập, biên dịch và nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm xây dựng Luật Bình đẳng giới và các luật khác có liên quan đến bình đẳng giới của các quốc gia châu Á, châu Âu.

 

- Tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn về đối tượng, phạm vi và nội dung Luật Bình đẳng giới.

 

- Rà soát, phân tích, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới.

 

- Tập huấn kỹ năng soạn thảo Luật Bình đẳng giới từ kinh nghiệm của quốc tế.

 

- Đánh giá thực trạng bình đẳng giới tại Việt Nam.

 

Trên cơ sở các hoạt động chuẩn bị, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đang hoàn thiện Dự thảo để chuẩn bị lấy ý kiến đóng góp.

 

Trọng tâm năm 2005 của Hội LHPN Việt Nam trong việc xây dựng Luật Bình đẳng giới là tổ chức các hội nghị, hội thảo, toạ đàm lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật. Đối tượng dự kiến lấy ý kiến bao gồm các chuyên gia luật, chuyên gia giới, các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các địa phương, các tầng lớp nhân dân và các tổ chức khác. Các hội thảo lớn sẽ được tổ chức tại 3 miền Bắc - Trung - Nam. Dự thảo Luật sẽ được chỉnh lí thông qua các hội nghị, hội thảo, toạ đàm lấy ý kiến.


Việc ban hành luật Bình đẳng giới không chỉ cụ thể hoá một cách đầy đủ, cụ thể quan niệm về bình đẳng nam nữ của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện trong các văn kiện của Đảng, trong Hiến pháp từ những năm 1930, 1945 đến nay, mà còn nhằm phù hợp với xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, đây là một văn bản quy phạm pháp luật tương đối khó vì nó liên quan đến việc thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, liên quan đến những khái niệm và nội dung của các khái niệm còn nhiều người chưa biết đến hoặc biết nhưng chưa đầy đủ… Bởi vậy, Hội LHPN Việt Nam rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, địa phương, các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo Luật.

 

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về qua địa chỉ:

            Ban Luật pháp - Chính sách, Hội LHPN Việt Nam 
            -
Địa chỉ: Số 39 Hàng Chuối, Hà Nội

- Điện thoại: 04. 9719913/9723005

- Fax: 04.9713143

- E-mail: banlpcs@yahoo.com hoặc HTTVan@cardvn.net

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video